Đề xuất mạnh tay cho phá sản ngân hàng thương mại yếu kém
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa hoàn tất xây dựng “Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 – 2020”, dự kiến báo cáo Chính phủ trong tháng 9 và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai khóa XIV.
Theo đó, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn tất cơ bản tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, giảm mạnh rủi ro hệ thống và tăng cường độ rộng và hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính.
Ngân hàng thương mại (NHTM) có nguy cơ bị buộc phá sản theo luật phá sản 2014 nếu hoạt động không hiệu quả trong giai đọan tái cơ cấu kinh tế 2016 - 2020, tuy nhiên, để đảm bảo sự an toàn, ổn định của hệ thống, Chính phủ sẽ chỉ phá sản khi không gây ra sự mất ổn định.
Luật Bảo hiểm Tiền gửi sẽ được sửa đổi, cho phép sử dụng phí bảo hiểm tiền gửi mà ngân hàng đã nộp cho Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) để tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng, trong đó, có phí sử dụng để đảm bảo an tòan và niềm tin của tòan bộ hệ thống tín dụng với khách hàng nếu phá sản ngân hàng xảy ra.
Nhà nước sẽ cấp phép thận trọng đối với việc thành lập ngân hàng thương mại mới, đồng thời, kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng không đáp ứng được mức vốn pháp định và chuẩn mực an toàn vốn. Giai đọan này, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục triển khai lộ trình tăng vốn điều lệ phù hợp với quy định mới về vốn pháp định.
Ngoài ra, về sở hữu vốn, dự thảo nêu rõ sẽ tiến hành cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) - ngân hàng hiện nay đang có 100% vốn Nhà nước. Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại một số ngân hàng cổ phần về mức trên 65%.
Quy định về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng cũng sẽ được nới lỏng để các nhà đầu tư có nhiều cơ hội tham gia vào hệ thống tín dụng ở Việt Nam hơn.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định quá trình tái cơ cấu đã đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên, việc tăng vốn điều lệ của nhiều tổ chức tín dụng chưa đạt được mục tiêu trong bối cảnh thị trường tài chính khó khăn, ngân sách nhà nước hạn hẹp, nguồn lực tài chính của nhà đầu tư trong nước hạn chế và nhà đầu tư nước ngoài chưa thực sự sẵn sàng tham gia. Nhiều tổ chức tín dụng yếu kém đã phải tiến hành sáp nhập, hợp nhất, trong đó có 8 cái tên ngân hàng hoàn toàn biến mất trên thị trường.
Cụ thể, cuối quý 3/2011, Việt Nam có 42 NHTM trong nước, đến cuối năm 2015, số lượng các NHTM Việt Nam đã giảm xuống còn 34. 3 ngân hàng thương mại cổ phần bị thu mua bắt buộc với giá 0 đồng trong năm 2015 là ngân hàng Đại Dương, ngân hàng Xây dựng và ngân hàng Dầu khí toàn cầu GP Bank.