|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Để tránh việc Nhà nước bị nhà đầu tư nước ngoài kiện

20:40 | 24/09/2017
Chia sẻ
Ngày 9/9/2017, Hội Luật quốc tế Việt Nam, Câu lạc bộ Luật sư thương mại và khoa Luật, Đại học Kinh tế TPHCM phối hợp tổ chức tọa đàm “Giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư giữa các pháp nhân và cá nhân nước ngoài với Nhà nước Việt Nam”.
de tranh viec nha nuoc bi nha dau tu nuoc ngoai kien
Trong hội nhập kinh tế, các tranh chấp đầu tư, thương mại là khó tránh khỏi. Cần có chiến lược tổng thể toàn diện để phòng ngừa các tranh chấp đầu tư. Ảnh: ANH QUÂN

Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Vũ Châu Quỳnh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã trình bày về các biện pháp phòng ngừa tranh chấp đầu tư với tư cách là hội viên Hội Luật quốc tế Việt Nam. TBKTSG xin trích giới thiệu bạn đọc:

Đến nay, chỉ có bốn vụ nhà đầu tư nước ngoài kiện Nhà nước ta (mà) có thông báo của trọng tài quốc tế nhưng những vướng mắc của nhà đầu tư nước ngoài thì có rất nhiều. Theo thống kê năm 2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có khoảng 72 vụ vướng mắc của nhà đầu tư. Hình thức thể hiện những vướng mắc này đa dạng. Đó không chỉ là những câu hỏi về các vấn đề pháp lý, mà còn ở dạng đơn kêu cứu, đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến nhiều cơ quan, từ Thủ tướng, Chủ tịch nước đến các cơ quan Đảng, cơ quan chuyên môn.

Các văn bản thể hiện sự vướng mắc này không tuân thủ một trình tự nào về thẩm quyền hay thời gian như quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo. Song, trên thực tế, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn phải giải quyết bởi lẽ nếu không kịp thời giải quyết thì những vướng mắc có thể bùng lên thành tranh chấp, khi đó chi phí đối với cả Nhà nước và nhà đầu tư sẽ rất lớn. Các cơ quan nhà nước đã tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành cấp cao, thành lập các tổ công tác liên ngành để giải quyết từng vụ việc cụ thể. Phòng ngừa tranh chấp đầu tư theo nghĩa hẹp

Hiểu theo phạm vi hẹp thì phòng ngừa tranh chấp đầu tư là giải quyết những vướng mắc cụ thể của nhà đầu tư để khi họ nêu vấn đề ra thì có cơ quan lắng nghe và giải quyết yêu cầu của họ, để họ không khởi kiện Nhà nước ra trọng tài quốc tế nữa.

Những việc cần phải làm trong giai đoạn phòng ngừa theo nghĩa hẹp này có thể gồm:

Thứ nhất là phát hiện vướng mắc và nhận diện vướng mắc. Nhiều khi cơ quan ở địa phương chưa được đào tạo và nắm bắt về những hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, những quy định của pháp luật quốc tế, nên chưa nhận thức được có vướng mắc xảy ra. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương nắm được vấn đề này nhưng không biết thông tin kịp thời, đầy đủ để xác định đó chính là vướng mắc. Chúng ta cần một hệ thống để thiết kế thế nào là vướng mắc có thể phát sinh thành tranh chấp.

Thứ hai là có quy trình cung cấp thông tin về các vướng mắc này để cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương nắm bắt kịp thời. Người cung cấp thông tin không chỉ là cơ quan nhà nước ở địa phương mà có thể là các nhà đầu tư. Có thể thực hiện việc này bằng cách gửi văn bản trực tiếp hoặc đưa ra hệ thống cảnh báo sớm.

Thứ ba, cần thiết kế một quy trình nhất quán để giải quyết những vướng mắc này. Bởi lẽ, hiện nay, nhà đầu tư vướng mắc về vấn đề nào đó ở một địa phương nhất định, liên quan đến đất đai chẳng hạn, họ thường “chạy” lên Chính phủ đầu tiên. Kế đến là gặp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gặp Bộ Tư pháp, rồi mới tới Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc địa phương. Nếu không có quy trình nhất quán, mỗi một cơ quan trả lời nhà đầu tư một cách khác nhau thì điều này hết sức bất lợi cho cả Nhà nước và nhà đầu tư. Trước hết nó không giải quyết được vụ việc cho nhà đầu tư. Thứ nữa, nó để lại nhiều bằng chứng mà khi tranh chấp phát sinh, có khả năng nhà đầu tư sử dụng bằng chứng đó - những lập luận, kết quả giải quyết vướng mắc của các cơ quan khác nhau một cách không thống nhất - để gây bất lợi cho Nhà nước.

Cũng cần nghiên cứu xem có cần thiết phải có một cơ quan đầu mối để giải quyết những vướng mắc của nhà đầu tư trước khi nó phát sinh thành tranh chấp hay không. Đây là vấn đề phải cân nhắc điều kiện thực tế (điều kiện nguồn lực và cơ cấu tổ chức của nhà nước).

Cuối cùng, cần đẩy mạnh các cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế như cơ chế hòa giải hoặc trung gian. Hiện nay ở Việt Nam chưa có cơ quan nào làm việc hòa giải hoặc trung gian giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước. Có thể có hòa giải thương mại theo nghị định về hòa giải thương mại nhưng hòa giải trong lĩnh vực đầu tư thì chưa có.

Phòng ngừa tranh chấp đầu tư theo nghĩa rộng

Phòng ngừa tranh chấp đầu tư theo nghĩa rộng thì cần phải làm tất cả những gì có thể để ngăn cản những vướng mắc nói chung của nhà đầu tư phát sinh thành tranh chấp.

Theo kinh nghiệm công tác của tôi thì có thể có những biện pháp sau:

Đầu tiên, cần có chiến lược tổng thể toàn diện để phòng ngừa các tranh chấp đầu tư. Chiến lược này không chỉ nhằm vào các vướng mắc cụ thể mà phải đi từ giai đoạn xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật cho đến giai đoạn tiếp theo.

Liên quan đến việc xây dựng pháp luật trong nước thì chúng ta cần đảm bảo sự tương thích giữa các luật với nhau, với các điều ước quốc tế và đảm bảo tính khả thi của pháp luật.

Đơn cử, theo quy định tại điều 64 của Luật Đất đai thì có một căn cứ thu hồi đất là người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành. Nhưng như thế nào là “không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước”? Nhà đầu tư đóng một phần tiền thuê đất, còn thiếu một phần thì có phải là không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước hay không? Ngoài ra, nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai cũng không có quy định nào về xử phạt vi phạm hành chính do không nộp tiền thuê đất, chẳng hạn. Chính vì thế, nếu Nhà nước muốn thu hồi đất dựa vào quy định trên cũng không thực hiện được vì điều kiện về xử phạt vi phạm hành chính là không thể thực hiện được.

Còn trong quá trình xem xét, đàm phán để tham gia các điều ước quốc tế thì chúng ta cần đưa ra những quy định (thỏa thuận riêng) về bảo vệ lợi ích công và những quy định để quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp về đầu tư được chặt chẽ, tránh những khiếu kiện vô lý...

Tiếp đến là giải quyết các vấn đề liên quan đến việc đàm phán và ký kết những hợp đồng giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Có nhiều loại hợp đồng, như dạng hợp đồng đối tác công tư (PPP) giữa Nhà nước và nhà đầu tư, dạng thỏa thuận về cam kết bảo lãnh của Chính phủ cho dự án lớn (GGU) hay các cam kết cụ thể của chính quyền địa phương với nhà đầu tư trong một số dự án đầu tư quan trọng. Hiện nay, ta chưa có chuẩn về các loại hợp đồng này. Trên thực tế, một số nước như Peru đã xây dựng được chuẩn đó. Cụ thể, các cơ quan nhà nước hoặc địa phương muốn ký hợp đồng với nhà đầu tư nước ngoài thì phải đăng ký vào cơ sở dữ liệu quốc gia về việc này. Điều khoản về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước địa phương phải làm theo mẫu của cơ quan nhà nước trung ương ban hành...

Lưu ý rằng, nếu chúng ta cân nhắc thành lập cơ quan đầu mối hay giao cho cơ quan nào đó giải quyết những vướng mắc của nhà đầu tư trước khi nó phát sinh thành tranh chấp thì cũng cần quy định thẩm quyền của cơ quan này đủ lớn để có thể trao đổi và điều phối được các địa phương.

de tranh viec nha nuoc bi nha dau tu nuoc ngoai kien 10 nước đầu tư nhiều nhất vào Mỹ

Văn phòng Phân tích Kinh Tế, cơ quan thuộc Bộ Thương mại Mỹ, vừa công bố danh sách các nước đầu tư trực tiếp nhiều ...

de tranh viec nha nuoc bi nha dau tu nuoc ngoai kien Tập đoàn Philippines muốn phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Đơn vị sản xuất điện của tập đoàn Ayala là AC Energy Holdings đang muốn xây các dự án năng lượng tái tạo với công ...

de tranh viec nha nuoc bi nha dau tu nuoc ngoai kien NĐT ngoại thường 'hào phóng' cho những thương vụ M&A lĩnh vực tài chính tại Việt Nam

Trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm, nhà đầu tư nước ngoài thường chấp nhận trả giá cao hơn so với giá trị sổ ...

N.L