|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHCĐ PVTrans: Kế hoạch lãi sau thuế giảm 32%, giảm tỷ lệ sở hữu hàng loạt đơn vị

08:40 | 05/04/2017
Chia sẻ
HĐQT trình cổ đông về kế hoạch phát triển từ 2016 - 2025 với tỷ lệ chia cổ tức công ty mẹ dự kiến bình quân hàng năm trên 9%.
live dhcd pvtrans ke hoach lai sau thue giam 32 thuc hien tai co cau
Đại hội cổ đông PVT (Ảnh: Cúc Phương)

Sáng nay, Đại hội đồng cổ đông Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT) được tổ chức tại TP HCM.

Kết thúc Đại hội, cổ đông thông qua nội dung tất cả các tờ trình.

Phần thảo luận

- Dự án tàu VLCC chính thức vận hành vào thời gian nào? Do công ty mẹ đầu tư hay giao cho công ty con nào? Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đóng góp thế nào vào doanh thu của PVTrans?

Dự án tàu VLCC dự định được vận hành chạy thử vào Q2- Q3, đưa vào chạy thương mại chính thức vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2018. Dự án sẽ được PVTrans giao cho công ty con là CTCP Vận Tải Pacific làm chủ đầu tư.

PVTrans có vận chuyển dầu cho PVOil với công suất 1,5 triệu tấn đạt doanh thu 300 tỷ đồng, từ đó cổ đông có thể tính ra doanh thu tương ứng với công suất ước tính cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tầm 3 – 4 triệu tấn.

- Hiện trạng trả tàu FPSO của các khách hàng của PVTrans như thế nào?

PVTrans có dự án tàu FSO tại mỏ Đại Hùng và FPSO tại mỏ Chim Sáo, hai dự án này không bị áp lực khách hàng trả tàu, nhưng có áp lực giảm giá do giá dầu giảm khiến hoạt động của các khách hàng của PVTrans gặp khó khăn.

- Công ty nhận định về việc giá dầu thế giới như thế nào? Hoạt động vận chuyển than đá, khí, nhiệt điện được nhận định là có kết quả khả quan, còn về hoạt động vận chuyển dầu thế nào? Định hướng của công ty khi giá dầu giảm?

Vận chuyển dầu vẫn là hoạt động cốt lõi của PVTrans, đối với doanh nghiệp như PVTrans thì việc giá dầu giảm sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí giá vốn nhưng cũng khiến giá cước vận chuyển giảm. Tuy nhiên giá thuê tàu sẽ không bị ảnh hưởng. PVTrans vẫn là doanh nghiệp vận tải hàng lỏng lớn nhất tại Việt Nam nhưng vẫn là quy mô nhỏ so với thị trường thế giới, vì vậy việc các yếu tố vĩ mô trên thế giới không có tác động quá lớn lên PVTrans.

- Công ty có nhiều kế hoạch đầu tư vào công ty con nhưng tại sao lại tái cơ cấu các đơn vị thành viên từ mức sở hữu trên 60% xuống còn 51%? Việc giảm tỷ lệ sở hữu có cần thiết không khi việc giữ tỷ lệ sở hữu lớn sẽ đem lại nguồn thu lợi nhuận lớn hơn tại các công ty con này?

Việc thoái vốn các công ty con nằm trong lộ trình chung và xu thế chung của các doanh nghiệp nhà nước. Mục đích nhằm mời gọi các nhà đầu tư khác góp vốn, tham gia điều hành, quản trị rủi ro, giúp tăng quy mô và năng lực tại các công ty con. Khi hiệu quả hoạt động tăng lên, có thể tỷ lệ sở hữu giảm nhưng giá trị tuyệt đối tại các công ty con này đem lại có khi lại lớn hơn trước khi cơ cấu. Đồng thời việc thoái vốn có thể đem lại nguồn lợi ích cho công ty mẹ như thặng dư vốn.

Thực ra việc tái cơ cấu không ảnh hưởng nhiều đến lợi ích của PVTrans do tất cả các hợp đồng lớn đều do công ty mẹ PVTrans đứng ra ký kết và điều tiết xuống các công ty con, vì vậy việc kiểm soát sẽ được PVTrans thực hiện thông qua việc kiểm soát thị trường thay vì kiểm soát bằng vốn.

Kế hoạch lãi sau thuế 328 tỷ đồng, giảm 32%

Với những khó khăn được dự báo như giá cước vận tải được dự báo giảm khoảng 2 – 30% so với năm 2016, đội tàu PVTrans đã cũ cộng thêm sự cạnh tranh của nguồn cung tàu mới, công ty đã đặt kế hoạch kinh doanh giảm sút so với kết quả thực hiện 2016.

Cụ thể, tổng doanh thu năm 2017 dự kiến đạt 5.013 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 328 tỷ đồng, tương ứng giảm 30% và 32% so với kết quả 2016.

Năm 2017, ngoài việc ổn định và giữ nguồn doanh thu từ các khách hàng quen thuộc, PVTrans sẽ tham gia cung ứng dịch vụ các dự án đang triển khai của Tập đoàn như Lọc hóa Dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Thái Bình, Long Phú, Sông Hậu... nâng cao khối lượng vận chuyển của Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Nhà máy Đạm Cà Mau.

Ngoài ra, công ty mẹ sẽ đầu tư 1 tàu chở dầu và 4 sà lan với tổng tải trọng 37.000 DWT và chuẩn bị đầu tư Dự án tàu chở hàng rời 50.000 – 80.000 DWT phục vụ cho Nhà máy Nhiệt điện Long Phú- Sông Hậu.

Chiến lược phát triển dài hạn

Trong bảng kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 – 2020, PVTrans đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trên 7% và sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng trong tương lai. Thị trường mục tiêu sau thị trường Trung Đông được định hướng là thị trường Bắc Phi và khu vực Nam Á

Để đạt được kế hoạch này, PVTrans kế hoạch sẽ vận chuyển 100% nguyên liệu dầu thô đầu vào và 100% khí hóa lỏng LPG đầu ra cho nhà máy lọc dầu Dung Quất, nâng mức vận chuyển tại Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy chế biến khí Dinh Cố và các nhà máy nhiệt điện như Vũng Áng, Thái Bình, Long Phú, Sông Hậu...

live dhcd pvtrans ke hoach lai sau thue giam 32 thuc hien tai co cau
Các chỉ tiêu trong kế hoạch 5 năm của PVTrans. (Nguồn: PVTrans.com)

Từ năm 2021 trở đi sẽ xem xét đầu tư các tàu có tải trọng lớn thay thế cho các tàu thuê ngoài đang vận chuyển cho các nhà máy nhiệt điện.

Mức chia cổ tức công ty bình quân dự kiến đạt 9%/năm.

Kế hoạch tái cơ cấu

Trong giai đoạn từ nay đến 2020, PVTrans sẽ thực hiện tái cơ cấu, thoái toàn bộ vốn tại CTCP Dịch vụ Vận tải Dầu khí Cửu Long, giảm tỷ lệ sở hữu các đơn vị thành viên ở lĩnh vực vận tải dầu thô, dầu sản phẩm,khí hóa lỏng xuống mức 51% và điều chỉnh mức tăng giảm khác cho một số đơn vị thành viên cụ thể.

Riêng đối với CTCP Vận tải Dầu khí Đông Dương, tỷ lệ sở hữu của PVTrans sẽ được điều chỉnh tăng thêm 10% lên 48,67% từ việc mua lại cổ phần của PTSC, và sẽ tăng lên 58,67% trong trường hợp PVTrans đàm phán được với PV Oil.

Năm 2016, PVT đạt doanh thu hơn 6.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 483 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng xấp xỉ 17% và 11% so với năm 2015. Tỷ lệ chi trả cổ tức 2016 là 10% bằng tiền mặt.

Cúc Phương

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.