Đề xuất áp thuế chống bán phá giá HRC: Khó hài hòa lợi ích
"Chống bán phá giá HRC Trung Quốc" là từ khoá khiến các doanh nghiệp ngành thép đang trở nên sốt sắng trong những ngày qua. Câu chuyện về chống bán phá giá được chia làm hai phía: nhà sản xuất mặt hàng HRC trong nước, ở đây là Hòa Phát và Formosa và bên còn lại là nhóm doanh nghiệp nhập khẩu HRC để sản xuất (cụ thể là nhóm tôn mạ, ống thép,...), xa hơn là nhóm người tiêu dùng các sản phẩm có nguyên liệu là HRC.
Nếu hiểu một cách đơn giản dưới góc độ thị trường, khi nhập được nguyên liệu giá rẻ, giá thành sản xuất của các mặt hàng đầu ra của các doanh nghiệp sẽ thấp và người tiêu dùng ưa thích điều đó. Tuy nhiên, với nhóm sản xuất HRC, cạnh tranh trực tiếp với mặt hàng nhập khẩu từ bên ngoài, đây lại là một thách thức rất lớn khi đối thủ của họ có những thế mạnh không thể chối cãi.
Trung Quốc, nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, chiếm tỷ trọng 54,4% sản lượng thép thô trên thế giới (của 71 quốc gia theo thống kê của Hiệp hội thép thế giới) với 81,2 triệu tấn trong tháng 2 và 158 triệu tấn trong hai tháng đầu năm. Đây cũng là nước xuất khẩu thép lớn nhất thế giới, riêng trong hai tháng đầu năm lượng thép xuất khẩu đạt hơn 15,9 triệu tấn, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 19/3, Tập đoàn Hòa Phát đã cùng với Formosa, hai doanh nghiệp sản xuất HRC trong nước, đã gửi hồ sơ đề xuất áp thuế chống bán phá giá với thép HRC từ Trung Quốc với lý do lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh.
"Rất nhiều doanh nghiệp thép của Trung Quốc thua lỗ trong năm ngoái, họ chấp nhận bán dưới giá thành để đưa được sản phẩm ra ngoài", đại diện Hòa Phát chia sẻ tại cuộc gặp mặt nhà đầu tư tại Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất mới đây.
Cũng tại sự kiện này, CEO Hòa Phát bày tỏ lo ngại rằng khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn dự báo có thể dẫn tới việc các doanh nghiệp thép nước này càng đẩy mạnh xuất khẩu, làm tăng mức cạnh tranh và ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của Hòa Phát.
Phản bác lại quan điểm của hai doanh nghiệp sản xuất HRC này, nhóm 7 doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép lớn của Việt Nam gửi văn bản lên Chính phủ và các cơ quan liên quan, cho rằng không hề có sự bán phá giá ở đây.
Theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá gồm (1) Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá tại Việt Nam và biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể; (2) Việc bán phá giá hàng hóa là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Trong văn bản nói trên, đại diện các doanh nghiệp cho rằng thép HRC nhập khẩu vào Việt Nam mặc dù có giá rẻ hơn so với hàng nội địa nhưng vẫn ở biên độ cho phép. Theo đó, biên độ phá giá hàng nhập khẩu từ Việt Nam trong năm 2023 khoảng 1,26%, thấp hơn mức 2% theo quy định của Luật Quản lý Ngoại Thương.
Đồng thời, thép HRC nhập khẩu không ảnh hưởng tới Hoà Phát và Formosa về lượng bán hàng. Bởi lượng bán hàng của các công ty vẫn tăng trưởng đều từ giai đoạn 2019-2023 và công suất sử dụng vẫn duy trì ở mức cao.
Chênh lệch giữa giá bán HRC của Formosa tại Việt Nam và giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong năm 2023
Tháng thực tế chốt giá |
Giá bán HRC của Formosa tại Việt Nam (USD/tấn) [1] |
Tháng trong dữ liệu Hải quan nhập khẩu |
Giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc (USD/tấn) [2] |
Chênh lệch (USD/tấn) [3] = [1] – [2] |
01/2023 |
633 |
03/2023 |
625 |
8 |
02/2023 |
686 |
04/2023 |
633 |
53 |
03/2023 |
725 |
05/2023 |
636 |
89 |
04/2023 |
639 |
06/2023 |
600 |
39 |
05/2023 |
621 |
07/2023 |
573 |
48 |
06/2023 |
579 |
08/2023 |
565 |
14 |
07/2023 |
587 |
09/2023 |
565 |
22 |
08/2023 |
593 |
10/2023 |
557 |
36 |
09/2023 |
583 |
11/2023 |
553 |
30 |
10/2023 |
558 |
12/2023 |
557 |
1 |
11/2023 |
589 |
01/2024 |
560 |
29 |
12/2023 |
618 |
02/2024 |
573 |
45 |
(Nguồn: Tổng Cục Hải quan, Formosa, văn bản kiến nghị của 7 doanh nghiệp thép)
Thực tế cũng cho thấy nguồn cung HRC trong nước không đủ đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp tôn mạ, nhu cầu nhập khẩu thép là hiện hữu. Dù hoạt động hết công suất, sản lượng tối đa của Hoà Phát và Formosa của chỉ đạt khoảng 8 triệu tấn/năm. Trong đó, hơn một nửa số này dùng cho xuất khẩu.
Điển hình như năm ngoái, sản lượng HRC thực tế khoảng 6,7 triệu tấn và bán hàng 6,8 triệu tấn. Trong đó, lượng xuất khẩu chiếm một nửa, tương đương 3,4 triệu tấn. Phần còn lại dành cho trong nước, trong đó có cả các công ty con sản xuất tôn mạ, ống thép trong hệ sinh thái của hai doanh nghiệp này.
Trong khi đó, nhu cầu ở thị trường nội địa bình quân khoảng 10 - 13 triệu tấn. Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép buộc phải nhập khẩu.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Hoa Sen, cho biết nguồn cung HRC trong nước không đủ. Các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép chủ yếu mua hàng từ Hoà Phát, Formosa để phục vụ cho hàng xuất khẩu đi các thị trường khó tính, nhạy cảm như Mỹ, EU, Mexico…. nhằm đảm bảo về quy tắc xuất xứ. Phần còn lại phải nhập từ nhiều nguồn khác nhau trong đó có hàng Trung Quốc.
“Nếu áp thuế nhập khẩu, mặt bằng giá HRC trong nước tăng lên kéo theo giá tôn mạ, ống thép cũng tăng nên không thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Với xuất khẩu, chi phí sản xuất tăng khiến giá bán khó cạnh tranh ở thị trường nước ngoài”, ông Thanh nói.
Ngoài ra, theo ông người tiêu dùng trong nước cũng sẽ chịu thiệt thòi khi chi phí xây dựng trở nên đắt đỏ hơn.
Khó có hài hoà lợi ích
“Hài hoà lợi ích” trong đề xuất nêu trên là điều khó đạt được khi HRC là nguyên liệu đầu vào để sản xuất tôn mạ, ống thép; nhưng lại là sản phẩm đầu ra của hai doanh nghiệp là Hoà Phát và Formosa.
Nói cách khác, nếu việc áp thuế này thực sự xảy ra thì các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép là người chịu thiệt vì chi phí sản xuất sẽ tăng lên. Trong khi ở phía Hoà Phát và Formosa là người được hưởng lợi. Còn nếu không áp thuế, lợi - thiệt có thể diễn biến theo chiều ngược lại.
Các doanh nghiệp tôn mạ còn lo ngại khả năng độc quyền và chi phối giá cả của Hoà Phát và Formosa khi đây là hai doanh nghiệp duy nhất sản xuất được HRC tại Việt Nam với thị phần gần 80% ngành HRC nội địa, chỉ khoảng 20% còn lại được cung cấp bởi các công ty thương mại nhập khẩu HRC và bán lại cho các công ty tôn mạ và ống thép.
“Hoà Phát và Formosa thường xuyên có những hành vi áp đặt giá bán, ấn định khối lượng mua tối đa cho khách hàng, hay còn gọi là mức trần sản lượng mà khách hàng có thể mua, hoàn toàn không có chuyện các công ty tôn mạ và ống thép được quyền mua HRC theo nhu cầu thực tế phát sinh”, các doanh nghiệp cho biết.
Để có kết luận về việc Trung Quốc có bán phá giá HRC hay không, các cơ quan chức năng phải thực hiện điều tra khá lâu, có thể phải mất hơn một năm. Trong đó, bên cạnh việc xem xét tác động đối với các doanh nghiệp sản xuất thép HRC, cũng sẽ tính đến tác động đối với các doanh nghiệp nhập khẩu.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Cục Phòng vệ Thương mại cho biết theo thông lệ, sau khi có văn bản thông báo về hồ sơ đầy đủ hợp lệ, các bên liên quan (bao gồm các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, nhà sản xuất trong nước và các bên liên quan khác) có thể gửi hồ sơ, lập luận và trình bày quan điểm về vụ việc cũng như cung cấp bất kỳ tài liệu hoặc chứng cứ nào khác mà các doanh nghiệp cho rằng liên quan đến vụ việc để Cục xem xét và xử lý.
Vì vậy, ý kiến của các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép và các doanh nghiệp nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu thép cuộn cán nóng nhập khẩu sẽ được cơ quan điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng trong quá trình phân tích, thẩm định chi tiết hồ sơ vụ việc này.
Trên cơ sở các ý kiến, bằng chứng của tất cả các bên liên quan Cơ quan điều tra sẽ có báo cáo thẩm đinh chi tiết hồ sơ vụ việc này để Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định điều tra hoặc không điều tra.
Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp - Thương mại cho rằng việc điều hoà thị trường là vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước. Một mặt có các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường trong nước, một mặt chống khả năng nhóm độc quyền, thao túng thị trường. Đây là một bài toán rất khó. Nhu cầu trong nước rất lớn và chúng ta vẫn phải đang nhập khẩu vì sản xuất không đủ.
Do đó, theo ông điểm cân bằng ở đây xảy ra khi hàng trong nước vừa đáp ứng đủ nhu cầu, vừa đảm bảo cạnh tranh về giá và chất lượng so với hàng nhập khẩu. Sau khi thúc đẩy sản xuất như vậy rồi cần tránh việc các nhóm nhà sản xuất độc quyền ép giá.
“Đây là bài toán thị trường mà cơ quan nhà nước phải đưa ra lời giải thích đáng”, ông nói.
Theo Tổng Cục hải quan, trong hai tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam hơn 2,6 triệu tấn, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, thép từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng tới gần 70%, tương đương 1,8 triệu tấn, trị giá hơn 1,1 tỷ USD. Con số này tăng đột biến so với 2 tháng đầu năm 2023, gấp 3 lần về lượng và 2,3 lần giá trị. Đây cũng là động lực chính khiến tổng lượng thép nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong hai tháng đầu năm.
Mặt hàng thép cuộn cán nóng chiếm phần lớn (khoảng 78%) trong cơ cấu chủng loại thép thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam trong hai tháng đầu năm. Tỷ trọng này trong năm 2023 là 73%.