Đề xuất tăng tỷ lệ ngân sách TPHCM để phục vụ phát triển vùng
Sáng nay (29/6), UBND TPHCM và Đại học Quốc gia TP tổ chức Hội thảo "Hạ tầng giao thông Nam Bộ: Vấn đề và Giải pháp" với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia và các nhà quán lý Trung ương và khu vực Nam bộ.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo.
Hội thảo tập trung thảo luận về thực trạng hạ tầng giao thông khu vực Nam Bộ; Chính sách và Định hướng phát triển; nhất là về tổng thể hệ thống logistics ĐBSCL dựa trên các kịch bản phát triển; sự kết nối TPHCM với ĐBSCL qua các dự án trọng điểm cũng như các chính sách tháo gỡ tài chính, ưu tiên doanh nghiệp đầu tư về lĩnh vực này.
Ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, hạ tầng giao thông hiện hữu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL rõ ràng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển KTXH của vùng.
Những vấn đề này cần được bàn luận, nghiên cứu, và giải quyết. ĐHQG-HCM cùng với mạng lưới chuyên gia, các nhà khoa học của mình tiếp tục xác định sự ưu tiên mức cao trong các nghiên cứu mang tính ứng dụng phục vụ phát triển KTXH vùng, trong đó có nhiều nghiên cứu về hạ tầng giao thông và các lĩnh vực liên quan.
Người xe đông nghịt ở cửa ngõ phía Tây TPHCM.
Theo các đại biểu, thực trạng hạ tầng giao thông hiện hữu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL hiện chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Vùng. Chính phủ cũng đã và đang nỗ lực cải cách các chính sách nhằm huy động nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, kết quả kêu gọi vốn đầu tư công và hợp tác công – tư (PPP) tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng giao thông khu vực Nam Bộ chưa thực sự được như mong muốn.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Quốc gia TPHCM đã chỉ ra 5 vấn đề chính của phát triển giao thông khu vực Nam Bộ. Trong đó nhấn mạnh đến “chất lượng quy hoạch, lập và thẩm định dự án”, “Năng lực triển khai dự án của nhà đầu tư”; và “những bất cập phát sinh trong đền bù giải phóng mặt bằng”... đang là rào cản trong việc phát triển hạ tầng giao thông khu vực Nam Bộ.
Hạ tầng giao thông kết nối TPHCM với ĐBSCL còn nhiều bất cập.
Nhiều giải pháp được đặt ra tại Hội thảo là quy hoạch giao thông cần dựa lên quy hoạch và liên kết phát triển vùng; nâng cao hiệu quả quỹ bảo trì đường bộ, nâng cao tỷ trọng đầu tư cho đường thủy; minh bạch công khai trong đấu thầu và triển khai thu phí không dừng; phát hành trái phiếu xây dựng hạ tầng. Đặc biệt, vai trò quan trọng của TPHCM được nhiều đại biểu nhấn mạnh trong bối cảnh mà sự phối hợp giữa các ngành và địa phương còn thiếu, còn có lợi ích cục bộ…Vì thế, cần phải đưa TPHCM trở thành nhạc trưởng trong quy hoạch phát triển vùng, cho phép TPHCM thí điểm thu thuế bất động sản để phát triển hạ tầng giao thông vận tải.
Tiến sỹ Dương Như Hùng, Trưởng khoa Quản lý công nghiệp, Đại học Bách khoa TPHCM nói: "Trước vấn đề này chúng ta cần có đơn vị điều phối quản lý cấp vùng. Cần có vai trò nhạc trưởng và TPHCM phù hợp với vị trí vai trò này. Tuy nhiên, TPHCM thiếu nguồn lực và cơ chế tài chính hạn chế, do đó đề xuất tăng tỷ lệ ngân sách TPHCM để phục vụ phát triển vùng".