|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng

22:02 | 28/02/2020
Chia sẻ
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu lên 11 triệu đồng mỗi tháng.

Theo dự thảo Nghị quyết điều chỉnh mới công bố, mức giảm trừ với đối tượng nộp thuế tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng mỗi tháng (tức 132 triệu đồng một năm). Mức giảm trừ với mỗi người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng mỗi tháng.

Nếu được Quốc hội thông qua, điều chỉnh này sẽ áp dụng cho kỳ tính thuế năm nay. Các trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh trước đó được xác định lại khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

Bộ Tài chính cho biết, việc điều chỉnh lần này nhằm phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và sự biến động giá cả từ thời điểm Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi, bổ sung một số điều) có hiệu lực vào tháng 7/2013 đến cuối năm 2019. 

Theo quy định, khi chỉ số số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Thực tế trong giai đoạn này, CPI tăng 23,2%.

Theo quy định hiện nay, người có thu nhập dưới 15 triệu kèm một người phụ thuộc phải nộp thuế 120.000 đồng mỗi tháng. Nếu áp dụng điều chỉnh thì sẽ nhóm đối tượng này không phải nộp thuế.

Người nộp thuế có thu nhập dưới 20 triệu kèm một người phụ thuộc cũng được giảm 48% số thuế phải nộp, từ 490.000 đồng còn 230.000 đồng. Các nhóm đối tượng có thu nhập cao hơn cũng được giảm khoảng 7% thuế.

Bộ Tài chính cho biết số lượng người nộp thuế và người phụ thuộc tăng đều qua từng năm. Tạm tính đến cuối năm ngoái, có 6,88 triệu người nộp thuế thu nhập cá nhân với tổng thu ngân sách nhà nước hơn 79.200 tỷ đồng.

"Dự kiến thu ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập cá nhân còn khoảng 68.921 tỷ đồng, giảm 13% so với số thu năm 2019", Bộ Tài chính ước tính.

Phương Đông

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.