|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ĐHĐCĐ bất thường Eximbank lần 2: Tỷ lệ tham dự hơn 82%, thông qua phần lớn tờ trình, dự kiến chia cổ tức cao năm 2022

10:21 | 14/02/2023
Chia sẻ
Sau lần đầu tổ chức bất thành do không đủ túc số, đại hội đồng cổ đông bất thường của Eximbank đã đạt tỷ lệ tham dự hơn 82% để tiến hành.

 Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 của Eximbank. (Ảnh: CTV).

Sáng nay (14/2), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2.

Tính đến 8h11, có 132 cổ đông tham dự, đại diện cho 82,27%, tương đương hơn 1 tỷ cổ phiếu có quyền biểu quyết. Do đó, đại hội đã đủ điều kiện để tổ chức. 

Đại hội bất thường của Eximbank được triệu tập nhằm thông qua một số vấn đề đáng chú ý như: sửa đổi bổ sung một số điều của điều lệ ngân hàng, miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ VII (2022 – 2025); Giữ lại bất động sản số 242 Bình Thới, phường 10, quận 11, TP HCM; Tranh chấp Hợp đồng thuê tại số 21 Kỳ Đồng và hạch toán giá trị còn lại của công trình vào chi phí năm 2022;...

Cụ thể, số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2022 – 2025) được dự kiến bầu bổ sung tại đại hội lần này là tối đa 3 thành viên, trong đó có một thành viên HĐQT độc lập.

Kế hoạch bầu bổ sung thành viên HĐQT được công bố sau khi hai thành viên HĐQT của Eximbank là bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại (Thành viên HĐQT độc lập) có đơn từ nhiệm vào ngày 24/10/2022 vì lý do cá nhân. Hai nhân sự này đại diện cho nhóm cổ đông của Tập đoàn Thành Công.

Ngày 14/1, Eximbank cũng công bố danh sách ba thành viên ứng cử bổ sung vào HĐQT đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận gồm bà Lê Thị Mai Loan, ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng.

 Các thành viên mới của HĐQT Eximbank ra mắt cổ đông. (Ảnh: TTXVN).

Mới đây, ngân hàng đã công bố kế hoạch phát hành hơn 245 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 20%) cho cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm gần 2.459 tỷ đồng lên 14.814 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ các năm 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021.

Đây là lần đầu tiên Eximbank chia cổ tức kể từ năm 2014 đến nay. Lần chia cổ tức gần đây nhất là 4% bằng tiền mặt cho năm 2013 và được thực hiện vào năm 2014.

Chia sẻ tại đại hội, bà Lương Thị Cẩm Tú, Chủ tịch HĐQT Eximbank, cho hay HĐQT đã thực hiện để chốt danh sách cổ đông trả cổ tức tỷ lệ 20%. Thời gian tới, sau khi hoàn thiện thủ tục hành chính, cổ đông Eximbank sẽ được nhận cổ tức như đã cam kết.

Chủ tịch ngân hàng cũng chia sẻ với kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2022, riêng lợi nhuận vượt 282% so với năm trước, đến ĐHĐCĐ thường niên sẽ chốt kết quả kinh doanh và chia cổ tức với tỷ lệ cao.

Về phương án xử lý tài sản tại 242 Bình Thới, quận 11, TP HCM, ông Trần Tấn Lộc, Tổng Giám đốc Eximbank, cho biết trước đây Eximbank mua tài sản này, nhưng theo ý kiến của cơ quan thanh tra, nếu ngân hàng không có phương án đưa vào khai thác sửe dụng cụ thể thì thanh lý.

Do nhu cầu sử dụng bất động sản của Eximbank để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc,...là cấp thiết nên việc tiếp tục tiến hành thanh lý bất động sản tại số 242 Bình Thới sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của Eximbank. Do đó, HĐQT trình ĐHĐCĐ giữ lại tài sản để triển khai việc đầu tư làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc.

Nói về tranh chấp hợp đồng thuê tại số 21 Kỳ Đồng, Chủ tịchLương Thị Cẩm Tú chia sẻ trước đây, ngân hàng thuê để làm trụ sở (thời gian thuê 10 năm từ tháng 8/2011), tổng giá trị xây đối với tòa nhà là khoảng 110 tỷ đồng (theo hạch toán thời điểm đó), trích khấu hao trong 50 năm để phân bổ.

Khi hết thời gian thuê theo ban đầu, hai bên không thoả thuận được với nhau nên đã đưa ra toà xử lý. Tòa có nêu chủ nhà hoàn trả lại cho Eximbank gần 31 tỷ đồng, do đó có phần chênh lệch 50 tỷ đồng mà Eximbank sẽ không thu được và phải hạch toán khoản này là chi phí phát sinh trong năm 2022.

Bà Tú cũng cho biết kế hoạch xây dựng về trụ sở mới tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm đang phải chờ xin ý kiến, trình các thủ tục pháp lý trước khi khởi công. Trong nhiệm kỳ này, HĐQT sẽ quyết tâm làm ngay trụ sở Lê Thị Hồng Gấm để đảm bảo quy mô, hiệu quả của ngân hàng chứ không đi thuê như hiện nay.

Đại hội đồng cổ đông đã thông qua các tờ trình về miễn nhiệm thành viên HĐQT và bổ sung, sửa đổi Điều lệ Eximbank, tờ trình về phương án đầu tư tài sản tại số 242 Bình Thới, quận 11 được thông qua.

Riêng tờ trình tranh chấp hợp đồng thuê tại số 21 Kỳ Đồng và hạch toán giá trị còn lại của công trình vào chi phí năm 2022 không được thông qua với tỷ lệ không đồng ý 93,75%.

Danh sách ba thành viên được bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank

Bà Lê Thị Mai Loan, sinh năm 1982, có bằng Cử nhân Kinh tế, Đại học Kinh tế TP HCM và Thạc sỹ Quản trị kinh doanh quốc tế, Đại học Quản trị Paris. Bà hiện đang là thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) và Chủ tịch HĐQT CTCP  Đầu tư Thương mại dịch vụ Gia Khang.

Trước đây, bà Loan từng là Giám đốc Nguồn vốn của SBS, Thành viên HĐQT kiêm Phó Chủ tịch thường trực HĐQT CTCP BCG Land, Thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Thủ Đô,...

Ông Phạm Quang Dũng, sinh năm 1982, trình độ Cử nhân Ngân Hàng - Tài Chính, Đại học Kinh tế Quốc Dân. Ông Dũng hiện đang giữ vị trí Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư BĐS Phú Mỹ. Ông cũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trong tại các ngân hàng như Phó Giám đốc khối Doanh Nghiệp lớn Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, Giám đốc Quản lý Khách hàng Doanh nghiệp (SRM) Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam,...

Ông Trần Anh Thắng, sinh năm 1984, có bằng Cử nhân Tài Chính và Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, Đại học Latrobe. Ông Thắng đang là Chủ tịch HĐQT của CTCP Amber capital Holdings và CTCP Đầu tư Du lịch Hà Nội Non Nước. Đồng thời là Phó chủ tịch thường trực HĐQT và Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Nhất Việt.

Diệp Bình

Liệu hệ thống KRX có lỡ hẹn với mốc ngày 2/5?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa đưa ý kiến về hệ thống công nghệ thông tin thuộc dự án đầu tư xây dựng Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (hay còn gọi là hệ thống KRX) trước thời điểm dự kiến chính thức vận hành 2/5 theo như kế hoạch đưa ra trước đó.