|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đề xuất phát triển Sơn Trà theo mô hình du lịch sinh thái đảo Cù Lao Chàm

14:01 | 15/07/2017
Chia sẻ
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà nên hợp nhất với vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển như mô hình của đảo Cù Lao Chàm. Khu dự trữ sẽ có hai vùng lõi tại Sơn Trà và Nam Hải Vân.
de xuat phat trien son tra theo mo hinh du lich sinh thai dao cu lao cham
ÔNg Huỳnh Tấn Vinh đề xuất phát triển Sơn Trà thành Khu du lịch sinh thái theo những mô hình đã thành công trước đó như đảo Phillip ở Úc hay đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) ở Việt Nam. (Ảnh: Linh Lê).

Tại Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà tổ chức hôm nay (15/7) tại Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đưa ra đề xuất phát triển Sơn Trà thành Khu du lịch sinh thái theo những mô hình đã thành công trước đó như đảo Phillip ở Úc hay đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) ở Việt Nam.

Ông Vinh đưa ra ví dụ về mô hình đảo Phillip: Đó là mô hình công viên thiên nhiên thành lập năm 1996, rộng hơn 1.800 ha. Năm 2016, công viên này có 1,37 triệu du khách, thu về 28,7 triệu USD, thặng dư 3,4 triệu USD sau khi đã đầu tư hơn 3,8 triệu USD vào nghiên cứu, bảo tồn. Doanh thu từ các hoạt động du lịch sẽ được đầu tư vào chính các chương trình bảo tồn và giáo dục tại đây.

Tương tự, bán đảo Sơn Trà cũng nên hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển vốn tăng nguy cơ phá hủy rặng san hô ven bờ; đồng thời Sơn Trà cũng nên hợp nhất với vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển quốc tế UNESCO như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm nhằm bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước.

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng còn kiến nghị xây dựng Quỹ bảo tồn từ nguồn thu lệ phí vào cổng, phí cắm trại... để nghiên cứu bảo vệ rừng, đa dạng sinh học và tạo thu nhập cho người dân địa phương; lập trung tâm nghiên cứu, bảo tàng, trung tâm thông tin Sơn Trà để giáo dục, nâng cao hiểu biết về môi trường tự nhiên của Sơn Trà.

Ông đặc biệt lưu ý: “Quan điểm giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà của chúng tôi không phải là không động vào để bán đảo hoang phí, mà chúng tôi đề nghị nơi nào đang kinh doanh trước đó thì tạm thời vẫn cho tiếp tục kinh doanh, chỉ không xây dựng khu lưu trú mới tại đây mà thôi”.

Đồng quan điểm, GS. Nguyễn Hoàng Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và giáo dục môi trường, Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và sinh quyển (MAB Việt Nam) cũng nêu sáng kiến thành lập Khu sinh quyển thế giới Sơn Trà – Nam Hải Vân gồm 2 vùng lõi đối xứng qua Vĩnh Đà Nẵng, các vùng đệm, vùng chuyển tiếp bao xung quanh 2 vùng lõi.

de xuat phat trien son tra theo mo hinh du lich sinh thai dao cu lao cham
Khu sinh quyển thế giới Sơn Trà – Nam Hải Vân gồm 2 vùng lõi đối xứng qua Vịnh Đà Nẵng, các vùng đệm, vùng chuyển tiếp bao xung quanh 2 vùng lõi.

Bản tham luận của đại diện MAB Việt Nam thông tin, vùng lõi 1 Khu bảo tồn tự nhiên bán đảo sơn Trà rộng 2.591,1 ha; vùng lõi 2 Khu rừng phòng hộ Nam Hải Vân rộng 2.269,9 ha. Vùng đệm và chuyển tiếp là các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Hải Châu và một phần quận Ngũ Hành Sơn; vùng đệm mở rộng là rừng phòng hộ Bắc Hải Vân.

Linh Lê