|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đề xuất doanh nghiệp niêm yết ngay sau IPO

18:48 | 06/08/2019
Chia sẻ
Đại diện Bộ Tài chính cho hay, tới đây, khi Luật Chứng khoán sửa đổi thông qua thì khi IPO xong, doanh nghiệp sẽ phải tiến hành niêm yết ngay sau đó.

Tại diễn đàn M&A 2019 chủ đề "Thay đổi để Bứt phá" do Báo Đầu tư tổ chức hôm nay 6/8, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital, cho biết diễn đàn M&A diễn ra thường niên trong suốt 11 năm nay nhận được mối quan tâm của nhiều đại biểu.

Theo ông Dominic, có ba mối quan tâm gồm môi trường pháp lý, chính sách chính phủ Việt Nam, độ mở hoạt động M&A.

Bên cạnh đó còn có một số yếu tố như môi trường chung, chiến tranh thương mại và các hiệp định thương mại; Cơ cấu lại thành phần các doanh nghiệp nhà nước; Quá trình thúc đẩy mạnh mẽ của doanh nghiệp tư nhân.

Đối với vấn đề chính sách nhà nước, theo ông Dominic, quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhiều năm nay là yếu tố đột phá của hoạt động M&A.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho biết tiến trình đổi mới DNNN liên tục, đảm bảo hiệu quả, tiến độ tốt hơn. 

"Hiện nay, chúng ta nhìn thấy có vẻ chậm lại nhưng thực tế không chậm, đang trong quá trình kiện toàn về cơ chế pháp lí, những bước cải cách, làm rõ thêm cách thức giá trị doanh nghiệp, thông lệ thị trường, quản trị của Chính phủ trong các DNNN.

Ngoài ra, quá trình định giá cũng đang được nghiên cứu, phù hợp với luật pháp.

Toàn bộ quá trình đổi mới, danh mục DNNN đang thực hiện một cách khẩn trương, kiên toàn", ông Hùng cho hay.

Về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đây là cơ quan mới được thành lập, một trong bước cải cách DNNN nhằm hạn chế bộ máy hành chính nhà nước vào quản lí.

Ủy ban hiện đang tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty, và có sức ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Tổng giá trị các doanh nghiệp khoảng 3,4 triệu tỉ đồng tương đương 150 tỉ USD. Cơ cấu phần lớn chủ yếu là hệ thống điện, lọc khí, lọc dầu, hệ thống viễn thông...

Ủy Ban cũng đang tiếp tục  triển khai cổ phần hoá một số doanh nghiệp lớn khác như VNPT, TKV, ông Hùng cho biết thêm.

Đề xuất doanh nghiệp niêm yết ngay sau IPO

Trước câu hỏi của đại diện quĩ đầu tư VinaCapital, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết thời gian qua, số lượng doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa tuy có chậm lại, nhưng chất lượng các doanh nghiệp đã cổ phần hóa đang tốt hơn. Minh chứng là các nhà đầu tư đầu tư vào giá trị lớn hơn.

Trên thực tế, ông Tiến nêu, trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng có những vẫn đề lớn như về đất đai, nên cần chậm lại rà soát làm cho đúng để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư và để họ biết họ có được những tài sản gì.

Các chính sách cổ phần hóa ban hành theo hướng công khai, minh bạch, theo hướng thị trường.

"Chúng ta sẽ phải tăng cường, nâng cao quản trị doanh nghiệp đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư. Thời gian vừa qua, chinh sách quy định chặt chẽ hơn, đảm bảo công khai minh bạch thông tin.

Khi cổ phần hóa, doanh nghiệp phải công khai, minh bạch thông tin. Kết quả về số lượng cổ phần hóa có chậm lại nhưng chất lượng có nhiều nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào.

Chúng tôi sẽ rà soát những doanh nghiệp có qui mô lớn như viễn Thông, dịch vụ, vận tải, dịch vụ, khai khoáng… bán với khối lượng lớn.

Chúng tôi sẽ áp dụng nhiều phương pháp định giá doanh nghiệp ví dụ phương pháp dựng sổ", đại diện Bộ Tài chính cho hay.

Sắp tới đây, khi Luật Chứng khoán sửa đổi thông qua thì khi IPO xong, doanh nghiệp sẽ phải tiến hành niêm yết luôn, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Mặc khác, Bộ tài chính đang thí điểm từ 2025 sẽ áp dụng chuẩn mực kiểm toán quốc tế cho doanh nghiệp lớn.

0-02-08-803c98ffb3a88dc876f6e71dc2db3d60042f072c9c80da7e95e78b8ee86c234d_4b4baf95

Diễn đàn M&A 2019. (Ảnh: Thu Hoài).

Gỡ thế khó cho nhà đầu tư ngoại tham gia cổ phần hóa

Ông Dominic Scriven thông tin hiện có khoảng vài trăm doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá vẫn chưa niêm yết. Tại đây, ông nhắc đến vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Đại diện SCIC, Phó Tổng Giám đốc Lê Song Lai, cho hay 12 năm hoạt động, Tổng công đã thoái vốn trên 900 doanh nghiệp, trung bình mỗi năm trên 70 doanh nghiệp, thu về cho Nhà nước hơn 47.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, hai năm gần đây, kết quả thoái vốn chậm lại, trong 6 tháng đầu năm 2019, mới thoái thành công 4 doanh nghiệp. 

Mặc dù đạt về chất lượng và số tiền thu cao hơn giá vốn, nhưng số lượng chưa đạt kế hoạch. Ông Lai lí giải, có nhiều nguyên nhân, bên cạnh sự chủ quan của doanh nghiệp còn có qui định thoái vôn thời gian qua.

Có những lí do như như qui trình đấu giá công khai, vai trò của các đơn vị tư vấn mờ nhạt, nhất là các thương vụ lớn.

Mặt khác, ông Lai nêu đơn cử về phương thức thoái vốn, hiện thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thường thực hiện gồm đấu giá công khai, nếu không thành công thì chào giá cạnh tranh, nếu không thành công nữa thì bán thoả thuận... Với quy trình đó, thì nhiều trường hợp vai trò của các công ty tư vấn, nhất là thương vụ lớn là rất khó.

 Quy trình này, nhiều trường hợp không phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất là giai đoạn rà soát đặc biệt doanh nghiệp. Vì nhà đầu tư bỏ nhiều tiền mà không được rà soát đặc biệt doanh nghiệp theo thông lệ đã làm trên thị trường phát triển, thì rất khó, trừ những nhà đầu tư đã quen với quy trình này.

"Tôi nghĩ là quy trình thoái vốn cần gần với thông lệ quốc tế, phù hợp điều kiện thị trường.

Về vấn đề định giá, vấn đề vướng đất đai không chỉ vướng ở cổ phần hóa mà vướng luôn ở xác định giá trị doanh nghiệp để thoái vốn sau cổ phần hóa.

Đối với nhiều quỹ đất không có giấy tờ hoàn chỉnh, thì có hợp đồng thuê đất, thậm chí hợp đồng đã hết hạn nhưng địa phương tiếp tục đồng ý cho sử dụng đất và có thể thu hồi bất cứ lúc nào. Trường hợp này, rất khó để định giá.

"Có doanh nghiệp nhà nước từ khi cổ phần hóa đến nay gần 15 năm, giấy tờ đất cũng chỉ có là hợp đồng thuê đất, biên lai thu tiền sử dụng đất... Giả định, doanh nghiệp nhà nước có đầy đủ giấy tờ pháp lý, thì giá trị thực tế sẽ cao hơn rất nhiều. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục rà soát và xử lý vấn đề này", ông Lai nhận định.

Đối với vấn đề nới room, theo ông Lai, khi công bố thông tin bán cổ phần thì không có bất kỳ hạn chế nào  đối với nước ngoài. Có những thông tin nhà đầu tư nước ngoài không được tham gia vì bị hạn chế sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. 

"Nếu họ tham gia được, thì cạnh tranh hơn, khả năng nguồn thu mang về cho Nhà nước tốt hơn. Do đó, cần làm sao cơ chế một mạch đảm bảo minh bạch, đáp ứng thông lệ nhà đầu tư", ông Lai nói.

Thu Hoài