|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất đặt trạm thu phí vào nội đô đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối

07:53 | 19/07/2019
Chia sẻ
Trước khi triển khai, cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu kỹ tránh ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và gây xáo trộn cuộc sống người dân.

Việc Sở Giao thông-Vận tải TP HCM đề xuất xây dựng 34 trạm thu phí ô tô bao quanh khu vực trung tâm thành phố như quận 1, 3 và giáp ranh các quận 5, 10… đang dấy lên nhiều ý kiến khác nhau.

Theo Sở GT-VT TP HCM, đề xuất này dựa trên nghiên cứu từ năm 2009 của Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD). Theo nội dung đề xuất, địa điểm thu phí thuộc khu vực trung tâm thành phố gồm các quận 1, 3 và giáp ranh với quận 5, 10.

Vành đai thu phí sẽ gồm các tuyến đường Hoàng Sa dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao Cách Mạng Tháng 8; đường Ba Tháng Hai; Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ; Nguyễn Văn Cừ; Võ Văn Kiệt và Tôn Đức Thắng.

Đề xuất đặt trạm thu phí vào nội đô đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối - Ảnh 1.

.Đề xuất đặt trạm thu phí vào nội đô đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối

Dự án triển khai hệ thống thu phí trên một vành đai khép kín khu vực trung tâm và một số trục giao thông chính bên ngoài đang thường xuyên ùn tắc giao thông.

Trên vành đai này sẽ bao gồm 34 cổng thu phí đa làn không dừng và 1 trung tâm điều hành với nhiệm vụ kết nối với các cổng thu phí, xử lý thông tin và điều hành quản lý các hoạt động thu phí của hệ thống. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 250 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP trong giai đoạn 2019 - 2021.

Đây chỉ mới là đề xuất của Sở GTVT để xin chủ trương của UBND TP HCM. Sau khi UBND TP đồng ý mới tiến hành các bước tiếp theo, như nghiên cứu về số lượng trạm, mức phí, phạm vi ảnh hưởng, giải quyết giao thông nội vùng trong khu vực thu phí như thế nào, thời gian thu phí, chính sách liên quan như miễn, giảm…

Tiếp đến là phải trình HĐND TP thông qua rồi mới chính thức áp dụng.

Theo lý giải của ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý Khai thác hạ tầng, Sở GTVT TP HCM thì việc xây dựng hệ thống này sẽ giảm kẹt xe giờ cao điểm là từ 30% – 50%.

“Cần phải có một bên tư vấn độc lập và chi tiết cho dự án. Sau khi nghiên cứu, bên tư vấn sẽ đưa ra một số nội dung cụ thể, giúp cơ quan quản lý nhà nước định hướng trình HĐND, UBND thành phố”, ông Đường cho biết.

Chủ trương là vậy, nhưng khi vừa đề xuất đã gặp phải ý kiến phải đối của nhiều người dân, nhất là tài xế ô tô. Bởi theo họ, giải pháp xây dựng các trạm thu phí trên không thể nào giảm ùn tắc giao thông hay hạn chế các phương tiện vào khu trung tâm được. 

Trong lúc giao thông công cộng chưa đáp ứng được thì người dân vẫn sẽ sử dụng ô tô để đi vào bằng nhiều cách. Thậm chí sẽ có tình trạng đi các tuyến đường để né trạm, tạo thành các điểm ùn tắc mới.

Tài xế Trần Văn Ninh, ngụ Quận 10 cho rằng, việc lắp đặt các trạm thu phí sẽ tăng chi phí và thời gian di chuyển cho các phương tiện ô tô, nhất là các phương tiện phải di chuyển trong thành phố nhiều lần trong ngày.

“Tiền phí sẽ rất lớn trong khi thành phố có mật độ giao thông cao, nếu lắp tất cả các trạm thu phí sẽ không xuể. Muốn giảm ùn tắc quan trọng nhất vẫn là ý thức người tham gia giao thông”, anh Ninh cho hay.

Tài xế Nguyễn Anh Duy, ngụ Quận 3 cũng có những băn khoăn trước đề xuất này, bởi hiện tại đường thành phố hẹp, khi xây dựng thêm các trạm thu phí sẽ chiếm dụng thêm diện tích và làm tăng thêm chi phí cho người dân.

“Liệu dự án này có giải quyết được vấn đề kẹt xe hay lại làm tốc độ lưu thông đã chậm lại chậm hơn nữa? Giao thông thành phố hiện nay mới chỉ giải quyết được trên bề mặt mà không phải trọng tâm vấn đề”, anh Duy nêu ý kiến.

Theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia giao thông đô thị, trong lúc đề án thu phí còn nhiều điểm phải “bàn lại”, thì TP HCM nên tính toán kỹ. 

Bởi việc hạn chế phương tiện vào khu vực trung tâm là cần thiết, nhưng cần phải có giải pháp công nghệ phù hợp, đặc biệt là phải được áp dụng ở phạm vi không chỉ TP HCM mà còn ở các TP khác trong cả nước để tạo tính minh bạch, đồng bộ…trong quản lý.

 Trước mắt, TP HCM có thể áp dụng ngay giải pháp tăng phí đậu đỗ xe và thực hiện một cách nghiêm túc.

“Giải pháp đơn giản hơn và nên sử dụng trước là tăng phí giữ xe cho khu nội thành ngay trong vành đai, như thế sẽ hiệu quả và ít tốn kém hơn. Những đơn vị có cơ sở trong nội thành, các hãng taxi đã có bãi đậu xe miễn phí. Trước đây, TP cũng từng tăng phí giữ xe nhưng chưa có kế hoạch thực hiện bài bản”, KTS. Ngô Viết Nam Sơn nói.

Còn PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển nhận định, kẹt xe là bài toán quản lý đô thị, không phải do ô tô bên ngoài đi vào trung tâm. Khu trung tâm cứ mọc lên nhiều cao ốc, xe hơi bùng nổ đang giúp người dân dễ dàng sở hữu trong khi diện tích mặt đườngkhông tương ứng lại còn bị lấn chiếm… nên kẹt xe là tất yếu.

“Tại sao lại chặn chốt thu phí khi mà đường sá có sẵn từ lâu? Mức phí bao nhiêu thì vừa đủ? Với 1 người sở hữu ô tô thì việc chỉ bỏ ra vài chục nghìn để vào khu trung tâm giải quyết công việc là bình thường, khó có chuyện vì sợ tốn kém mà quay đầu…”, bà Tôn Nữ Quỳnh Trân đặt nhiều câu hỏi và cho rằng, sự đi lại trong đô thị giống như sự luân chuyển trên dòng sông, nếu chặn dòng chảy sẽ làm tổn thương đến nền kinh tế đô thị. 

Trong khi mặt đường vẫn bị lấn chiếm, lề đường cho người đi bộ không có nay lại bắt người dân trả tiền là không hợp lý.

Thu phí ô tô vào khu vực nội đô TP HCM vẫn còn là câu chuyện dài. Vấn đề này chỉ là một phần rất nhỏ trong nhiều giải pháp mà TP HCM đang thực hiện để hạn chế ùn tắc giao thông trong khu trung tâm. 

Tuy nhiên, trước khi triển khai áp dụng, cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và gây xáo trộn cuộc sống người dân.


Hà Khánh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.