Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông tối đa 75 triệu đồng
Sáng 10/2, tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội các đại biểu cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
So với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực: Giao thông vận tải đường bộ và phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng; điện lực từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 triệu lên 200 triệu; quản lý công trình thủy lợi (sửa đổi thành lĩnh vực thủy lợi), báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng; kinh doanh bất động sản tăng từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng.
Dẫn chứng dư luận và thực tế từ việc xử phạt nặng hành vi uống rượu bia khi lái xe theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay việc xử phạt nặng như vậy đảm bảo tính răn đe, được người dân chấp hành nghiêm.
“Cử tri mong muốn việc xử lý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng đạt mức cao như vậy, có thể rút giấy phép kinh doanh, còn nếu chỉ phạt 200 triệu đồng như đề xuất thì quá thấp, không đảm bảo tính răn đe”, bà Hải nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nêu bài học kinh nghiệm trong việc triển khai Nghị định 100 và cho rằng mức phạt này giúp người vi phạm chấp hành pháp luật nghiêm hơn.
“Nâng ly lên là nghĩ tới mức phạt tối đa lên đến 40 triệu đồng, tịch thu bằng lái 23 tháng, thì phần lớn lại đặt ly xuống hết. Không nên so sánh giữa mức thu nhập của người dân và mức xử phạt, bởi không muốn bị xử phạt thì đừng có vi phạm pháp luật”, ông nói.
Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng tình với việc phạt “mạnh tay” trong nhiều lĩnh vực để đảm bảo răn đe, tuy nhiên ông Hiển đề nghị đưa vào khoản riêng cho rõ.
Tán thành với việc phạt nặng để đảm bảo tính răn đe, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, nếu không muốn ảnh hưởng đến thu nhập thì đừng vi phạm.
“Nhất trí tăng mức tiền tối đa để đáp ứng nhu cầu thực tiễn để răn đe, ngăn chặn, tuy nhiên phải làm rõ thực tiễn, đồng thời xem xét một số lĩnh vực như vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm có cấp bách để phạt tiền tối đa không? Hay việc bổ sung đối tượng được quyền xử phạt cũng cần phải được làm rõ”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp giữa năm 2020.