|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất nhiều chính sách cứu vận tải thời covid-19

07:37 | 28/02/2020
Chia sẻ
Nhiều đơn vị vận tải kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp.
Đề xuất nhiều chính sách cứu vận tải thời covid-19 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp sáng 27/2

Ngày 27/2, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động vận tải. Tại đây, đại diện nhiều đơn vị kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp trong giai đoạn vô cùng khó khăn này.

Hàng không ảnh hưởng nặng nề nhất

"Những đề xuất, kiến nghị nào thuộc thẩm quyền của Bộ thì có thể quyết ngay. Những gì thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành khác, thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội thì Bộ GTVT sẽ tiếp tục kiến nghị. Khó đến đâu, kiến nghị đến đấy.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

”Số liệu thống kê của Cục Hàng không VN cho thấy, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không (CHK) trong tháng 2/2020 đạt gần 8,1 triệu khách, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số này, khách quốc tế đạt 2,4 triệu, giảm 29,8%, khách nội địa đạt 5,7 triệu, giảm 0,7%.

Cũng trong tháng 2, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 3,7 triệu khách, giảm 13,7% so với tháng 2/2019. Trong đó, lượng khách quốc tế giảm tới 39,5%, chỉ còn 870 nghìn khách. Khách nội địa giảm nhẹ 0,7%, đạt 2,8 triệu khách. Mức sụt giảm lên tới 2 con số sau nhiều năm liên tục tăng trưởng mạnh của thị trường hàng không Việt Nam là do ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19.

Thực tế này một lần nữa được Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng khẳng định trong cuộc họp ngày hôm qua (27/2).

Cụ thể, theo ông Thắng, đến ngày 26/2/2020, các hãng hàng không Việt Nam đã cắt toàn bộ chuyến bay đến Trung Quốc, cắt giảm 34% số chuyến bay đến Đài Loan, 92% số chuyến bay đến Hong Kong.

Các chuyến bay đến Nhật Bản dù chưa cắt giảm, vẫn giữ 160 chuyến/tuần, tuy nhiên các hãng hàng không đang đánh giá tình hình và khả năng cao sẽ phải cắt giảm trong giai đoạn tới. Riêng đối với Hàn Quốc, các hãng đã cắt giảm 41% chuyến bay.

Cần phải nói rằng, cùng với thị trường Đông Nam Á, thị trường Đông Bắc Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Nhật Bản vô cùng quan trọng với các hãng hàng không Việt Nam. Thống kê cho thấy, trong khi thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 19,5% thì Hàn Quốc chiếm 23,1%, Đài Loan 7,7%, Hong Kong 4,1% và Nhật Bản 6,8%.

Đánh giá về ảnh hưởng dịch bệnh, ông Thắng cho hay, trong trường hợp khả quan nhất, dịch được kiểm soát trước tháng 4/2020, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so với năm 2019. Trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3 %) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2 % so cùng kỳ).

Trường hợp xấu hơn, khi dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi/đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so với 2019 (79,1 triệu khách). Trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2 %) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách, giảm 17% so cùng kỳ”, ông Thắng thông tin.

Về đường bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cho hay, số lượt xe, doanh thu, sản lượng của cả xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch… tại các tỉnh, thành phố đều giảm nghiêm trọng.

“Tại Hà Nội, lượng khách xuất bến tại các bến xe đều giảm mạnh. Cụ thể, bến xe Yên Nghĩa giảm tới 42%, Giáp Bát giảm 49%, Nước Ngầm giảm 33%, Mỹ Đình giảm 34%. Tại Hải Phòng, con số này còn lên tới 70%, tại Vĩnh Phúc là 60%, Quảng Ninh 60%, Thanh Hoá 50%...”, ông Huyện dẫn số liệu.

“Nhiều đơn vị muốn dừng hoạt động vì quá vắng khách, thu không đủ bù chi. Tuy nhiên, do sợ nếu thực hiện dưới 70% số chuyến sẽ bị thu hồi phù hiệu và đình chỉ khai thác tuyến nên vẫn phải duy trì. Các bến xe cũng vô cùng khó khăn vì lượng xe xuất bến giảm trong khi vẫn phải trả lãi vay, bảo hiểm, tiền lương…”, ông Huyện thông tin.

Về hàng hoá, ông Huyện cho hay, từ ngày 1/2 đến nay, lượng phương tiện xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị giảm tới 58% so với cùng kỳ 2019. Số phương tiện qua cửa khẩu Lào Cai cũng giảm mạnh.

Cho rằng vận tải biển, cảng biển cũng rất khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, ông Hoàng Hồng Giang, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN thông tin, theo Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO), khó khăn với vận tải biển phải kéo hết 2020. 

“Vùng Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hong Kong, Macao, Đài Loan chiếm 7/10 cảng biển lớn nhất thế giới. Do đó, hàng hoá qua các tuyến này chắc chắn sẽ giảm mạnh. Hiện tại, các hãng tàu lớn đều đã cắt hết các tuyến qua Trung Quốc”, ông Giang nói và cho hay, sản lượng tàu ra vào các cảng biển Việt Nam đều sụt giảm nghiêm trọng.

Về tàu khách, ông Giang thông tin, trong tháng 2, Quảng Ninh “vớt vát” được 30% số chuyến nhưng sang tháng 3, tháng 4, tất cả các chuyến theo kế hoạch cũ đều huỷ. Doanh thu của cảng Sungroup giảm đến 80%. Tại TP HCM, đã có 10 tàu huỷ lịch, chỉ còn 4 tàu được đón theo kế hoạch.

Tình hình với đường sắt cũng không khả quan hơn khi Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi nhấn mạnh, cụm từ “không có khách”. Ngoài việc dừng tàu liên vận Gia Lâm - Bằng Tường từ 4/2, ông Khôi cho hay, một số tuyến ngắn như Hà Nội - Vinh, TP HCM - Phan Thiết đã cắt giảm 3 - 4 chuyến.

Trước đó, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, sản lượng hành khách đường sắt giảm 45% so với tháng 1/2020 và giảm 47,4 % so với cùng kỳ năm 2019. Về hàng hải, sản lượng vận tải hàng hoá giảm 30% so với tháng 1/2020 và giảm 0,3% so với cùng kỳ; sản lượng hành khách giảm tương ứng 17,8% và 3,4%. Sản lượng vận tải hàng hoá đường bộ trong tháng 1 cũng giảm 6,4%, sản lượng hành khách giảm 16,3% so với tháng 1/2020 và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Cập nhật thông tin dịch bệnh hàng ngày để có đề xuất hợp lý

Đề xuất nhiều chính sách cứu vận tải thời covid-19 - Ảnh 3.

Trong tháng 2, lượng khách quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam giảm tới 39,5%, chỉ còn 870 nghìn khách

Để hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam trong giai đoạn chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19, Cục Hàng không VN đề xuất Bộ GTVT báo cáo Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không cho các hãng hàng không Việt Nam.

Cụ thể, áp dụng chính sách giảm 50% giá cất, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa trong thời gian từ 1/3 - 31/5; Cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ (ACV, VDO và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng không khác) thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác…

Cục Hàng không VN cũng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét việc miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng. Trường hợp cân đối Ngân sách gặp khó khăn thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách; Xem xét nới lỏng chính sách visa nhập cảnh đối với khách từ các thị trường quốc tế đến Việt Nam…

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cũng đề nghị Bộ GTVT “kiến nghị Chính phủ có cơ chế chính sách cho vận tải, bến xe như giảm lãi suất vay, giãn thời gian trả nợ tại các ngân hàng, cho lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…”.

Những kiến nghị tương tự cũng được Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN Hoàng Hồng Giang đề nghị áp dụng với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, cảng biển trong giai đoạn theo ông Giang là “vô cùng khó khăn” này.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục bị ngừng đột ngột đã tác động mạnh đến hoạt động của các hãng hàng không. Không chỉ thị trường Trung Quốc, nhiều thị trường khác như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng bị ảnh hưởng.

“Cùng với hàng không, các lĩnh vực khác như đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thuỷ nội địa cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh: Cuộc họp hôm nay là để trực diện những khó khăn xem ảnh hưởng đến đâu, tác động như thế nào, giải pháp ra sao, cần kiến nghị gì với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan liên quan phải rà soát kỹ những ảnh hưởng do dịch Covid-19. “Diễn biến dịch bệnh liên tục thay đổi, do đó số liệu thiệt hại cũng phải được cập nhật hàng ngày, hàng tuần, từ đó đưa ra các đề xuất hợp lý, phù hợp với quy định pháp luật”, Bộ trưởng nói và yêu cầu các cơ quan nhanh chóng nghiên cứu những đề xuất, kiến nghị, giải pháp. Đồng thời đặc biệt lưu ý các đơn vị khi đưa ra các số liệu về ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải “chính xác, không chung chung, không thổi phồng”.

Kể từ khi có dịch Covid-19 (ngày 15/1/2020), Bộ GTVT đã bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ có liên quan với tinh thần "chống dịch như chống giặc", coi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách.

17 văn bản liên quan đến dịch Covid-19 đã được Bộ GTVT ban hành, đảm bảo chủ động phòng, chống, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bộ GTVT cũng đã lập Ban Chỉ đạo công tác Phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn làm Trưởng ban.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo Bộ triển khai các nhiệm vụ liên quan tới công tác phòng, chống bệnh do virus Corona gây ra, đồng thời xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ trong việc triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo công tác phối hợp liên ngành, điều phối các nguồn lực, huy động hệ thống chính trị và cộng đồng tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh…

Thanh Bình