ĐHĐCĐ SFG: Không ảnh hưởng từ áp thuế phòng vệ, lãi quý 1 đạt 24 tỷ
Lãi quý 1 đạt 24 tỷ, kế hoạch cả năm 2017 là 110 tỷ
Trong quý 1/2017, sản lượng Super Lân đạt 26.000 tấn, tăng 5%; phân bón NPK tăng 15%; axit Sunphuric tăng 18%; bao bì tăng 24%. Qua đó giúp tổng doanh thu tăng 8%. Tổng lợi nhuận đạt được hơn 24 tỷ đồng, tăng 30% so với quý 1/2016.
Trong năm 2017, Ban lãnh đạo SFG đặt ra mục tiêu tổng doanh thu tiêu thụ hơn 2,711 tỷ đồng, tăng 16% nhưng tổng lợi nhuận trước thuế chỉ 110 tỷ đồng, thấp hơn không đáng kể so với thực hiện năm 2016. Cổ tức năm 2017 đề ra mức không thấp hơn 12%.
Kế hoạch được đưa ra dựa trên những nhận định như tình hình giá nguyên liệu có biến động hết sức phức tạp với giá các loại nguyên liệu chủ yếu như DAP, URE, SA liên tục tăng; giá than và điện tăng ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành sản xuất phân bón. Và đặc biệt, giá nguyên liệu tăng sẽ làm người dân giảm sử dụng phân đơn (đối tượng cạnh tranh của SFG) và chuyển sang sử dụng phân hỗn hợp NPK trong thời gian tới.
ĐHĐCĐ SFG: Không ảnh hưởng từ áp thuế phòng vệ, lãi quý 1 đạt 24 tỷ |
Bên cạnh đó, giá các mặt hàng nông sản như cao su, cà phê, tiêu... đang có xu hướng tăng sẽ thúc đẩy bà con nông dân bón phân nhiều hơn, đặc biệt là ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, qua đó tiêu thụ sản phẩm phân bón trên thị trường trong nước cũng được phát triển mạnh. SFG cho biết định hướng thị trường trong nước sẽ là yếu tố chiến lược.
Ngoài các nhân tố thuận lợi, nạn phân bón giả - kém chất lượng vẫn đang tiếp tục hoành hành. Tình trạng cung vượt cầu xảy ra trong nước khi hàng loạt nhà máy sản xuất phân bón lớn đi vào hoạt động tác động không tốt đến SFG.
SFG cũng đưa ra kế hoạch kinh doanh chi tiết, với giá trị sản xuất công nghiệp ở mức 2.651 tỷ đồng, tăng 17% so năm 2016; sản xuất Super lân các loại 170.000 tấn, tăng 14%; phân bón NPK 264.500 tấn, tăng 4%; Axit Sunphuric tổng số 82.500 tấn, tăng 3%; bao bì 14 triệu cái, tăng 46% và phân bón lá Yogen 300 tấn, tăng mạnh 94%. Tổng doanh thu tiêu thụ 2.711 tỷ đồng, tăng 16% so năm 2016.
Có 4 doanh nghiệp nhận bảo hộ từ thuế phòng vệ
Về kế hoạch đầu tư, Công ty dự kiến lắp đặt dây chuyền sản xuất NPK 60.000 tấn/năm tại Nhà máy Super Phốt phát Long Thành, sau khi dây chuyền này đi vào hoạt động sẽ đảm bảo cung cấp hàng hóa cho thị trường, đặc biệt là Tây Nguyên (khi nâng cấp cảng Long Thành từ 5.000 tấn lên 10.000 tấn sẽ rất thuận lợi cho việc xuất khẩu NPK, đặc biệt là hàng xá); xây dựng thêm nhà xưởng 3.500 m2 tại Long Thành; đầu tư sửa chữa lớn dây chuyền sản xuất NPK 150.000 tấn/năm.
Với dự án Long Thành, cổ đông cũng có ý kiến chất vấn việc đầu tư này liệu đem lại lợi thế gì và nguồn vốn đầu tư như thế nào?
Ông Hiệp – Tổng Giám đốc Công ty cho biết là dự án này là cần thiết vì hiện tại các tổ máy của SFG đang hoạt động 100% công suất. Dự án này tiêu tốn khoảng 70 tỷ đồng và nguồn vốn sẽ lấy từ lợi nhuận của Công ty, nếu thiếu sẽ đi vay ngân hàng. 1 ngân hàng lớn đã chấp thuận cho vay với mức lãi suất thấp.
Công ty tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới có chất lượng cao, theo chia sẻ của Ban lãnh đạo, trong năm 2017, dự kiến đưa ra 5 công thức mới để sản xuất với sản lượng tiêu thụ thấp nhất khoảng 2.000 tấn/năm/1 công thức. Trong các năm trước, SFG có 150 công thức nhưng đã tiến hành cải tổ và đưa về còn 40 công thức hợp lý tính đến hết 2016.
Tầm nhìn xa hơn, SFG cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tới 2020 và tầm nhìn 2030, đây là cơ hội để nghiên cứu những sản phẩm đặc trưng cho từng loại cây trồng, đặc biệt là các sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh.
Về sản phẩm mới Kali Bông lúa, ước tính năm 2017 dự kiến tiêu thụ khoảng 50.000 tấn. Cũng trong thời gian tới, SFG dự tính sẽ cổ phần hóa Nhà máy sản xuất Bao bì.
Trong năm 2016, SFG đã thực hiện được 2.347 tỷ đồng doanh thu, bằng 97% kế hoạch và tăng nhẹ 1% so năm trước. Lợi nhuận 110 tỷ đồng, vừa hoàn thành kế hoạch năm và tăng nhẹ 4% so năm 2015. Công ty quyết định chi trả cổ tức ở mức 12% tiền mặt.
Chia sẻ tại Đại hội khi được hỏi về vấn đề áp thuế phòng vệ có ảnh hưởng đến SFG như thế nào?
Ông Lâm Thái Dương – Chủ tịch HĐQT cho biết: “Thuế phòng vệ là dành cho các đơn vị nào đang hoạt động không tốt, có nộp đơn xin bảo hộ lên Tập đoàn hoá chất. Hiện Tập đoàn đã thông qua cho 4 doanh nghiệp nhận bảo hộ. SFG hoạt động vẫn ổn định và không nộp đơn nên không có ảnh hưởng gì từ thuế phòng vệ”.
Cuối Đại hội, các cổ đông thông qua các tờ trình mà HĐQT và Ban lãnh đạo SFG đưa ra.