Điện hạt nhân – phù hợp với xu thế phát triển của đất nước
Việc phát triển điện hạt nhân trở nên ngày càng cần thiết trong bối cảnh năng lượng toàn cầu đang phải đối mặt với các thách thức lớn như tình trạng thiếu hụt nguồn năng lượng sạch, biến đổi khí hậu và sự gia tăng nhu cầu năng lượng.
Chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân trong thời gian tới được các chuyên gia đánh giá phù hợp với xu hướng phát triển khi công nghệ sản xuất điện hạt nhân ngày càng an toàn và không phát thải. Đây cũng là nguồn điện rẻ, ổn định, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn, đáp ứng lộ trình thực hiện Net Zero đến năm 2050 của Việt Nam.
Quả thực, chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị Trung ương diễn ra sáng 25/11.
Theo thông cáo của Văn phòng Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cơ bản thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam nhằm đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ và phát triển bền vững đất nước.
Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới. Trước mắt, Trung ương cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương, Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đây là công việc quan trọng để phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Công việc này cần được thực hiện khẩn trương, đáp ứng yêu cầu cao nhất về đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường.
Thực tế hiện nay nhu cầu điện tăng bình quân khoảng 10 %/năm và dự báo nhu cầu này tiếp tục tăng cao giai đoạn tới. Tại một báo cáo hồi tháng 9, Bộ Công Thương đã đề cập đến nguy cơ thiếu hụt công suất giai đoạn 2026 - 2030, tiềm ẩn rủi ro mất an ninh cung ứng điện, đặc biệt là miền Bắc.
Theo Bộ này, nhiều nguồn điện lớn như thủy điện, than hay khí tại quy hoạch điện khó đáp ứng tiến độ vận hành đến năm 2030. Trong bối cảnh đó, điện hạt nhân là một phương án khả thi giúp Việt Nam có thể độc lập về năng lượng.
Trước đó, trong kết luận của Thường trực Chính phủ hồi tháng 9, Chính phủ cho biết, Việt Nam định hướng chuyển nguồn năng lượng nền từ điện than sang khí, ưu tiên sản xuất trong nước để tăng trưởng đạt 12 đến 15% mỗi năm.
Vì thế, ngoài các nguồn năng lượng hiện nay, việc nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân là cần thiết, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Phát triển điện hạt nhân có thể giúp bổ sung nguồn điện nền giảm thiểu rủi ro về môi trường.
Để đủ năng lượng, Chính phủ đề xuất sửa Luật Điện lực, trong đó Nhà nước độc quyền và Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Dự kiến trong phiên họp chiều 27/11 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng trình bày Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Có thể thấy so với các nguồn năng lượng truyền thống như than đá và dầu mỏ, điện hạt nhân phát thải CO2 rất ít trong quá trình sản xuất điện, giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và góp phần vào các cam kết về cắt giảm khí thải toàn cầu.
Cùng với đó, năng lượng hạt nhân có thể cung cấp điện ổn định, liên tục và không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết như năng lượng mặt trời hay gió. Điều này giúp duy trì sự ổn định trong lưới điện, đặc biệt khi nhu cầu năng lượng tăng cao.
Mặt khác, một lò phản ứng hạt nhân có thể tạo ra một lượng điện năng lớn từ một lượng nhỏ nguyên liệu, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên như than, dầu hay khí đốt, vốn đang dần cạn kiệt. Với việc sử dụng các loại nhiên liệu hạt nhân có thể tái chế và tái sử dụng, điện hạt nhân giúp giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu, đồng thời đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng cho mỗi quốc gia.
Một yếu tố quan trọng nữa của việc phát triển điện hạt nhân là giúp thúc đẩy đổi mới công nghệ. Sự phát triển của công nghệ hạt nhân, bao gồm các lò phản ứng thế hệ mới, sẽ giúp nâng cao hiệu quả, độ an toàn và giảm thiểu các rủi ro trong quá trình sản xuất điện.
Mặc dù vậy, điện hạt nhân là lĩnh vực khó và đa ngành, đòi hỏi trình độ khoa học kỹ thuật cao, từ khâu thiết kế đến kỹ thuật, công nghệ hay xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa công trình và kết nối vận hành và cả nhiệm vụ xây dựng hạ tầng pháp quy hạt nhân đều cần những chuyên gia xuất sắc.
Trên cơ sở đó, với sự ủng hộ và đồng hành của cả hệ thống chính trị, để triển khai một cách hiệu quả Chương trình điện hạt nhân thì chúng ta cần phải có sự chuẩn bị chu đáo cả về cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính và con người để có thể đáp ứng được yêu cầu trong quá trình xây dựng, vận hành và duy trì an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.
Việc phát triển thành công điện hạt nhân không những giải quyết bài toán đáp ứng nhu cầu điện năng tăng nhanh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn góp phần đưa khoa học công nghệ, công nghiệp của đất nước phát triển lên một tầm cao mới khi chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.