|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đề nghị giao toàn bộ doanh nghiệp nhà nước thuộc TP HCM cho HFIC

08:51 | 10/03/2017
Chia sẻ
TP HCM kiến nghị Chính phủ cho phép Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố tiếp tục được thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và nhận chuyển giao toàn bộ doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc cho HFIC.

Nội dung trên được ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP HCM nêu ra tại hội nghị tổng kết thí điểm thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và phương hướng hoạt động trong giai đoạn tiếp theo của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM - HFIC chiều 9/3.

Ông Tuyến cho biết, HFIC là doanh nghiệp đặc thù duy nhất hiện nay vừa là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời là định chế tài chính thực hiện huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển phù hợp với thực tiễn của TP HCM.

Sau 4 năm thực hiện thí điểm (tháng 8/2012), HFIC đã tiếp nhận 8 doanh nghiệp do TP HCM chuyển giao, quy mô vốn chủ sở hữu của công ty này tăng từ 3.671 tỷ đồng lên trên 8.000 tỷ. Đây là đơn vị hoạt động hiệu quả nhất trong hệ thống các quỹ đầu tư phát triển địa phương trên toàn quốc với số vốn điều lệ chiếm 28%, vốn huy động đạt hơn 55%, dư nợ cho vay bình quân của HFIC giai đoạn 2010 - 2016 đạt hơn 5.000 tỷ đồng, thu hút được nguồn vốn quốc tế từ các tổ chức tài chính uy tín như Ngân hàng thế giới…

Ngoài ra, HFIC đã tích cực thực hiện công tác cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước đảm bảo đúng mục tiêu và tiến độ được giao, làm tốt nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, HFIC nhận được sự đánh giá cao của Bộ kế hoạch và Đầu tư , Bộ Tài chính về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, quản lý vốn nhà nước và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

"Từ các kết quả đạt được, Thành phố đề nghị Chính phủ cho phép HFIC tiếp tục thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và chấp nhận việc chuyển giao toàn bộ doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc UBND TP HCM cho HFIC", ông Tuyến nói và cho biết, điều này nhằm quy tụ và tập trung nguồn lực để công ty nâng cao năng lực huy động và có thêm tiềm lực thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm mà thành phần kinh tế khác không làm được, cũng như tài trợ cho chương trình mục tiêu của thành phố.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông cho biết, việc quản lý vốn nhà nước phải theo đúng chuẩn mực của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Ảnh: Lệ Chi.

Ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc HFIC cho biết, theo phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước thuộc TP HCM, dự kiến giai đoạn 2016-2018, Thành phố sẽ sắp xếp đổi mới và cổ phần hóa 60 doanh nghiệp trực thuộc UBND TP HCM với tổng số vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa là 45.011 tỷ đồng.

Do đó, nếu triển khai phương án chuyển giao các doanh nghiệp về HFIC trước cổ phần hóa sẽ tạo điều kiện cho công ty này bổ sung nguồn thu từ cổ phần hóa đủ lớn để nâng cao năng lực tài chính và năng lực huy động vốn, từ đó đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng TP HCM trong thời gian tới.

Đại diện HFIC cũng cho biết, giai đoạn 2010 - 2016, hoạt động của công ty rất khả quan khi tổng doanh thu thực hiện của toàn hệ thống đạt hơn 38.131 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 72% một năm, doanh thu bình quân mỗi năm đạt hơn 5.400 tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu Công ty mẹ giai đoạn 2010 - 2016 là hơn 6.000 tỷ.

Ngoài ra, tổng lợi nhuận đạt 8.867 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 42% một năm, bình quân lợi nhuận trước thuế mỗi năm đạt 1.267 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách giai đoạn này đạt 12.071 tỷ đồng, bình quân nộp ngân sách mỗi năm hơn 1.724 tỷ.

Tuy nhiên liên quan đến định hướng phát triển HFIC trong giai đoạn tiếp theo vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, so với kỳ vọng thì HFIC còn hạn chế do bị trói buộc bởi cơ chế. Do vậy, bên cạnh kiến nghị ban hành nghị định riêng cho công ty này thì cần có cơ chế sao cho giải quyết được những vướng mắc hiện nay.

Ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng ban đổi mới doanh nghiệp Trung ương cũng cho rằng cần làm rõ việc quản lý các nguồn thu từ cổ phần hóa và tiếp nhận các doanh nghiệp từ TP HCM chuyển về dự kiến bao nhiêu, kế hoạch sử dụng thế nào…

Trước những vấn đề trên, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông cho biết, việc quản lý vốn nhà nước phải theo đúng chuẩn mực của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), quan trọng nhất là phải công khai minh bạch. Đồng thời, theo ông Đông nên sớm có nghị định hướng dẫn cho HFIC, còn những vấn đề vượt thẩm quyền thì đặt qua một bên rồi xin cơ chế riêng để xử lý.

“Thành phố mà bị ràng buộc bởi chiếc áo quá chật thì sẽ rất khó phát triển. Mà đầu tàu bị hãm phanh bởi trở lực do cơ chế đặt ra thì không nên. Tôi ủng hộ cơ chế riêng đột phá cho TP HCM, trong đó có cơ chế huy động vốn”, ông Đông khẳng định, đồng thời lưu ý HFIC không thể lớn mãi theo cách đi kinh doanh mà tư tưởng là chỉ nên tham gia vào những ngành, lĩnh vực mang tính đột phá, kiến tạo, dẫn dắt và khu vực tư nhân không làm được.

Tiền thân của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM - HFIC 100% vốn nhà nước là Quỹ đầu tư phát triển đô thị TP HCM. Tháng 8/2012, UBND Thành phố phê duyệt phương án thí điểm chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của công ty.

Lệ Chi