Diễn biến gay cấn như phim trong cuộc chiến pháp lí trường kì của 'thái tử Samsung'
Ngày 9/6, ông Lee Jae-yong, người mang biệt danh "thái tử Samsung", lại tiếp tục là người tự do sau khi thẩm phán của một tòa án ở Seoul từ chối ra lệnh bắt ông theo yêu cầu của các công tố viên, Yonhap đưa tin.
Cơ quan công tố muốn bắt Phó Chủ tịch Samsung vì cho rằng ông đã phạm luật trong vụ sáp nhập Cheil Industries và C&T - hai công ty chủ chốt thuộc tập đoàn vào năm 2015. Vụ sáp nhập là một khâu quan trọng để ông có thể nắm quyền điều hành Samsung. Họ nghi rằng, trong quá trình sáp nhập, Lee đã thao túng giá cổ phiếu của hai công ty và giao dịch cổ phiếu bất hợp pháp.
Lee là cổ đông lớn nhất của Cheil Industries, và các công tố viên cáo buộc Samsung tìm cách hạ giá của C&T để ông có cổ phần lớn hơn trong công ty mới (sau khi hai công ty sáp nhập). Với mức cổ phần lớn hơn trong công ty mới, Lee có thể củng cố quyền lực của ông đối với tập đoàn.
Diễn biến mới nhất trong vở kịch pháp lí dài kì đối với Lee Jae-yong là tin vui đối với Samsung. Ông đã phải tham dự buổi làm việc của tòa án với cơ quan công tố trong khoảng 9 tiếng vào ngày 9/6, rồi tới một trại tạm giam để chờ quyết định của thẩm phán trong vài giờ.
Tuần trước, tập đoàn Samsung bác bỏ cáo buộc của giới truyền thông về nghi án thao túng giá cổ phiếu, cho rằng đó là luận điệu vô căn cứ, đồng thời khẳng định Lee không tham gia bất kì hành vi phi pháp nào.
"Lời giải thích của cơ quan công tố về sự cần thiết của việc bắt các bị can là không thỏa đáng, trái với nguyên tắc xét xử không giam giữ. Các công tố viên đã thu thập nhiều bằng chứng trong quá trình điều tra của họ", Yonhap dẫn lời thẩm phán Won Jung-sook, người thụ lí yêu cầu của cơ quan công tố.
Quyết định không giam "thái tử Samsung" là một mốc quan trọng đối với nỗ lực chứng minh ông vô tội trong quá trình sáp nhập hai công ty con thuộc tập đoàn. Cảnh sát từng giam ông 1 năm nhưng tòa án cho ông tại ngoại vào tháng 2/2018.
Phó Chủ tịch 51 tuổi của Samsung là người thừa kế của tập đoàn quyền lực nhất Hàn Quốc. Ông nội Lee sáng lập Samsung và cha ông, Lee Kun-hee, điều hành tập đoàn tới năm 2014 trước khi hôn mê. Lee Jae-yong trở thành người thừa kế tập đoàn vì là con trai duy nhất của Kun-hee.
Quá trình kế vị vô cùng phức tạp bởi Lee không thể đơn giản tiếp quản mọi tài sản của cha. Hàn Quốc là một trong những quốc gia đánh thuế thừa kế cao nhất thế giới, tới 50% giá trị tài sản trên 2,5 tỉ USD. Theo Bloomberg, khối tài sản của ông Lee Kun Hee hiện trị giá 18 tỉ USD.
Các công tố viên đặc biệt của Hàn Quốc lần đầu truy tố Lee vào đầu năm 2017 với cáo buộc hối lộ và tham nhũng. Họ cho rằng Samsung cung cấp ngựa cùng các khoản thanh toán khác cho một người thân cận của cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhằm giành sự ủng hộ cho công cuộc kế vị tập đoàn.
Vụ việc làm bùng lên làn sóng dữ dội trong dư luận Hàn Quốc đối với các tập đoàn quyền lực, còn gọi là chaebol, và cũng là nguyên nhân khiến Quốc hội phế truất bà Park Geun-hye.
Ban đầu, Lee bị buộc tội và tuyên án 5 năm tù, nhưng sau đó được hoãn thi hành án vào năm 2018 và tòa án cho phép ông tại ngoại. Tuy nhiên, vụ án chưa kết thúc. Tháng 8/2019, Tòa án Tối cao Hàn Quốc bác bỏ phán quyết hoãn thi hành án đối với Lee của tòa án cấp dưới và yêu cầu tái thẩm toàn bộ vụ án.
Các cuộc điều trần đã hoãn lại khi một thẩm phán đối mặt cáo buộc thiên vị và xét xử theo hướng có lợi cho Lee. Hiện tại, Tòa án Tối cao phải quyết định sẽ giữ lại thẩm phán trên hay thay thế người khác. Việc này đồng nghĩa rằng vụ án có thể kéo dài sang năm sau.
Trong suốt quá trình xét xử vụ án kéo dài nhiều năm qua, Samsung vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh như bình thường và các nhà đầu tư của Samsung dường như không mấy lo ngại về vấn đề này.
Năm 2019, giá cổ phiếu của Samsung Electronics tăng mạnh và tiếp tục đi lên trong những tháng đầu năm 2020 trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bất chấp những vụ điều tra nhắm vào hàng trăm lãnh đạo của tập đoàn.
Việc Lee có khả năng bị bắt giữ gây quan ngại lớn hơn đối với Samsung bởi ông vắng mặt sẽ gây khó khăn cho quá trình đưa ra các quyết định lớn của tập đoàn, như thâu tóm, sáp nhập hay đầu tư.
Hiện tại, Samsung đang đấu tranh không chỉ vì các cáo buộc đối với Lee mà còn vì hình ảnh của tập đoàn. Cáo buộc cho rằng tập đoàn này đã tặng quà để có được sự ủng hộ của chính phủ và giúp người thừa kế giàu có bậc nhất Hàn Quốc dễ dàng tiếp quản công ty của cha đã làm bùng nổ làn sóng chỉ trích trong dư luận đối với các tập đoàn lớn và làm khuynh đảo chính trường nước này. Samsung và Lee đang quyết tâm lấy lại hình ảnh của ông sau loạt bê bối.