|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Định giá hàng hóa cần có căn cứ và đảm bảo không tư lợi

02:35 | 12/11/2022
Chia sẻ
Đa số đại biểu đều đồng tình về tính cấp thiết phải điều chỉnh các quy định về giá; đồng thời sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế.

Chiều ngày 11/11, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XV tiếp tục thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi). Đa số đại biểu đều đồng tình về tính cấp thiết phải điểu chỉnh các quy định về giá; đồng thời sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Quốc hội Hà Nội cho hay, thực tế trong những năm qua, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện đều liên quan đến việc xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc khi bán, nhất là với tài sản công. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN).

Hiện nay, các tổ chức tư vấn định giá rất ngại, thậm chí không dám nhận nhiệm vụ định giá các tài sản cho khu vực công. Nhiều cơ quan, đơn vị hiện không mua sắm được các tài sản, vật tư hàng hóa như bệnh viện không mua được thuốc chữa bệnh và vật tư y tế.

Trong khi đó, nhiều tài sản công không thể chuyển giao cho khu vực tư như các dự án bất động sản không thể xác định giá đất nhằm giao cho các nhà đầu tư để phát triển.

Nguyên nhân là do chưa có những quy định chặt chẽ và cụ thể; chưa có những căn cứ, phương pháp để xác định giá cả hàng hóa; chưa có các quy định làm căn cứ cho cơ quan định giá, quyết định giá nên khó bảo đảm việc không có tư lợi. Thực tế cho thấy, pháp luật hiện hành không có công cụ định giá cũng như bảo vệ những người làm định giá.

Do đó, đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, đầu tiên là cần hoàn thiện Luật Giá (sửa đổi) để “lấp khoảng trống” các căn cứ pháp luật, làm cơ sở cho việc xác định giá, phương pháp đánh giá cũng như làm căn cứ định giá và xây dựng nguyên tắc định giá... Dự thảo Luật nên có một chương riêng về phương pháp, căn cứ, nguyên tắc định giá.

 Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu. (Ảnh: An Đăng - TTXVN). 

Bên cạnh đó, hoạt động kê khai giá hiện nay cũng không nên giới hạn ở một số loại hàng hóa mà quy định đối với tất cả các loại hàng hóa khi đưa vào lưu thông trên thị trường đều phải thực hiện kê khai giá.

Những doanh nghiệp sản xuất lần đầu tiên đưa sản phẩm vào thị trường và những các doanh nghiệp nhập khẩu khi lần đầu tiên nhập khẩu hàng hóa đưa vào thị trường tiêu thụ đều phải thực hiện kê khai giá, đại biểu Cường nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm này, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, đoàn Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho rằng, việc sửa đổi Luật Giá cần đảm bảo giá cả được điều chỉnh đáp ứng kịp thời những biến động giá cả trên thị trường, đặc biệt trong bối cảnh giá xăng dầu có nhiều biến động như hiện nay.

Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, thẩm định giá phải đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật và kết quả thẩm định giá phải đảm bảo đáp ứng với từng loại hình doanh nghiệp. Từ đầu tháng 10 đến nay, tình trạng đứt gãy nguồn cung, khan hiếm xăng dầu xảy ra trên diện rộng, không hiếm gặp hình ảnh các cây xăng đóng cửa, người dân xếp hàng dài chờ đến lượt mua.

Đại biểu đặt vấn đề, không rõ vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở đâu và có nên duy trì Quỹ này nữa hay không? Nên chăng đã đến lúc phải thay đổi cơ chế Quỹ bình ổn giá bằng các công cụ điều tiết giá khác hiệu quả hơn để giá cả hàng hóa vận hành theo quy luật của thị trường.

Việc quy định lập Quỹ bình ổn giá thành một điều luật riêng tại dự thảo (Điều 22) có thể không phù hợp. Vì theo chính sách thẩm định giá, gần đây sau hàng loạt sai phạm liên quan đến thẩm định giá, có thể nhận thấy thị trường này đã và đang phát triển nóng về số lượng, nhưng chưa đảm bảo chất lượng.

Có không ít doanh nghiệp thẩm định giá cũng như thẩm định viên về giá thiếu kinh nghiệm hoặc vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Cụ thể vì lợi ích trước mắt mà gian dối, câu kết với khách hàng, làm sai lệch hồ sơ để thổi giá cao hoặc hạ thấp giá trị một cách bất thường. Đây là vấn đề lớn mà Liên Bộ Tài chính, Công Thương cần cân nhắc kỹ lưỡng và thận trọng. 

Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN).

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Luật Giá năm 2012 đã phát huy hiệu quả nhất định trong quá trình kiểm soát giá, kiểm soát lạm phát ở Việt Nam. Tuy nhiên, qua thực tiễn phát triển vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là việc kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về giá cả. Cùng với đó, dự báo, ứng phó với những biến động bất thường về giá cả còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong việc thực thi pháp luật về giá cũng còn nhiều bất cập.

Do đó, Luật Giá (sửa đổi) lần này cần tập trung vào khía cạnh kiểm tra, giám sát, kiểm soát, quản lý giá và sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong thực thi pháp luật về giá...

Quy định chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá như Dự thảo cũng mới chỉ có 3 điều, khoản; chưa làm rõ nội dung giám sát tuân thủ việc thực thi pháp luật. Do đó, cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn vai trò của cơ quan tham gia trong kiểm tra, hậu kiểm, giám sát tuân thủ việc thực thi pháp luật cũng như xử phạt khi vi phạm các điều khoản của luật này.

Đại biểu cũng đề cập đến việc giá xăng dầu gần đây tăng cao khiến nhiều mặt hàng khác tăng theo, nhưng không có công cụ để kiểm tra. Khi giá xăng dầu giảm, các mặt hàng đó lại không hạ giá và cũng không có điều kiện để kiểm tra. Từ đó tạo ra mặt bằng giá mới. Điều này gây khó khăn cho người dân, người tiêu dùng, người có thu nhập thấp và Luật Giá (sửa đổi) cần hoàn thiện hơn nữa để giải quyết căn cơ những vấn đề này. 

Ngọc Quỳnh - Diệp Anh