Đầu tư gần 1.500 tỷ đồng xây nhà máy sản xuất gỗ ván ép tại Hà Tĩnh
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh dự buổi lễ và phát lệnh khởi công.
Nhà máy sản xuất gỗ ván ép MDF, HDF giai đoạn 1 có công suất 120.000 m3/năm và gỗ ván thanh công suất 2.400 m3/năm, tổng vốn đầu tư 1.441 tỷ đồng.
Dự án được thực hiện trên diện tích 18ha. Dây chuyền chính của Nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, tự động hóa ở mức cao, nhằm bảo đảm sản xuất sản phẩm đạt chất lượng cao, giá thành hợp lý, đáp ứng các chỉ tiêu về môi trường theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, tiết kiệm tối đa nguyên liệu, nhiên liệu, điện năng.
Dự kiến Nhà máy sẽ đi vào sản xuất vào quý 4/2019.
Dự án nhằm phát huy lợi thế và khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu phía Tây Hà Tĩnh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lâm sản cho người dân trong vùng.
Đồng thời, phù hợp với Quy hoạch phát triển rừng sản xuất phục vụ chế biến lâm sản tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, đó là khai thác tối đa tiềm năng lợi thế về rừng, đất rừng sản xuất cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn và miền núi; tăng giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa lâm nghiệp, góp phần tăng nguồn thu ngân sách tỉnh, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế lâm nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu và xuất khẩu lâm sản.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đề nghị các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân huyện Vũ Quang chủ động phối hợp với nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch triển khai xây dựng; kịp thời tham mưu, xử lý các thủ tục liên quan nhanh chóng theo đúng quy định, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để nhà đầu tư thực hiện dự án.
Ủy ban Nhân dân huyện Vũ Quang tạo mọi điều kiện cho dự án triển khai thuận lợi, đề xuất với nhà đầu tư phương án tuyển dụng lao động trên địa bàn để đào tạo phục vụ dự án.
Ông Đặng Quốc Khánh cũng yêu cầu nhà đầu tư đề cao trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các hạng mục công trình theo quy hoạch được duyệt, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào hoạt động. Khi dự án hoạt động, phải làm tốt việc liên kết với người dân, đặc biệt là liên kết trồng rừng sản xuất.
Theo ông Khánh, dự án phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư và ưu tiên sử dụng lao động địa phương, đặc biệt là người dân vùng dự án.
Công ty cổ phần gỗ MDF Thanh Thành Đạt thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Thành Đạt, một doanh nghiệp kinh tế tư nhân, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó tập trung vào sản xuất, chế biến các sản phẩm gỗ từ rừng trồng.
Sau 14 năm hoạt động, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Thành Đạt đã đầu tư và quản lý 25 nhà máy, đơn vị trực thuộc từ Hòa Bình tới Thừa Thiên Huế với 2.500 cán bộ, công nhân viên, doanh thu năm 2015 đạt 2.160 tỷ đồng./.