|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề nghị sửa, hủy bỏ 154 văn bản gây thất thoát tiền Nhà nước

07:28 | 08/01/2020
Chia sẻ
Năm 2019, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 154 văn bản nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, hạn chế thất thoát, lãng phí.

Kiểm toán nhà nước cho biết năm 2019 cơ quan này đã thực hiện 212 cuộc kiểm toán.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến 31/12/2019, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 72.837 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách 10.276 tỷ đồng, giảm chi 16.829 tỷ đồng, kiến nghị khác là 45.732 tỷ đồng.

Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 154 văn bản, trong đó bao gồm 9 nghị định, 24 thông tư, 9 nghị quyết, 40 quyết định và 72 văn bản khác, nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, hạn chế thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân.

Đề nghị sửa, hủy bỏ 154 văn bản gây thất thoát tiền Nhà nước - Ảnh 1.

Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm TP.HCM nằm trong kế hoạch kiểm toán 2020 của Kiểm toán Nhà nước

“Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, như: Thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập, bệnh viện công lập; thực hiện hợp đồng BT, BOT; cơ chế quản lý, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, tổ chức tín dụng,... ” - Tổng Kiểm toán Nhà nước cho hay.

Ngoài ra, KTNN đã chủ động gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các đại biểu Quốc hội ý kiến đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2019, dự toán 2020 và phân bổ ngân sách TƯ năm 2020 để Quốc hội xem xét, quyết định.

Năm 2019, KTNN cũng cung cấp 82 Báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra TƯ, Ban Nội chính,... đồng thời, chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về kết quả thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán, đến 31/12/2019 các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện 63.102 tỷ đồng/92.499 tỷ đồng, đạt 70,4%; đã thay thế, hủy bỏ 19 văn; xử lý trách nhiệm 29 tập thể và cá nhân theo quy định.

Năm 2020, KTNN sẽ tổ chức 158 cuộc kiểm toán. Ngoài kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước tại Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, KTNN sẽ kiểm toán 16 Bộ, cơ quan TƯ và 40 tỉnh, thành; 9 cuộc kiểm toán hoạt động; 21 cuộc kiểm toán chuyên đề; 40 dự án đầu tư xây dựng; 16 cuộc kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 9 cuộc kiểm toán lĩnh vực quốc phòng an ninh và 6 cuộc kiểm toán lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng.

Trong đó, có những cuộc kiểm toán quan trọng như 9 cuộc kiểm toán hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường; 40 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như: Các dự án BT thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm TP.HCM; đầu tư xây dựng đường vành đai II, III TP. Hà Nội; các tuyến đường trên tuyến Quốc lộ 1A; tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020,...

Ngoài ra, năm 2020, KTNN đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc ứng xử, Quy chế làm việc,... xử lý nghiêm những cá nhân và người liên quan nếu xảy ra sai phạm, nhất là tăng cường rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng “tham nhũng vặt”, sách nhiễu, gây khó khăn cho đơn vị được kiểm toán, bỏ sót, cố tình làm sai lệch hoặc giảm bớt kết quả kiểm toán.

Ngọc Hà