|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Điều ít biết về chính khách bí ẩn nhất nước Mỹ

20:30 | 03/02/2019
Chia sẻ
Giới truyền thông đã gọi ông Robert Mueller, Công tố viên đặc biệt nhận nhiệm vụ điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, là chính trị gia bí ẩn nhất nước Mỹ vì sự kín tiếng với báo chí cũng như hiếm khi lộ diện trước công chúng dù đang nắm giữ vai trò rất quan trọng.
dieu it biet ve chinh khach bi an nhat nuoc my Các chính khách hàng đầu thế giới chúc mừng tân tổng thống Pháp Macron
dieu it biet ve chinh khach bi an nhat nuoc my

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller (Ảnh: Reuters)

Theo BBC, dù luôn giữ “hành tung” bí ẩn, hiếm khi lên tiếng trước báo chí, nhưng ông Muller vẫn là một trong những nhân vật được nhắc tới nhiều nhất tại Mỹ.

Những người chỉ trích nói rằng ông Muller đang nhen nhóm kế hoạch nhằm hạ bệ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Những người ủng hộ gọi ông là công chức luôn nỗ lực không mệt mỏi để đưa ra ánh sáng sự thật. Tuy nhiên, chính trị gia này dường như không quan tâm tới các ý kiến trái chiều về công việc của mình và vẫn đang nỗ lực trong việc điều tra và đã tìm được bằng chứng cáo buộc vi phạm một số nhân vật thân tín liên quan tới ông Trump.

Con người nguyên tắc

Năm 2003, đặc nhiệm FBI Lauren C Anderson nhận được một cuộc gọi khẩn cấp khi đang điều tra một vụ giết người ở Libreville, thủ đô của nước Gabon. Người gọi cho Anderson nói rằng ông Robert Mueller, giám đốc FBI vào thời điểm đó, muốn nói chuyện với bà.

Anderson cảm thấy vô cùng ngạc nhiên vì không hiểu điều gì đang xảy ra và ông Muller tò mò điều gì về bà.

Một vài tuần trước đó, khi đang trên 1 chiếc xe bus tại Paris, Pháp, Anderson đã hô hấp cho một người đàn ông lên cơn đau tim. Sau khi đội cứu hộ tới, Anderson đã ngồi lại và an ủi người vợ.

“Tôi nghe nói là cô đã nỗ lực để cứu mạng một người. Cảm ơn cô”, ông Muller nói ngắn gọn bên kia đầu dây.

Câu nói này đã in sâu vào ký ức của Anderson. “Ông ấy đã dành thời gian để gọi điện và nói chuyện với tôi khi thế giới bên ngoài vẫn còn nhiều nhiễu loạn. Ông ấy đặc biệt trân trọng khi người khác làm điều đúng đắn. Đó là điều ông ấy quan tâm”, Anderson nói.

Sinh ra trong một gia đình giàu có ở Manhattan, New York vào năm 1944, ông Mueller được nuôi dưỡng tại Princeton, New Jersey. Từ khi còn nhỏ, bạn bè ông đã nhận xét rằng ông Muller là một người rất tôn trọng các giá trị và chuẩn mực, cực kỳ thẳng thắn, luôn tận tâm với mọi việc cũng như ghét sự bất công.

Mặt khác, ông là một người theo quan điểm làm việc nhóm, không thích khoe khoang. Vì vậy, đôi khi sự kín tiếng có thể làm giảm sự nổi tiếng của bản thân, nhưng ông Muller vẫn luôn giữ im lặng vì ông hiểu công việc ông đang làm không chỉ có công sức của một mình ông.

Chính tính cách rõ ràng, nghiêm túc, rạch ròi giữa đúng và sai khiến ông Muller trở nên rất phù hợp với những công việc liên quan tới luật pháp.

Bước ngoặt

dieu it biet ve chinh khach bi an nhat nuoc my

Ông Mueller tuyên thệ nhậm chức giám đốc FBI năm 2001 (Ảnh: Getty)

Vào thời điểm những năm 1990, với kinh nghiệm và khả năng, ông Muller có thể vào làm một công ty luật và kiếm được số tiền lớn. Tuy nhiên, ông đã đột ngột chuyển hướng sang chính trị và gia nhập Bộ Tư pháp Mỹ. Ông trở thành một công tố viên tại hệ thống tư pháp Washington DC vì ông cảm thấy cần phải hành động để giúp cho nước Mỹ tốt đẹp hơn.

Sau gần 10 năm phấn đấu, tới tháng 8/2001, ông Muller đã được chỉ định trở thành giám đốc FBI sau khi đạt được nhiều thành tựu với công việc công tố.

Tuy nhiên, chỉ 2 tuần sau khi nhậm chức, vụ tấn công khủng bố 11/9 tồi tệ khiến 3.000 người chết, đã tác động rất mạnh tới ông Muller.

“Cơ quan FBI mà ông ấy mới tiếp quản có quá nhiều vấn đề. Nó có tới 95% là người da trắng và họ thậm chí không làm tốt nhiệm vụ cơ bản nhất, đó là hoạt động tình báo”, ông Tim Weiner, một tác giả viết sách về lịch sử FBI, cho biết.

Chính vì vậy, theo ông Weiner, trong 12 năm làm giám đốc FBI, ông Muller đã cải tổ FBI triệt để từ một lực lượng hành pháp đơn thuần trở thành một tổ chức có khả năng thực hiện các hoạt động tình báo, phù hợp hơn với những biến động về mặt an ninh của thế kỷ 21.

Vào năm 2004, khi Tổng thống Mỹ thời bấy giờ George W Bush yêu cầu cơ quan an ninh quốc gia NSA theo dõi công dân Mỹ để quản lý hoạt động khủng bố, ông Muller đã dọa từ chức. Động thái này đã khiến ông Bush cân nhắc lại về quyết định.

Ông Weiner nhận định rằng dù rất muốn kiểm soát các hoạt động liên quan tới chống khủng bố, nhưng ông Muller quan ngại rằng người dân Mỹ có thể mất đi quyền tự do dân sự. Với một người rạch ròi giữa đúng và sai như ông Muller, đó là điều khó có thể chấp nhận.

Cũng chính vì sự tuân thủ đôi khi là cứng nhắc với những giá trị mà ông tin tưởng, ông Muller hoàn toàn kiệm lời với truyền thông kể từ khi nhận nhiệm vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Ông hiếm khi đưa ra bình luận và thường xuyên im lặng trước báo giới. Ngay cả khi Tổng thống Trump chỉ trích, ông cũng không lên tiếng thanh minh hay phản bác.

Trong gần 2 năm nhận nhiệm vụ, “ngôn từ” mà ông Muller sử dụng chính là những bản cáo trạng, những lệnh bắt giữ.

“Tôi cá rằng, ông ấy sẽ không bao giờ lên tiếng trừ khi ông ấy được yêu cầu phát biểu trước Quốc hội. Ông ấy sẽ để những thành tựu đạt được tự lên tiếng”, bà Anderson nhận định.

Xem thêm

Đức Hoàng