Điều hành tiền tệ 'không bị mắng là tốt rồi'
|
Ông Nguyễn Duy Hưng, một bạn đọc từng nhiều năm công tác trong lĩnh vực ngân hàng, góp ý: “Nói là món ngon, có thể đúng với người này, nhưng có thể không đúng với thực khách khác. Nên xem Ngân hàng Nhà nước đang nấu theo một thực đơn phải đáp ứng cho những khẩu vị khác nhau, những thực khách thuộc các tôn giáo với những chuẩn mực ẩm thực khác nhau”.
“Đến nay, nấu và đáp ứng được như vậy, mà không bị các thực khách mắng là tốt rồi”, ông Hưng nói.
Lãi suất “mềm như nước”
Ngược về đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước định hướng mục tiêu giữ được ổn định lãi suất. Ổn định là mục tiêu thực sự, vì ngay trong quý 1/2016 đã có những khác biệt.
Thường thấy nhiều năm, sau mùa cao điểm thanh toán chi trả Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, dòng tiền thường chảy mạnh trở lại ngân hàng, lãi suất bình ổn hoặc giảm. Nhưng, đầu 2016 và thể hiện đến cuối quý 1, thị trường ghi nhận các đợt tăng lãi suất diễn ra khá rộng.
Ngay đầu quý 2, Chính phủ nhiệm kỳ mới xác định: giảm được lãi suất cho vay. Yêu cầu này liên tục đặt ra tại các nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ các tháng sau đó.
Ba bốn tháng sau, đã có biểu hiện sốt ruột từ giới quan sát. Tại một buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, có ý kiến cho rằng không thấy Ngân hàng Nhà nước làm gì để giảm được lãi suất. Thực ra, hàng loạt vướng mắc, trở ngại đã được xử lý mà người ngoại đạo khó nhìn thấy tận mắt.
Ngày 27/5, tân Thống đốc Lê Minh Hưng ban hành một chỉ thị khá toàn diện về định hướng điều hành chính sách tiền tệ đến cuối 2016. Cùng lúc, việc điều chỉnh một số chính sách quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn được triển khai. Điểm đến chung là mục tiêu giảm lãi suất.
Nổi bật như: chưa nâng mạnh ngay hệ số rủi ro cho vay bất động sản, mà trong cho vay, rủi ro cao lãi suất thường phải cao; giãn lộ trình nâng giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, giảm áp lực phòng thủ và cơ cấu vốn của các ngân hàng mà qua đó tác động bất lợi đến lãi suất; mở lại tín dụng ngoại tệ, một mặt tạo thêm cung vốn giá giảm, mặt khác loại vốn này có lãi vay thấp hơn nhiều để bình quân giá vốn chung cho doanh nghiệp…
Song song đó, dù không thể hiện rõ ra bên ngoài với công chúng, hoạt động tái cấp vốn qua trái phiếu đặc biệt VAMC cũng góp phần tái tạo nguồn, hỗ trợ thanh khoản và góp phần hạ nhiệt lãi suất.
Xét rộng hơn nữa, việc loại trừ được các con sóng hút vốn trên thị trường vàng, việc giữ tỷ giá ổn định trong phần lớn thời gian của năm cũng hạn chế được dòng vốn đầu cơ, găm giữ, mà qua đó tác động bất lợi đến lãi suất VND, hay vốn được lái vào ngân hàng tập trung hơn thay vì phải tăng thu hút bằng nâng lãi suất.
Dù vậy, có hai trở ngại nổi bật nhất trong năm 2016 đối với lãi suất là nợ xấu và sự chèn lấn của trái phiếu Chính phủ.
Nợ xấu, sau ba năm dồn bán cho VAMC, lượng lớn thực tế vẫn nằm đó, làm đội chi phí của các ngân hàng, khiến lãi suất càng khó giảm. Dù 2016, các ngân hàng tiếp tục tự xử lý được lượng lớn nợ xấu, nhưng đây vẫn thử thách lớn.
Trong khi đó, năm 2016, Chính phủ đặt kế hoạch huy động lượng rất lớn trái phiếu, trước áp lực cân đối ngân sách. Khoảng 280.000 tỷ đồng Chính phủ đi vay là sự chèn lấn đối với nguồn đáp ứng cho doanh nghiệp. Chèn lấn, vì nếu Chính phủ không vay nhiều, hẹp đi một đầu ra, vốn của ngân hàng sẽ dồn về phía cho vay doanh nghiệp nhiều hơn, cung nhiều hơn thì giá (lãi suất) giảm.
Nhìn lại, việc điều hành lãi suất 2016, với nhiều giải pháp trên, nói một cách hình ảnh, đã mềm như nước, luồn được qua hai trở ngại rất lớn đó mà không bị chặn lại, để hướng đến mục tiêu giảm.
Tháng 9, một loạt ngân hàng thương mại quyết định giảm lãi suất huy động VND. Một tháng sau đó, nhiều thành viên chiếm thị phần lớn lần lượt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn. Diễn biến này có độ rộng nhất định, phản ánh một phần thực tế đạt được mục tiêu giảm lãi suất.
Ở một khía cạnh khác ít được chú ý, lãi suất đã thực sự giảm rất mạnh trong năm 2016 đối với trái phiếu Chính phủ. Như ở kỳ hạn phổ biến là 5 năm, nếu năm ngoái Chính phủ liên tục phải nâng lên cỡ 6,5%/năm, thì năm nay chỉ hơn 5%/năm. Chi phí đi vay của ngân sách đã đỡ đi nhiều.
Hóa giải áp lực 245.000 tỷ
Cuối 2016, tỷ giá USD/VND biến động mạnh, dù so với cuối 2015 mức thay đổi không quá lớn. Phần lớn thời gian trong năm tỷ giá được giữ ổn định, Ngân hàng Nhà nước mua vào được khoảng 10-11 tỷ USD, dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục.
Không phải ngẫu nhiên và chỉ hoàn toàn tự thân, việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đồng loạt nâng và đánh giá tốt hơn hạng mức của nhiều ngân hàng Việt Nam trong năm 2016. Một cơ sở là, họ còn tham chiếu vào năng lực quốc gia, mà dự trữ ngoại tệ tăng mạnh là một trong những ghi nhận - giá trị quan trọng.
Nhưng, ứng với lượng ngoại tệ mua vào trên, Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra cỡ khoảng 245.000 tỷ đồng. Việc lai dắt an toàn quy mô tiền này mà không va quệt mạnh tới lạm phát, tới giá trị VND và tỷ giá là không dễ. Đến nay, cơ bản Ngân hàng Nhà nước đã lai dắt thành công.
Quy mô lượng tiền trên cũng điển hình cho áp lực điều hành chính sách tiền tệ 2016, theo thực đơn cho những thực khách có khẩu vị khác nhau như cách nói hình ảnh ở trên.
Giả dụ, một mặt thực hiện yêu cầu giảm lãi suất mà Chính phủ liên tục đề ra, Ngân hàng Nhà nước cứ “buông” lượng tiền lớn đó, cung lớn, lãi suất dễ giảm. Mặt khác, cơ quan này càng dễ ghi điểm trong hỗ trợ chính sách tài khoá, khi bung nguồn cho nhu cầu đi vay cỡ 280.000 tỷ của trái phiếu Chính phủ.
Thế nhưng, một thực khách khác trở nên khó tính là lạm phát. Vậy nên, điểm nổi bật trong 2016 là Ngân hàng Nhà nước đã phải rất nhịp nhàng điều tiết nguồn tiền. Nổi bật là kênh phát hành tín phiếu, hút bớt tiền về, nhưng vẫn phải luôn nhớm chân hỗ trợ nguồn cho hoạt động đi vay của Chính phủ.
Về cơ bản, yếu tố tiền tệ trong năm 2016 đã dung hoà được yêu cầu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Cũng lưu ý rằng, nếu quan sát câu chuyện nguyên nhân lạm phát hơn chục năm nay, 2016 rất nổi bật khi đầu mối điều hành liên quan được gắn trực tiếp Ngân hàng Nhà nước (ghi rõ trong các nghị quyết thường kỳ của Chính phủ, thay vì nhiều năm trước đây đầu mối Bộ Tài chính và cơ quan Cục Quản lý giá thường rất nổi bật).
Và có một thực khách khác cũng thể hiện sự đòi hỏi lớn trong năm 2016: quyết liệt thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Việt Nam cho đến nay vẫn dựa nhiều vào đòn bẩy tín dụng để tăng trưởng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải góp phần thoả mãn thực khách này, dù nếu quá mức sẽ ngược khẩu vị của lạm phát.
Điểm hơi hướng khác biệt trong 2016 là tăng trưởng tín dụng đã rải khá đều các tháng trong năm. Đặc biệt, những tháng cuối năm tốc độ có chậm hơn “thông lệ” thường thấy những năm trước. Một phần nguyên do, Ngân hàng Nhà nước đã rất thận trọng và chặt chẽ trong giao chỉ tiêu tăng trưởng cho mỗi nhà băng, nhằm rà phanh trước tín dụng đối với áp lực lạm phát năm sau.
Nặng việc nhà
Đến thời điểm này có thể xác định, năm 2016, việc điều hành chính sách tiền tệ đã đảm bảo các mục tiêu chính vĩ mô, cũng như các yêu cầu cơ bản.
Nếu theo Luật Ngân hàng Nhà nước, hai nhiệm vụ lớn nhất là giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, đảm bảo an toàn hệ thống cũng như an toàn thanh toán quốc gia, đến nay Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt.
Mở rộng nữa, nhà điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần kiềm chế được lạm phát, ổn định và giảm được nhất định lãi suất, giữ ổn định tương đối tỷ giá (giá trị của VND), tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, gia tăng được mạnh dự trữ ngoại hối quốc gia, hỗ trợ rõ rệt cho Chính phủ vay được lượng lớn và chi phí vay rẻ hơn…
Cơ bản, như cách nói hình ảnh trên, thực đơn cho những thực khách có khẩu vị khác nhau được đáp ứng, và đến nay “không bị mắng” qua tình huống để phát sinh những bất ổn, sai lệch các mục tiêu.
Tuy nhiên, qua năm 2016, chính sách tiền tệ, mà cụ thể là đầu mối quản lý điều hành Ngân hàng Nhà nước, vẫn còn nặng việc nhà.
Đó là nợ xấu lớn vẫn còn đó, mục tiêu tập trung xử lý lượng đang nằm tại VAMC vẫn chưa thực sự có chuyển biến. Năm 2016, điểm ghi nhận rõ nhất ở đây là Chính phủ, cũng như các ban ngành liên quan, đã đặt ra một cách cụ thể hơn yêu cầu hợp sức tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, đặt vấn đề hỗ trợ hệ thống ngân hàng xử lý nợ xấu.
Nhưng vẫn còn điểm để ngỏ. Đó là việc có sử dụng một phần ngân sách để xử lý nợ xấu hay không. Năm 2016, nghị quyết của Trung ương Đảng nêu cụ thể hướng hỗ trợ, nhưng nghị quyết của Quốc hội lại không cho phép sử dụng nguồn lực ngân sách trong 5 năm tới.
Cùng với nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng là “việc nhà” còn nặng trong năm 2016. Đến nay, những chuyển biến lớn hoặc kết quả lớn trong kế hoạch này vẫn chưa thực sự thể hiện một cách thực chất.