|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất mức bội chi ngân sách dưới 3,8% GDP

17:47 | 20/10/2016
Chia sẻ
 Chính phủ xây dựng mức bội chi ngân sách Nhà nước đến năm 2020 dưới 4% GDP, lạc quan hơn, một số ý kiến cho rằng có thể giảm xuống mức dưới 3,8% GDP.
de xuat muc boi chi ngan sach duoi 38 gdp
Bội chi ngân sách Nhà nước. Minh họa: Kinh tế và Dự báo.

Đó là con số trong Báo cáo Thẩm tra tình hình thực hiện kế hoạch tài chính gửi các đại biểu Quốc hội tại kì họp ngày 20/10 của Ủy ban Tài chính Ngân sách.

Mức bội chi ngân sách bình quân dưới 3,8% GDP hay dưới 4% GDP đều thấp hơn mục tiêu của giai đoạn 2011 - 2015 (mục tiêu 4,5% GDP vào năm 2015). Trên thực tế, mức bội chi ngân sách bình quân của giai đoạn vừa qua là 5,76% GDP, cao hơn rất nhiều so với định mức mà Chính phủ đưa ra trước đó, gấp 1,5 lần mức kì vọng cho giai đoạn 2016 - 2020.

Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) cho biết, để đạt mức kì vọng như vậy, Chính phủ xác định mô thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tăng gấp 1,65 lần so với giai đoạn trước. Tăng tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN, phấn đấu tăng từ 67,8% giai đoạn trước lên mức khoảng 87-88% vào cuối giai đoạn.

Chính phủ cũng điều chỉnh tỉ trọng chi ngân sách cho các hoạt động, trong đó, chi đầu tư phát triển sẽ tăng lên bình quân 25-26% (tương ứng 2 triệu tỉ đồng) cả giai đoạn, chi thường xuyên giảm từ 67% xuống mức 60-62% tại năm tài chính 2016 - 2020.

Ủy ban TCNS cho biết, đầu tư phát triển từ nguồn NSNN chủ yếu dựa vào vay để bù đắp bội chi, vay ngoài nước, vay phát hành TPCP và số thu từ xổ số kiến thiết, thu từ đất còn chiếm tỷ trọng lớn.

"Nhìn chung, trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, ngân sách của nước ta hiện nay là ngân sách tiêu dùng, nặng về chi thường xuyên, chưa phải là ngân sách phát triển vì tỷ lệ tích lũy từ ngân sách cho đầu tư phát triển còn rất thấp", báo cáo của Ủy ban này nhận định.

Dự báo tăng trưởng kinh tế có ảnh hưởng lớn đến kế hoạch xây dựng ngân sách Nhà nước và bội chi ngân sách. Vì vậy, một số ý kiến trong Ủy ban đề nghị Chính phủ xây dựng 3 kịch bản về tăng trưởng kinh tế theo 3 phương án 7%, 6,75% và 6,5% để xây dựng dự toán thu, chi NSNN chủ động đồng thời phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện.

Báo cáo bày tỏ lo ngại hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế chưa cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thu NSNN, tái cơ cấu chi NSNN, có thể phát sinh các nghĩa vụ nợ tiềm tàng làm tăng nợ công trong giai đoạn 2016-2020.

Thái Hoàng