Điểm sáng trong bức tranh ngân hàng mở tại Việt Nam
Nếu như với nhiều tổ chức, ngay cả các ngân hàng có quy mô lớn, tới nay, Open Banking mới đang ở giai đoạn sơ khai thì ở TPBank, thị trường và khách hàng đã chứng kiến chặng đường 7 năm là đơn vị tiên phong bước những bước đi đầu tiên góp phần đưa Open Banking trở thành xu thế không thể đảo ngược, tạo đà tiến tới thành công.
Xu thế mở tất yếu và không thể đảo ngược
Open Banking là hình thức giao dịch mà ngân hàng và các tổ chức tài chính mở giao diện lập trình ứng dụng (API), cho phép các đối tác truy cập và kết nối với các ứng dụng của ngân hàng để phát triển các dịch vụ mới, cung cấp thêm tiện ích cho khách hàng, cùng các tùy chọn minh bạch hơn về tài chính dựa theo thoả thuận của chính người dùng với ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ đó.
Trước đây, tài khoản ngân hàng thường chỉ được khách hàng dùng gần như một “chiếc ví” để chuyển/nhận tiền, gửi tiết kiệm hay nạp/rút tiền khi cần. Open Banking đi vào đời sống đã thực sự mở ra một kỷ nguyên mới về thanh toán, quản lý dòng tiền giúp ngân hàng - đối tác - người dùng kết nối với nhau ở nhiều điểm chạm hơn, mở rộng phạm vi giao dịch, trải nghiệm tiện lợi hơn.
Nhờ những kết nối Open API, mọi thanh toán trong đời sống ở mọi nhu cầu ăn, ở, đi lại, mua sắm, du lịch,… trở nên đơn giản, thuận tiện hơn. Bạn có thể thao tác nạp tiền các loại phí đường bộ thành công ngay trên App TPBank chỉ trong vòng 1 phút hay mua sắm đồ gia dụng ngay trên ứng dụng ngân hàng.
Hay với một sàn thương mại điện tử X, cần thực hiện hàng chục nghìn, thậm chí cao điểm lên đến hàng trăm nghìn lệnh chuyển tiền mỗi ngày, để vận hành thủ công cần tới rất nhiều nhân sự với cường độ xử lý liên tục. Nhưng sự có mặt của Open API đã hóa giải những khó khăn này, những giao dịch được thực hiện tự động hóa 100% với thời gian xử lý nhanh chóng và không cần đến lực lượng nhân sự cồng kềnh, đồng thời còn phòng tránh được sai sót hay rủi ro về nhân sự.
Open Banking đang thực sự chứng minh được đây là xu thế tất yếu không thể đảo ngược khi đồng thời mang lại lợi ích ngoài sức tưởng tượng với cả ngân hàng - doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.
Định nghĩa một ngân hàng mở thực thụ
Ngay từ khi xu hướng mở Open - API còn khá mới mẻ trên thế giới và cả Việt Nam, chính TPBank chứ không phải những cái tên lớn trên thị trường, đã đi trước một bước để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống ngân hàng dựa trên nền tảng mở và sẵn sàng kết nối với các đối tác.
Open Banking với TPBank là câu chuyện “đúng lúc đúng người” cũng chính là bước đi tạo nên thành công của TPBank, tính từ thời điểm API đầu tiên đi vào phục vụ năm 2019 cho đến nay, đã có tới hàng trăm đối tác được kết nối với gần 2.000 đầu dịch vụ thanh toán qua Open API, TPBank dẫn đầu thị trường về số lượng kết nối và khả năng phục vụ. Giao dịch qua API của TPBank tính tới quý I/2024 so với thời điểm từ 2022 tăng trên 300%.
Khác với những mô hình mở mà ngân hàng kết hợp với sức mạnh từ đối tác công nghệ, TPBank tiên phong xây dựng, hiện thực hóa và thuyết phục đối tác bằng nội lực công nghệ mang dấu ấn của riêng mình. Các API được TPBank dùng để kết nối các hệ thống nội bộ được lập trình theo hướng rất “mở” để sẵn sàng cho các đối tác kết nối và đưa dịch vụ của họ lên App TPBank hay đưa dịch vụ của TPBank lên App của đối tác 1 cách rất đơn giản.
Nhờ đó, chỉ trong 3 năm TPBank đã trở thành một Super App tương tự như Wechat/Alipay, đồng thời biến mình thành các mini app trên nền tảng của đối tác giúp khách hàng tiếp cận được các dịch vụ ngay khi phát sinh nhu cầu mà không cần phải chuyển đổi nền tảng hoặc tới các địa điểm giao dịch ngân hàng như: Mở tài khoản nhờ eKYC trên các Ví, mở thẻ Tín dụng nhận ngay, …
Đi sớm và đi nhanh với “ngân hàng mở” không chỉ giúp TPBank sớm mở rộng kết nối với các đơn vị ở nhiều lĩnh vực như: tập đoàn đa ngành, chứng khoán, bảo hiểm, chuỗi bán lẻ, bệnh viện, trường học, vận tải, thương mại điện tử, ví điện tử, trung gian thanh toán... mà còn giúp ngân hàng sớm chuẩn hóa sản phẩm và quy trình giúp thời gian kết nối nhanh chóng hơn.
Đơn cử như một ban quản lý chung cư muốn mở cổng thanh toán phí dịch vụ hàng tháng cho cư dân trên app ngân hàng, trong khi các ngân hàng mới bắt đầu triển khai mất từ 1 – 2 tháng thì với TPBank thời gian này chỉ là 1 – 2 tuần để có thể vận hành thanh toán cho tất cả cư dân.
Một điểm cộng khi thanh thanh toán với TPBank nữa đó là ban quản lý có thể thống kê chi tiết các khoản thu để cư dân dễ dàng theo dõi và so sánh với các tháng trước đó. Cư dân cũng có thể đặt lịch thanh toán tự động chỉ với vài thao tác đơn giản ngay trên App TPBank, không lo tới hạn mà quên thanh toán phí dịch vụ, thông tin thanh toán được cập nhật chi tiết so với những ứng dụng ngân hàng khác.
Bức tranh số cho tương lai về Tài chính mở, Dữ liệu mở
Viễn cảnh về việc phổ biến các dịch vụ dùng Open API, Open Banking trên phạm vi toàn cầu sẽ đến trong vài năm tới và rất có thể, những tổ chức tiên phong nắm bắt công nghệ Ngân hàng Mở và Tài chính Mở, sẽ là những tổ chức có lợi thế nhất trong cuộc đua giành vị trí dẫn đầu.
Ngân hàng Mở đã chứng tỏ lợi ích kinh doanh: chi phí thấp hơn, hiệu quả cao hơn, nâng cao nhận biết của khách hàng, giữ chân khách hàng tốt hơn và cơ hội từ thị trường mới. Với TPBank, ngân hàng đặt mục tiêu cán mốc 10 triệu khách hàng trên kênh số và số lượng giao dịch thanh toán/billing qua các nền tảng Open API sẽ đạt 2 tỷ giao dịch trong năm 2024, đưa Open API đi sâu hơn nữa vào đời sống, góp phần mạnh mẽ vào phát triển kinh tế số.
Ngân hàng mở được phát triển nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, do vậy, các dịch vụ không nên chỉ dừng lại ở các dịch vụ thanh toán hay tín dụng mà cần mở rộng ra cho các dịch vụ thế chấp, đầu tư, lương hưu và bảo hiểm…
Ngoài khả năng chuyển tiền nhanh chóng giữa các tài khoản ngân hàng, khách hàng còn có thể quản lý toàn bộ bức tranh tài chính của mình trên một ứng dụng duy nhất. Từ đó các ứng dụng sẽ giúp khách hàng có thể tiết kiệm tối đa bằng các dịch vụ chuyển đổi và gia hạn tự động phù hợp theo nhu cầu, đồng thời đưa ra các tư vấn tài chính/nợ nhanh hơn, rẻ hơn và phù hợp hơn. Vì vậy, ngoài Ngân hàng Mở, chúng ta cần bắt đầu nghĩ về Tài chính Mở – và cuối cùng là Dữ liệu Mở, chẳng hạn như kết hợp dịch vụ hóa đơn điện tử và đo lường thông minh.
Điều này cho thấy rằng các cơ quan quản lý nhà nước đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của Tài chính Mở hay Ngân hàng Mở. Các cơ quan quản lý cần đưa ra những chính sách kịp thời để đảm bảo rằng các doanh nghiệp, tổ chức không bỏ lỡ những cơ hội mà Tài chính Mở mang lại hay bị tụt hậu so với các nước trên thế giới trong lĩnh vực Tài chính.