Đề xuất đầu tư cao tốc Chơn Thành - Đắk Nông hơn 26.600 tỷ đồng
Mới đây, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC có báo cáo gửi Thủ tướng về phương án triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Chơn Thành – Đắk Nông theo phương thức PPP, theo Báo Đầu tư.
Mặc dù không cho biết rõ là có bỏ kinh phí lập đề xuất dự án hay không, nhưng theo đánh giá của SCIC việc lựa chọn hình thức nhà đầu tư tự đề xuất dự án có thể đẩy nhanh tiến độ bước chuẩn bị dự á.
SCIC lý giải là do tiết giảm được thời gian thực hiện thủ tục bố trí nguồn vốn cho công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi. Nhà đầu tư đề xuất dự án có thể không trúng thầu trong bước đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư.
Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền thực hiện bước chuẩn bị dự án, sau khi cơ quan có thẩm quyền không lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện Dự án thông qua đấu thầu rộng rãi, SCIC có thể tham gia đầu tư theo hình thức thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng giao bằng nguồn vốn do SCIC tự cân đối.
Để rút ngắn tiến độ triển khai nhằm sớm đưa dự án vào vận hành, SCIC đề xuất Bộ GTVT thực hiện bước “Khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án PPP” theo quy định tại Điều 25 - Nghị định 35/2021/NĐ-CP.
Trong trường hợp không có nhà đầu tư quan tâm thì Bộ GTVT có thể trình Thủ tướng thực hiện lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 40 - Luật PPP (trên cơ sở thẩm định của Bộ Kế hoạch và đầu tư).
Việc khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư có thể được thực hiện song song với quá trình lập dự án đầu tư (ngay sau khi chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt).
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Chơn Thành – Đắk Nông có điểm đầu tại vị trí giao Quốc lộ 14 với đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; điểm cuối tại ranh giới giữa xã Đắk Sin, huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông và xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Đắk Nông.
Hiện nay, tỉnh Bình Phước đã có ý kiến về việc điều chỉnh hướng tuyến, qua đó rút ngắn chiều dài đoạn tuyến qua tỉnh Bình Phước và giảm chi phí đầu tư cho đoạn tuyến cao tốc qua tỉnh Bình Phước từ 14.067 tỷ đồng xuống còn 11.750 tỷ đồng.
Theo phương án hướng tuyến do tỉnh Bình Phước đề xuất, tống mức đầu tư toàn Dự án giảm 1.917 tỷ đồng xuống còn 26.631 tỷ đồng.
Khi đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc này sẽ mở ra cơ hội giúp kết nối giao thông liên vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và TP HCM, tạo động lực để hai tỉnh phát triển nhanh, bền vững.