|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Điện thiếu, năng lượng tái tạo thừa công suất

09:19 | 06/07/2020
Chia sẻ
Ngành điện phải tính lũy tiến giá theo bậc để hạn chế người dân sử dụng điện vì nguồn cung thiếu.
Điện thiếu, năng lượng tái tạo thừa công suất - Ảnh 1.

Cấp bách giải bài toán truyền tải để phát triển điện gió, điện mặt trời. Ảnh: Chí Nhân

Thế nhưng các loại năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời dù tiềm năng rất lớn lại loay hoay chưa thể phát triển xứng tầm để giải tỏa áp lực cho ngành này.

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Công thương nghiên cứu khuyến nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam trong quá trình tham mưu, quản lý phát triển điện gió và các dạng năng lượng tái tạo khác.

"Đỉnh" thiếu điện đã tới

Trước đó, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khuyến nghị để điện gió phát triển xứng tầm, tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, rất cần thiết phải xem xét có chính sách ưu tiên dài hạn.

Đồng thời, có thêm ưu đãi để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào năng lượng tái tạo nói chung, điện gió nói riêng.

Những khuyến nghị trên của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam bắt nguồn từ thực tế tình trạng thiếu điện đang xảy ra ngày càng trầm trọng, trong khi các loại hình năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời vẫn chưa thể phát triển xứng với tiềm năng.

Theo Bộ Công thương, tình trạng thiếu điện sẽ bắt đầu xuất hiện từ 2021, kéo dài tới 2025. Một số tính toán cho thấy với kịch bản tần suất nước bình thường (50%), lượng điện thiếu vào năm 2023 khoảng 1,8 tỉ kWh.

Ở kịch bản tần suất nước 75%, do khô hạn nên sản lượng thủy điện sẽ thấp hơn khoảng 15 tỉ kWh một năm. Thế nên, đỉnh thiếu điện dự kiến sẽ rơi vào 3 năm 2021 - 2023, sản lượng điện thiếu hụt sẽ là khoảng 1,5 - 5 tỉ kWh.

Các năm còn lại sẽ thiếu 100 - 500 triệu kWh. Một chuyên gia điện lực cho biết nguồn điện dự trữ đã được đưa vào sử dụng từ năm 2019 - 2020 và sẽ tiêu thụ hết năm nay nên sang 2021 thiếu là chắc chắn xảy ra.

Đáng nói, trong khi tình trạng thiếu điện đang ngày càng trở nên cấp bách thì một lượng lớn nguồn năng lượng tái tạo lại đang bị “ém” tại các nhà máy giảm phát công suất và các dự án lớn thì trì hoãn chưa triển khai.

Muốn nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng truyền tải điện, gỡ nút thắt cho điện gió, điện mặt trời, không còn cách nào khác ngoài việc khuyến khích DN tư nhân cùng tham gia truyền tải điện. DN chỉ đầu tư đường truyền tải, sau đó giao lại cho nhà nước quản lý, thu hồi vốn theo kiểu BOT nên không lo mất an toàn, an ninh năng lượng

TS Nguyễn Duy Khiêm (Trường ĐH Quy Nhơn)

Câu chuyện với điện gió cũng diễn ra tương tự. Tính đến hết quý 1/2020, có 78 dự án điện gió đã được đưa vào quy hoạch, với tổng công suất khoảng 4.800 MW; 11 dự án đã vận hành phát điện, với tổng công suất 377 MW.

Số lượng dự án đã ký hợp đồng mua bán điện là 31 dự án với tổng công suất 1.662 MW. Còn khoảng 250 dự án với tổng công suất khoảng 45.000 MW đang đề nghị bổ sung quy hoạch nhưng hiện vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Đơn cử theo báo cáo của Sở Công thương Ninh Thuận, đến nay đã có 15 dự án điện gió và điện mặt trời được đưa vào vận hành thương mại ở tỉnh này với tổng quy mô công suất 1.063 MW.

Tuy nhiên, hiện có đến 9/15 dự án phải thực hiện giảm phát từ 30 - 60% công suất (công suất giảm phát khoảng 192,6 MW) để đảm bảo ổn định hệ thống truyền tải.

Tháo nút thắt đường truyền tải

Chuyên gia năng lượng tái tạo, TS Trần Văn Bình, thành viên Hội đồng năng lượng tái tạo thế giới, thông tin điện gió được đề cập tại Việt Nam trước điện mặt trời (ĐMT) từ gần 30 năm trước.

Năm 2012, 5 cánh quạt gió đầu tiên của dự án điện gió từ Đức đã được đưa về Việt Nam để gắn làm dự án điện gió đầu tiên ở Tuy Phong. Sau đó 15 cánh quạt nữa được lắp đặt, tổng công suất lên đến 30 MW. Việt Nam có tiềm năng rất lớn là bờ biển dài hơn 3.000 km, có vận tốc gió ở độ cao 100 m thôi đã có thể lên đến 10 m/giây.

Đây là cơ hội không phải quốc gia nào cũng có. Thế nhưng, cũng như các dự án ĐMT trước đây vướng mắc chuyện bảng giá mua mới, quá tải đường truyền điện... khiến nhà đầu tư phải chững lại thời gian dài.

“Để phát triển điện gió một cách bài bản và tạo nhiều cơ hội thu hút đầu tư, Việt Nam cần có cơ chế đột phá phát triển điện gió ngoài khơi trước, gắn với chiến lược phát triển và bảo vệ biển.

Đồng thời, bổ sung các quy định về xác định khu vực biển, cấp giấy phép sử dụng khu vực biển hiện khá phức tạp, tăng chi phí đầu tư cho các nhà đầu tư...”, vị này nhấn mạnh.

TS Nguyễn Duy Khiêm (Trường ĐH Quy Nhơn), người tham gia lắp đặt nhiều dự án ĐMT lớn, nhận định: Thách thức lớn nhất đối với việc phát triển năng lượng tái tạo hiện nay chính là hạ tầng truyền tải điện do trước đây không tính đến các loại năng lượng này.

Về lý thuyết, thiếu cái gì thì bổ sung cái đó nhưng thực tế không hề đơn giản. Đường truyền tải điện xưa nay vẫn được coi là vùng cấm, độc quyền nhà nước.

Mọi thủ tục đầu tư liên quan đều nhiêu khê, thời gian kéo dài. Ước tính, để làm thêm 1 đường dây truyền tải khoảng 20 km, EVN sẽ phải mất khoảng 5 - 6 năm nếu mọi thủ tục đều thuận lợi.

Nghị quyết 55 mới được Bộ Chính trị ban hành tuy đã nói rất rõ là bỏ độc quyền, bỏ các rào cản bất hợp lý để xã hội hóa cho tư nhân đầu tư vào truyền tải nhưng để doanh nghiệp (DN) có thể tham gia vẫn còn nhiều khó khăn.

“Muốn nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng truyền tải điện, gỡ nút thắt cho điện gió, ĐMT, không còn cách nào khác ngoài việc khuyến khích DN tư nhân cùng tham gia truyền tải điện.

DN chỉ đầu tư đường truyền tải, sau đó giao lại cho nhà nước quản lý, thu hồi vốn theo kiểu BOT nên không lo mất an toàn, an ninh năng lượng. Giống như giải bài toán hạ tầng, cấp phép cho xây dự án thì DN làm luôn đường, hoàn thiện hạ tầng, mới tránh khỏi tắc nghẽn”, vị này đề xuất.

Theo TS Nguyễn Duy Khiêm các chính sách về giá điện cũng là một phần tác nhân dẫn đến sự phát triển không đồng đều đối với năng lượng tái tạo.

Việc các nhà đầu tư ồ ạt làm dự án điện để chạy đuổi thời hạn giá ưu đãi không chỉ dẫn đến tình trạng phát triển nóng, quá tải lưới điện mà các đơn vị lắp đặt thiết bị cũng quá tải theo.

Nếu thời hạn giá điện ưu đãi kéo dài hơn thì các nhà đầu tư có thể làm từ từ, nghiên cứu cân đối làm thêm ĐMT mặt đất...

Hà Mai