|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Điểm nghẽn của phát triển điện mặt trời áp mái

09:25 | 04/03/2019
Chia sẻ
Tổng Giám đốc EVN cho hay sau 2 năm triển khai mô hình điện mặt trời lắp mái hộ gia đình mới có 1.800 hộ dân tham gia với công suất lắp đặt 30 MW. Công suất như vậy là rất khiêm tốn so với tiềm năng.

Công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái vẫn chưa tương xứng với tiềm năng

Chia sẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam”, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân cho biết với tiềm năng điện mặt trời rất lớn, EVN nhận thấy có thể áp dụng điện mặt trời áp mái vì có nhiều lợi ích thiết thực.

Điện mặt trời áp mái có thể nối lưới trực tiếp vào lưới điện hạ thế và trung thế, không gây quá tải. Đối với các hộ dân, khi lắp đặt điện mặt trời áp mái có thể làm cho nhiệt độ trong nhà mát hơn, tiết kiệm chi phí, có thể bán lại điện cho EVN…

Hơn thế, ông Nhân cho rằng trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm 2020 khi cả nước không có nguồn khai thác mới, việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời trong đó có điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành điện.

Bộ Công Thương cho biết tính đến cuối năm 2018, EVN đã lắp đặt 54 công trình với tổng công suất 3,2 MWp.

Đối với khách hàng là công sở, doanh nghiệp, hộ gia đình…, Tổng Công ty Điện lực và Công ty điện lực đã ký kết thực hiện đấu nối, lắp đặt công tơ hai chiều, xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện năng giao nhận với 1.800 khách hàng đăng ký bán điện mặt trời áp mái với tổng công suất 30,12 MWp, sản lượng điện năng phát lên lưới lũy kế là 3,97 triệu kWh.

Theo TGĐ Tập đoàn điện lực Việt Nam, con số 1.800 hộ tham gia lắp đặt điện mặt trời với khoảng 30 MW, quá nhỏ so với tiềm năng.

Nguyên nhân được chỉ ra là vướng mắc quy định thanh toán của khách hàng bán trên lưới điện, thuế, khả năng tài chính ban đầu của hộ gia đình...


con nhieu du dia phat trien dien mat troi ap mai
Còn nhiều dư địa phát triển điện mặt trời áp mái? Ảnh minh họa

Thu hút đầu tư năng lượng tái tạo, giảm áp lực nguy cơ thiếu điện

Ông Nhân cho hay Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện, nhất là giai đoạn từ 2021-2025 và sau đó. Dự báo đến năm 2023, hệ thống sẽ thiếu hụt khoảng 12 tỷ kWh, chiếm 5% so với nhu cầu của cả nước.

"Chính vì vậy, EVN mong muốn có sự tham gia của doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển các dự án nguồn điện, trong đó có các dạng năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia", ông Nhân phát biểu.

Tại Hội thảo công nghệ Năng lượng sạch, bà Phạm Hương Giang, Phó trưởng phòng Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết hiện nay Chính phủ đưa ra nhiều chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Theo đó, thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0% trong 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, thuế ưu đãi 10% đến hết năm thứ 15.

Miễn thuế nhập khẩu thiết bị, giảm thuế môi trường, sử dụng đất, mặt nước. Ngoài ra, EVN có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ dự án năng lượng tái tạo....

Trên thực tế, sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, hai năm qua có 365 dự án điện mặt trời tập trung với công suất 29.000 MW được đăng ký đầu tư, trong đó 141 dự án được bổ sung vào quy hoạch. 95 dự án với công suất đặt 6.100 MWp đã được EVN ký hợp đồng mua bán điện.


Tổng Giám đốc EVN chia sẻ về thực tế nhà đầu tư đang đi quá nhiều vào các khu vực có cường độ bức xạ lớn. Chỉ tính riêng các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng đã có 75 dự án và dự kiến là sẽ tiếp tục tăng nhanh nên lưới điện truyền tải không thể truyền tải được hết lên hệ thống.

EVN dự kiến chỉ 50% công suất này được đưa lên lưới vì để đầu tư lưới truyền tải cần từ 3 - 5 năm, trong khi để làm điện mặt trời thì mất khoảng 1 năm.

Vấn đề này cũng được Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhắc đến trong Hội thảo công nghệ Năng lượng sạch.

"Khả năng giải tỏa công suất của các dự án điện tái táo hạn chế, khả năng khai thác chỉ tập trung tại một số địa điểm, ảnh hưởng đến tính ổn định vận hành hệ thống điện, làm tăng chi phí của hệ thống kéo theo làm tăng giá điện với người tiêu dùng cuối cùng", Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng thông tin thêm đến cuối 2018, tổng công suất thuỷ điện đạt 22.000 MW. Dự kiến, công suất nhà máy điện mặt trời, gió vào cuối 2019 tương ứng đạt 1.000 MW điện mặt trời, 1.500 MW điện gió. Mức dự kiến từ thực tế này vượt mục tiêu đặt ra được Thủ tướng đưa ra cuối năm 2016 và dự kiến 2020 sẽ đạt 800 MW điện gió và 850 MW điện mặt trời.

Xem thêm

Đức Quỳnh