|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dịch vụ tài chính online có thể trở thành cái bẫy với những người nghèo?

10:08 | 04/02/2020
Chia sẻ
Các dịch vụ tài chính online hiện nay như cung cấp khoản vay, chuyển tiền miễn phí ... có thể trở thành cái bẫy cho người nghèo nếu như không được quản lí chặt chẽ, theo Economist.

Nguy cơ lộ thông tin từ những ứng dụng tài chính online

Đối với những ngân hàng hay công ty tín dụng đang tìm cách tiếp cận nhóm đối tượng có thu nhập thấp nhất ở các nước nghèo, smartphone và công nghệ 3G là một cây đũa thần. Các tài khoản nhận tiền trên di động đã giúp phân phối dịch vụ tài chính tới hàng chục triệu người dùng điện thoại nhưng không có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, không có bữa ăn nào miễn phí.

Các dịch vụ tài chính điện tử đang đẩy nhóm đối tượng thu nhập thấp vào một không gian nhạy cảm với tội phạm công nghệ.

Nghiên cứu từ năm 2016 được trích dẫn trong báo cáo mới đây của Nhóm tư vấn hỗ trợ người nghèo (CGAB) liên kết với Ngân hàng Thế giới, cho thấy ở Philippines, 83% người được khảo sát từng gặp phải hình thức lừa đảo qua điện thoại di động và 17% mất tiền. Ở Tanzania, 27% người khảo sát bị nhắm mục tiêu và 17% gặp thiệt hại. Ở Ghana, con số này lần lượt là 56% và 12%.

Ở mức cơ bản nhất, một tên trộm chỉ cần một SIM điện thoại để gửi tin nhắn văn bản chúc mừng người nhận về giải thưởng ảo nào đó và yêu cầu họ thanh toán một số tiền nhỏ để nhận quà. 

Ở mức cao hơn, danh tính nạn nhân có thể bị đánh cắp để đăng kí một khoản vay đã giải ngân cho người khác. Kẻ mạo danh có thể đánh cắp tiền trên tài khoản di động của bạn khi đăng ký thẻ sim mới. 

Dịch vụ tài chính online: Cái bẫy hay cứu cánh cho người nghèo? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Bloomberg).

Thông tin tài khoản người dùng, mã bảo mật có thể bị rò rỉ bởi một đại lí nạp tiền di động (một trong hàng triệu thương nhân nhỏ có hoạt động kinh doanh bao gồm biến tiền điện thoại thành tiền mặt cứng).

Nhóm người thu nhập thấp đặc biệt dễ bị lừa bởi nhận thức hạn chế về công nghệ, các dịch vụ tài chính, những hình thức bảo mật tinh vi hay thậm chí cả cách giải quyết khi gặp phải tình huống xấu. Với mọi nguy hiểm trên thế giới mạng, họ gần như bất lực.

Thứ có thể bị đánh cắp không chỉ là tiền mà còn là tất cả các dữ liệu được lưu trữ trên điện thoại. Tuy nhiên, nhiều thông tin có xu hướng được chủ nhân cung cấp một cách hào phóng và tự nguyện. 

Nhiều ứng dụng gắn mác miễn phí trên thực tế kiếm nguồn thu nhập chính từ việc bán lại data người dùng. Ở mọi quốc gia và mọi tầng lớp, hầu hết chúng ta vui vẻ chọn nút “Đồng ý” chia sẻ quyền truy cập vào danh bạ điện thoại, kho hình ảnh và video trên điện thoại mà không hề đọc một chữ nào trong thông báo.

Thật vậy, trong giới cung cấp dịch vụ tài chính, bán thông tin cá nhân từ lâu đã ngầm được xem là một cách kiếm doanh thu từ nhóm đối tượng vốn không dư dả. Với thu nhập thấp, lịch sử tín dụng không đáng tin cậy và ít tài sản, họ không thể vay chính thức từ các ngân hàng. 

Hiện nay, các công ty tài chính - tín dụng cũng đang học cách dựa vào dữ liệu để đưa ra quyết định xét duyệt khoản vay và đáng chú ý hơn, hồ sơ thanh toán trên tài khoản di động, có thể phản ánh mức độ tin cậy.

Tuy nhiên, dữ liệu này cũng có thể bị lạm dụng. Dựa vào những thông tin cá nhân người dùng, công ty tín dụng biết cách đưa ra các gói vay tài chính khó cưỡng lại, đưa khách hàng vào bẫy nợ nần.

Hơn thế nữa, một số quyết định xét duyệt khoản vay có thể bị thiên vị dựa trên thông tin về vùng miền, dân tộc hoặc tín ngưỡng.

Ba đề xuất từ CGAB

Để khắc phục điều đó, CGAB đưa ra ba chính sách đề xuất. Đầu tiên là chấp nhận một thực tế rằng việc người dùng phải lộ thông tin cá nhân là không thể tránh khỏi và trách nhiệm bảo vệ thông tin đó nên thuộc về nhà cung cấp dịch vụ. 

Thứ hai là cung cấp cho người tiêu dùng quyền kiểm soát hợp pháp đầy đủ với thông tin của họ, cho phép họ xem, sửa miễn phí. Thứ ba là chỉ định đại diện quyền riêng tư của người dùng để kiểm tra các thuật toán nhằm tìm ra dấu hiệu sai lệch.

Nhiều quốc gia trên khắp thế giới, từ Mỹ đến Ấn Độ, đang xem xét thắt chặt qui định bảo vệ thông tin cá nhân nhưng đề xuất của CGAB có vẻ rất tham vọng. 

Các dịch vụ tài chính miễn phí như của nhóm đại gia Trung Quốc (Ant Financial và WeChat) rõ ràng có sức hấp dẫn khó cưỡng nhưng không dễ để triển khai trên qui mô toàn cầu.

Chúng ta thường cho rằng người nghèo sẵn sàng từ bỏ một số quyền riêng tư để đổi lấy các khoản vay và dịch vụ tài chính khác nhưng trên thực tế, mối quan tâm về quyền riêng tư không phải là đặc quyền xa xỉ của người giàu. 

Nghiên cứu ở Ấn Độ và Kenya chỉ ra rằng ngay cả những người rất nghèo cũng sẵn sàng trả lãi suất cao hơn hoặc chờ đợi thời gian xét duyệt một khoản vay lâu hơn nếu phía cho vay đảm bảo rằng thông tin họ cung cấp được giữ kín. 

Việc thuyết phục những gã khổng lồ công nghệ cải thiện hệ thống bảo mật dữ liệu cho người nghèo vì lợi ích kinh doanh của chính họ là hi vọng khả quan nhất hiện nay nhưng điều đó sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và công sức trong tương lai.

Thu Phương