Dịch tả lợn châu Phi tái xuất hiện ở Hòa Bình, gây nhiều thiệt hại
Ngày 29/4, Ủy ban Nhân dân huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, cho biết đã ra quyết định công bố dịch tả lợn châu Phi tái xuất hiện trên địa bàn xóm Ngù, xã Hiền Lương và có thể lây lan ra nhiều xóm, xã lân cận. Qua đó, các đơn vị chuyên trách tại địa phương đã khẩn trương hướng dẫn người dân các biện pháp ứng phó, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hiền Lương, Xa Văn Đạm cho biết, từ giữa tháng 4/2020 đến nay, trên địa bàn xóm Ngù, xã Hiền Lương xảy ra tình trạng lợn chết hàng hoạt, gây thiệt hại kinh tế cho nhiều hộ dân, tổng số lợn bị chết gần 200 con.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, cán bộ thú y đã kịp thời xuống địa bàn nắm bắt tình hình, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm và hướng dẫn hộ chăn nuôi các biện pháp cấp bách, tiêu hủy toàn bộ số lợn chết; đồng thời, tạm ứng vật tư để bà con phun thuốc khử trùng tiêu độc, rắc vôi bột và các biện pháp cần thiết khác, nhằm chủ động khống chế sự lây lan của dịch bệnh.
Đối với đàn lợn còn khỏe hiện nay trên địa bàn, cán bộ chuyên ngành cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi tăng cường công tác phòng bệnh; chú trọng các biện pháp chăm sóc, chế độ dinh dưỡng, tăng cường vệ sinh chuồng trại, đảm bảo điều kiện sống tốt nhất.
Hiện, toàn xã Hiền Lương có trên 800 con lợn giống bản địa; trong đó, xóm Ngù có gần 90 hộ nuôi, với tổng đàn khoảng 400 con. Đây là giống lợn đen thuần chủng được người dân nuôi nhốt trong chuồng trại khép kín, đảm bảo vệ sinh. Giống lợn này, nhiều năm trở lại đây đã trở thành nguồn sinh kế phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn.
Ông Bùi Khắc Vinh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đà Bắc, cho biết trước việc dịch tả lợn châu Phi đang tái diễn tại địa bàn xóm Ngù, xã Hiền Lương, các đơn vị chức năng huyện Đà Bắc đã khẩn trương tiến hành huy động phương tiện, vật tư, hóa chất thú y hỗ trợ địa bàn có dịch; nhanh chóng bao vây, dập ổ dịch và thực hiện phương án chống dịch.
Đặc biệt, kịp thời ngăn chặn dịch bệnh không để lây lan ra diện rộng; thường xuyên theo dõi và tổng hợp tình hình diễn biến của dịch bệnh để có biện pháp kịp thời khắc phục./.