Diễn biến tỷ giá USD trong tháng 11 và những tín hiệu tháng 12
Tỷ giá USD hôm nay (5/12): Nới dài đà giảm, tỷ giá trung tâm liên tiếp lập đỉnh mới | |
US Dollar Index lùi về vùng 96,5 điểm, USD chợ đen giảm mạnh trên cả hai chiều |
Kết thúc tháng 11, chỉ số US Dollar Index, đo lường sức mạnh của đồng USD so với rổ sáu loại tiền tệ chính ghi nhận một trong những tháng tăng mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay với mức tăng hơn 1% lên 97,27 điểm.
Đáng chú ý, trong ngày 12/11, chỉ số này đạt 97,54 điểm, mức cao nhất trong vòng 17 tháng.
Sức mạnh của đồng bạc xanh tiếp tục được củng cố mạnh mẽ trong tháng qua trước bối cảnh bất ổn xung quanh Brexit và mâu thuẫn về tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Italy trong năm 2019, đã làm suy yếu hai đối thủ chính của đồng USD là Euro và Bảng Anh.
Theo đó, trong tháng 11, giá trị đồng Euro và Bảng Anh đã giảm lần lượt 0,8% và 2% so với đồng USD.
Cùng với đó, lộ trình tăng lãi suất của Fed và diễn biến khó lường trong cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc tiếp tục khiến các nhà đầu tư tìm đến đồng bạc xanh như một “vịnh tránh bão”.
Diễn biến chỉ số US Dollar Index kể từ đầu năm tới nay (Nguồn: Marketwatch) |
Tại thị trường trong nước, kết thúc tháng, tỷ giá USD trung tâm đạt 22.750 VND/USD, mức cao nhất kể từ khi cơ chế tỷ giá này được áp dụng vào năm 2015. Tính tổng trong tháng 11, tỷ giá trung tâm đã tăng 24 đồng, tương ứng với tăng 0,11%, tương đương mức tăng của tháng 10.
Trong khi đó, trên thị trường ngân hàng, tỷ giá USD lại có xu hướng giảm. Theo thống kê của người viết, tỷ giá bán của Vietcombank tại ngày 30/11 thấp hơn 15 đồng so với ngày 1/11.
Cùng với đó, tình trạng giá bán của các ngân hàng kịch trần cũng không còn xuất hiện trong tháng qua. Và thực tế tại ngày cuối cùng của tháng 11, giá bán USD của Vietcombank thấp hơn 68 đồng so với mức trần qui định của NHNN.
Cùng chung xu hướng của thị trường ngân hàng, giá USD chợ đen giảm khá sâu trong tháng 11. Đóng cửa ngày 30/11, tỷ giá USD thị trường phi chính thức được mua - bán lần lượt ở 23.400 – 23.420 VND/USD, giá mua và giá bán cùng giảm 60 đồng so với cùng kì tháng trước.
Diễn biến tỷ giá bán USD tại Vietcombank trong tháng 11 (Nguồn: QT tổng hợp) |
NHNN chủ động “kìm cương” tỷ giá qua chênh lệch lãi suất và bán kì hạn ngoại tệ
Sự hạ nhiệt của tỷ giá USD trong nước bất chấp xu hướng tăng của đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế có sự đóng góp không nhỏ của yếu tố lãi suất.
Theo số liệu của NHNN trong tuần 26 - 30/11, lãi suất bình quân liên ngân hàng các kỳ hạn 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng đều tăng lên so với đầu tháng với mức tăng từ 0,11 – 0,53 điểm phần trăm, tùy theo từng kì hạn.
Diễn biến lãi suất liên ngân hàng từ 29/10 - 30/11 ( Nguồn: NHNN, QT tổng hợp) |
Xu hướng tăng của lãi suất liên ngân hàng đối với tiền đồng tiếp tục củng cố chênh lệch lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn giữa VND và USD ở mức 2,4%.
Qua đó, duy trì sự hấp dẫn của VND so với các ngoại tệ khác (mà đối tượng hướng tới chính là USD) từ đó kìm hãm đà mất giá của đồng nội tệ.
Chênh lệch lãi suất VND - USD trong tuần 26/11 - 30/11 (Nguồn: NHNN) |
Nguồn: SSI |
Ngoài duy trì độ chênh về lãi suất giữa VND và USD, trong tháng qua, NHNN cũng đã thông báo tới các tổ chức tín dụng về việc tổ chức bán ngoại tệ kì hạn trong hai phiên ngày 23/11 và 26/11. Đây là lần đầu tiên trong năm nay NHNN thực hiện nghiệp vụ bán kỳ hạn ngoại tệ.
Theo số liệu thống kê của Thời báo kinh tế Sài Gòn, các ngân hàng đã mua tổng cộng khoảng hơn 1 tỉ USD kì hạn (forward) từ NHNN với giá 23.462 VND/USD, cao hơn 83 VND/USD, tương đương 0,37% so với giá niêm yết bán giao ngay của Sở Giao dịch NHNN ngày 27/11 là 23.379 VND/USD.
Đặc biệt, ngày đến hạn (ngày các nhà băng nhận về USD) của đợt mua này là ngày 31/1/2019, tức trước Tết Nguyên đán hai tuần, thời điểm được cho là có thể căng thẳng về nhu cầu tiền đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc bán kì hạn ngoại tệ như một cam kết "bảo hiểm" nguồn cung cho thị trường khi có biểu hiện căng thẳng. Thông thường nhu cầu ngoại tệ để trả nợ, thanh toán nhập khẩu cuối năm là khá cao.
Do đó, việc bán forward là đảm bảo cho các nhà nhập khẩu có nguồn ngoại tệ để cân đối nhu cầu và thời điểm sử dụng ngoại tệ. Qua đó, góp phần giãn cầu ngoại tệ ở thời điểm hiện tại.
Và thực tế, kể từ ngày 26/11, tỷ giá USD tại các ngân hàng đã nhanh chóng hạ nhiệt và điều chỉnh giảm xuống dưới mức trần quy định tới 68 đồng trên mỗi USD.
Những nhân tố chi phối biến động tỷ giá từ nay đến cuối năm
Sức mạnh của đồng bạc xanh đã có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn cầu vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 trong sau khi sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, trong một bài phát biểu cho biết lãi suất hiện tại chỉ ngay dưới mức trung lập, qua đó làm dấy lên kỳ vọng cho rằng Fed đã gần kết thúc chu kỳ nâng lãi suất.
Ông Powell cho rằng, lãi suất chính sách (từ 2 - 2,25%) hiện chỉ ngay dưới mức trung lập ước tính. Hồi tháng 9/2018, họ ước tính mức trung lập là 2,5 - 3,5%.
Mặt khác, Fed đã không nâng lãi suất về ngưỡng trung lập từ ngày 3/10 cho tới nay. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư cho rằng cách nhìn của Fed về nền kinh tế Mỹ đã khác đi và lộ trình tăng lãi suất của ngân hàng trung ương này có thể sẽ chậm lại trong năm 2019.
Vì vậy, sức ép từ Fed lên tỷ giá USD trong nước có khả năng sẽ được giảm bớt trong tháng cuối cùng của năm 2018.
Ngoài ra, một nhân tố khác giúp hạ nhiệt sức nóng của đồng bạc xanh trong thời gian tới chính là tuyên bố “đình chiến” thương mại trong 90 ngày của Mỹ và Trung Quốc.
Theo đó, phía Mỹ đồng sẽ giữ mức thuế của hàng rào thuế quan 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc ở mức 10% và không nâng lên 25% như dự kiến từ ngày 1/1/2019.
Đổi lại, Mỹ muốn lập tức bắt đầu trao đổi về các lời phàn nàn lớn nhất của ông Trump về hành vi thương mại như đánh cắp sở hữu trí tuệ, các rào cản phi thuế quan và đánh cắp qua mạng của Trung Quốc.
Sự hạ nhiệt trong căng thẳng thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến giá trị đồng bạc xanh sụt giảm trên diện rộng, trong khi các đồng tiền vốn bị tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bật tăng trở lại.