|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Diễn biến mới về xuất đầu tư cao tốc Nha Trang - Đà Lạt của Tập đoàn Sơn Hải

20:46 | 27/05/2024
Chia sẻ
Tập đoàn Sơn Hải đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai dự án trước năm 2030 và trình Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù với tỷ lệ vốn của Nhà nước tham gia vào dự án là 70% so với tỷ lệ tối đa 50% theo quy định hiện hành.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý đề xuất của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Tập đoàn Sơn Hải) về việc đầu tư, xây dựng đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt, theo Báo Khánh Hòa.

Tập đoàn Sơn Hải cho biết hiện nay Quốc lộ 27C là đường độc đạo nối TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng,có khả năng thông hành tối đa 4.200 xe loại 5 chỗ/ngày đêm. Tuyến đường này có đèo Khánh Lê dài khoảng 30 km với địa hình quanh co hiểm trở, không thuận tiện cho các phương tiện vận chuyển trọng tải lớn.

Trong khi đó, quốc lộ 27C thường xuyên xảy ra sạt lở vào mùa mưa bão và các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và có khả năng mãn tải trước năm 2030 khi nhu cầu vận tải ngày càng cao.

Do vậy,việc đầu tư đường bộ cao tốc nối từ Nha Trang đến Đà Lạt là cần thiết và cấp bách với kỳ vọng khi dự án hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển giữa hai thành phố còn khoảng 1 giờ 30 phút đến 2 giờ (so với hiện tại khoảng 3 giờ 30 phút đến 4 giờ).

Đồng thời, cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sẽ hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ,kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, tạo nên vòng cung kết nối với cao tốc Dầu Giây - Liên Khương...

Hiện Tập đoàn Sơn Hải đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT. Cao tốc Nha Trang - Đà Lạt dự kiến có chiều dài 80,8km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 - 100km/giờ. Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2028. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 25.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Sơn Hải đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai dự án trước năm 2030 và trình Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù với tỷ lệ vốn của Nhà nước tham gia vào dự án là 70% so với tỷ lệ tối đa 50% theo quy định hiện hành.

Phía doanh nghiệp cho rằng dự báo lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trong giai đoạn đầu chưa cao nên phương án tài chính của dự án khi áp dụng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư không khả thi, kéo dài thời gian hoàn vốn (khoảng 48,3 năm), khó khăn trong việc huy động vốn của nhà đầu tư và tổ chức tín dụng. 

 (Ảnh minh họa: tuyengiaokhanhhoa.vn).

Trước đó vào đầu năm 2023, Tập đoàn Sơn Hải đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh Khánh Hòa xin chủ trương nghiên cứu, khảo sát để lập hồ sơ đề xuất dự án đường bộ cao tốc Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đến Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Tập đoàn giới thiệu trong những năm qua đã có nhiều kinh nghiệm đầu tư và xây lắp các dự án cao tốc trọng điểm của ngành giao thông như Cao tốc đoạn La Sơn - Túy Loan theo hình thức BT với tổng mức đầu tư 11.485 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Sơn Hải vừa là nhà đầu tư vừa là nhà thầu xây lắp với giá trị đảm nhận hơn 2.100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Sơn Hải đang là nhà đầu tư, nhà thầu thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Nha Trang – Cam Lâm với tổng mức đầu tư 7.600 tỷ đồng; nhà thầu thực hiện các dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn QL45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn; cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn với giá trị đảm nhận 3.000 tỷ đồng, đoạn Vân Phong - Nha Trang với giá trị đảm nhận 2.280 tỷ đồng, đoạn Vũng Áng - Bùng với giá trị đảm nhận 1.700 tỷ đồng.

Tuyến cao tốc từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Liên Khương (Lâm Đồng) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh mục các tuyến đường bộ cao tốc khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tỉnh đang có chủ trương kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Phía tập đoàn đề xuất được nghiên cứu, khảo sát để lập hồ sơ đề xuất dự án tuyến cao tốc từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Liên Khương (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư (PPP) và sẽ tự bỏ kinh phí để thực hiện giai đoạn này. 

Hồng Vịnh