|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Để thăng hoa trong công việc, nên để tâm tới màu trang phục

11:51 | 04/10/2017
Chia sẻ
Chọn màu trang phục là khâu quan trọng khi xây dựng thương hiệu cá nhân và tạo sự thăng hoa trong công việc. Chẳng hạn, đồng phục màu nâu khiến bạn trở nên đáng tin cậy.

John Spier, một giám đốc điều hành ngân hàng Covenant ở bang Pennsylvania (Mỹ) chán ngấy với hình ảnh “ông sếp tẻ nhạt”.

Vì thế, sau vài thập kỷ mặc áo vest kẻ sọc không bó và cà vạt với màu sắc ngẫu nhiên, Spier quyết định thực hiện “cuộc cách mạng về thời trang” để tạo ra sự thăng hoa trong công việc.

de thang hoa trong cong viec nen de tam toi mau trang phuc
Ông John Spier, giám đốc điều hành ngân hàng Covenant, bang Pennsylvania, Mỹ, cảm nhận rõ ảnh hưởng của màu sắc đối với bản thân. Ảnh: BBC

Với sự thay đổi tư tưởng ngoạn mục, Spier thuê Toi Sweeney, một chuyên gia về thời trang công sở, tư vấn về cách mặc. Chỉ trong một ngày, Spier bỏ toàn bộ quần, áo cũ để thay chúng bằng những cà vạt có màu ấm và một áo vest phù hợp hơn.

“Sweeney vừa giữ diện mạo chuyên nghiệp mà tôi muốn, nhưng không khiến tôi giống như một ông chủ tẻ nhạt”, Spier kể.

Từ một nhà quản trị hiếm khi nghĩ về những trang phục, Spier trở thành một người thích đeo những cà vạt sặc sỡ.

Điều quan trọng hơn là sự thay đổi tư duy thời trang khiến ông cảm thấy tự tin hơn.

Có lẽ câu châm ngôn “Bạn chỉ có một cơ hội để tạo ấn tượng ban đầu” thể hiện đúng nhất trong môi trường công việc, nơi các nhà quản lý thể hiện cả uy quyền lẫn sự thân thiện. Đa số “sếp” muốn có hình ảnh chuyên nghiệp, nhưng phải nổi bật trong đám đông.

Sweeney tin rằng phong cách thời trang riêng của từng cá nhân tạo nên ấn tượng của chúng ta trong tâm trí người khác.

Theo một nghiên cứu của Đại học Princeton (Mỹ), khi chúng ta thấy một gương mặt mới, não quyết định người đó hấp dẫn và đáng tin hay không trong 1/10 giây.

de thang hoa trong cong viec nen de tam toi mau trang phuc
Mỗi màu sắc sẽ tác động khác nhau tới cảm nhận của người xung quanh về tính cách của bạn. Ảnh: istock.com

Màu sắc quần, áo chúng ta mặc cũng tạo nên tác động lớn đối với cảm nhận của người xung quanh về chúng ta. Chẳng hạn, bà nói đỏ là màu “quyền lực”, thể hiện sự tự tin và khả năng lãnh đạo. Trong khi đó, màu xanh dương tượng trưng cho sự tin cậy và hòa nhã.

Màu đen khiến người mặc trở nên uy quyền và bí ẩn, nhưng Sweeney khuyên chúng ta phối màu đen với nhiều màu khác. Nam giới có thể để khăn mùi xoa sáng màu trong túi áo vest, phụ nữ nên mang theo túi xách có màu sặc sỡ để trở nên nổi bật.

Chúng ta không nên coi thường màu nâu, bởi chúng ta thường cảm thấy người mặc trang phục nâu đáng tin cậy.

Kara Kurylowicz, một nhà báo chuyên viết về doanh nghiệp ở Toronton (Canada), từng thuê một chuyên gia tư vấn thời trang năm ngoái để “hiện đại hóa” diện mạo của bản thân.

“Tôi từng nghĩ mọi thứ mà tôi có đều ổn. Nhưng nhà tư vấn tới nhà, ngó tủ và vứt 80% quần, áo của tôi”, Kurylowicz kể.

Vốn chỉ thích màu đen và trắng, Kuryllowicz quyết định mặc thêm nhiều màu khác.

“Hiện tại tôi cũng đeo nữ trang nhiều màu sắc và tôi cảm thấy rất thoải mái, tự tin khi đeo chúng”, cô tâm sự.

Sự hiện diện của nhiều màu sắc trên trang phục và nữ trang khiến Kuryllowic cảm thấy chuyên nghiệp và tự tin hơn.

“Phong cách mới giúp tôi có nhiều việc để làm hơn”, cô khẳng định.

Những người hoài nghi có thể đặt câu hỏi: “Liệu màu sắc có thể tạo ra sự khác biệt trong môi trường làm việc không?”. Hàng loạt nghiên cứu chứng minh màu sắc có thể tác động tới cảm nhận của con người.

Trong một bài báo trên Tạp chí Tâm lý Xã hội châu Âu trong năm nay, các nhà khoa học cho biết, những người mặc màu đỏ luôn cảm thấy bản thân họ hấp dẫn hơn so với khi họ mặc màu xanh dương.

Một nghiên cứu khác, được công bố trên Tạp chí Tâm lý Xã hội Thực nghiệm, khẳng định rằng những người mặc áo khoác trắng làm các bài kiểm tra tốt hơn so với những người mặc áo khoác màu khác.

“Quần, áo mà bạn mặc tác động tới tâm trạng và giúp bạn xây dựng sự tự tin. Mặc trang phục ấn tượng hơn một chút so với người xung quanh là việc chúng ta nên thực hiện”, Sweeney bình luận.

Chí Phong/BBC