Tiền phạt vi phạm giao thông được phân bổ thế nào?
Ngày 8/1, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an phát đi thông báo giải thích việc phân bổ tiền phạt vi phạm giao thông. Năm 2007, để khắc phục tình trạng tai nạn giao thông tăng cao và hỗ trợ lực lượng chức năng mua sắm trang bị, phương tiện phục vụ công việc, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 89/2007 quy định tiền phạt vi phạm hành chính được phân bổ cho lực lượng chức năng.
Theo văn bản này, cảnh sát giao thông được giữ lại 70% số tiền xử phạt vi phạm giao thông; thanh tra giao thông vận tải (gồm cả trạm cân kiểm tra xe, Cảng vụ đường thủy nội địa) 10%; Ban an toàn giao thông tỉnh, thành phố 10%, 10% còn lại cho công an xã, phường, thị trấn.
Đến năm 2013, Thông tư 89/2007 hết hiệu lực và thay thế bằng Thông tư 153/2013, nêu rõ tiền thu phạt vi phạm hành chính nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước và điều tiết 100% cho ngân sách địa phương, HĐND cấp tỉnh quyết định. Riêng lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, việc điều tiết tiền thu phạt thực hiện theo sự hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Đến năm 2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 01/2018, có hiệu lực từ tháng 3/2018 nêu rõ các địa phương được sử dụng 70% số kinh phí từ nguồn xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông để cho công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông (gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, công an huyện, xã).
30% còn lại dành cho các lực lượng khác của địa phương tham gia cùng nhiệm vụ trên địa bàn (gồm thanh tra giao thông, trạm cân, ban an toàn giao thông...).
Riêng với Bộ Công an, trong giai đoạn 2018-2020, dự toán chi cho việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tương ứng 30% nguồn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông.
Thông tư 01/2018 cũng quy định mức chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào ban đêm ở mức tối đa 100.000 đồng/người/ca 4 tiếng (mức này không thay đổi so với những năm trước đây).
Kể từ khi Nghị định 100/2019 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, nhiều người cho rằng việc áp dụng mức phạt tăng cao nhằm tăng ngân sách, tăng thu cho cảnh sát giao thông.
Trả lời trực tuyến trên VnExpress ngày 7/1, thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, khẳng định quy định mới không phải tăng thu ngân sách, quan trọng là răn đe, giúp người tham gia giao thông điều khiển phương tiện an toàn.
Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1/1/2020.
Theo đó, chỉ cần có nồng độ cồn vượt mức 0, lái xe sẽ bị phạt. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
So với Nghị định 46, mức phạt tiền tăng cao hơn 2 lần với ôtô và xe máy.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/