Di sản kinh tế mà Tổng thống Pháp Francois Hollande để lại cho người kế nhiệm
Tổng thống Pháp Francois Hollande không ra tranh cử cho nhiệm kỳ tiếp theo. Ảnh: Reuters |
Thành viên Đảng Xã hội Pháp, ông Francois Hollande tuyên bố hôm thứ Năm tuần vừa rồi rằng mình sẽ không tham gia cuộc bầu cử tháng tư năm sau. Kể từ khi nhậm chức năm 2012, ông đã có một số thành công nhất định như chặn đứng đà suy giảm của kinh tế Pháp kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008 - 2009, cải thiện nền tài chính công.
Tuy vậy, các cử tri vẫn phiền lòng về tốc độ tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm.
Trong nhiệm kỳ, ông Hollance đã tăng thuế hộ gia đình với mức tăng hơn 50 tỷ euro (53,4 tỷ USD), tương đương 2,5% GDP, làm vụt tắt đà phục hồi kinh tế mới vừa le lói. Đây là một động thái mà giới kinh tế học xem là một sai lầm.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên trên 10%. Ông Hollance đã không hoàn thành lời hứa tăng trưởng thị trường việc làm của mình.
Với việc Pháp đang là nước có gánh nặng thuế cao nhất châu Âu, chiếm 47,9%, nhóm cố vấn kinh tế OFCE cho rằng vị Tổng thống tiếp theo của nước Pháp sẽ cần một kế hoạch cải cách tài chính ngay từ đầu nhiệm kỳ.
"Cái chúng ta cần là một chương trình cải cách thuế vững chắc, khiến mọi thứ đơn giản hơn", trưởng nhóm OFCE, ông Xavier Ragot nói tại một hội nghị kinh tế ở Paris hôm thứ sáu.
Kinh tế, cùng với an ninh và vấn đề di cư, sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới tại Pháp.
Một trong các ứng viên đang chạy đua cho chiếc ghế Tổng thống, cựu Thủ tướng Francois Fillon tỏ ra quan tâm đến vấn đề kinh tế. Ông này đề xuất chương trình cắt giảm 50 tỷ euro thuế, chủ yếu bằng cách cắt giảm thuế doanh nghiệp.
Chính phủ của ông Hollande dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ ở 1,4%, thấp hơn nhiều so với 2,5% mà ông này từng hứa ở đầu nhiệm kỳ. OECD tính toán kinh tế Pháp đã mất năng lực tăng trưởng nhanh hơn trong dài hạn trừ khi có những thay đổi sâu rộng, dự đoán rằng tăng trưởng tiềm năng của Pháp chỉ ở 1,2%.
Tuy vậy, Pháp vẫn có thể tăng triển vọng tăng trưởng nếu giữ tỷ lệ cho vay ở mức thấp và cung cấp các biện pháp thân thiện với tăng trưởng.
"Pháp nên dùng các biện pháp ưu tiên tài chính không chỉ trong chi tiêu và còn giảm thuế, thay thế hệ thống lương hưu hiện nay và khuyến khích những thay đổi mang tính hệ thống đặc biệt trong thị trường lao động" chuyên gia kinh tế trưởng của OECD Catherine Mann nói.