|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đâu là yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản Đông Nam Á sau đại dịch?

12:12 | 24/10/2021
Chia sẻ
Thị trường bất động sản ở Đông Nam Á, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, được kỳ vọng phục hồi trở lại khi các quốc gia trên thế giới dần mở cửa trong những tháng tới. Các nhà phân tích và đầu tư tin rằng tỷ lệ dân số trẻ sẽ là động lực chính thúc đẩy đà phục hồi tại khu vực này.
Đâu là yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản Đông Nam Á sau đại dịch? - Ảnh 1.

Các nhà phát triển đang đặt cược vào dân số trẻ của các quốc gia để thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bất động sản. (Ảnh: AP).

Dữ liệu từ Knight Frank cho biết, giá thuê văn phòng trên khắp Đông Nam Á giảm 8%-10% trong quý đầu năm, trong khi giá nhà hạng sang vẫn giữ nguyên. Còn tại Châu Á-Thái Bình Dương, giá thuê văn phòng giảm 7% trong khi giá bất động sản hạng sang tăng trung bình 6%.

Christine Li, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Knight Frank cho biết thêm: "Với những thiệt hại do đại dịch gây ra, Đông Nam Á (trừ Singapore) bây giờ không còn được xem là một điểm đến đầu tư khả dĩ. Tuy nhiên, dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa bền vững và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng là những yếu tố cơ bản sẽ kéo dài đến sau đại dịch".

10 quốc gia Đông Nam Á thuộc khối ASEAN đã chứng kiến dân số tăng gần gấp đôi, từ 355,3 triệu người ở năm 1980 lên 656 triệu người vào năm 2019. Hơn một nửa dân số của khối ASEAN sẽ ở độ tuổi từ 34 trở xuống vào năm 2030, theo báo cáo của United Overseas Bank.

Tổng sản lượng kinh tế của ASEAN đạt 3.200 tỷ USD vào năm 2019, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Ông Henry Chin, Trưởng bộ phận nghiên cứu của CBRE khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đánh giá, những yếu tố nền tảng tích cực này mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư, bao gồm cả người Trung Quốc và Hong Kong.

Chuyên gia này nhận định: "Đông Nam Á sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược sản xuất Trung Quốc+1 của nhiều công ty trong tương lai". Ông đề cập đến nhu cầu của các doanh nghiệp phải đa dạng hóa sang các quốc gia khác để đề phòng các bất trắc như đại dịch và khủng hoảng thiếu điện.

"Vị trí địa lý gần Trung Quốc cũng giúp khối ASEAN trở thành thỏi nam châm thu hút các doanh nghiệp và nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, với mục tiêu thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Đông Nam Á thông qua phát triển cơ sở hạ tầng và bất động sản", ông Henry cho biết.

Mitbana, liên doanh giữa tập đoàn Mitsubishi và Surbana Jurong của Nhật Bản, đang đặt cược vào những yếu tố cơ bản này khi có kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào khu vực ASEAN trong 5 năm tới.

Ông Gareth Wong, Giám đốc điều hành của Mitbana chia sẻ: "Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia, Việt Nam và Philippines là những thị trường trọng tâm của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng hơn 50% dân số của họ là thế hệ thiên niên kỷ và thế hệ Z, vì vậy nhu cầu phát triển đô thị ngày càng tăng."

Ông Wong cho biết, công ty của ông sẽ bắt đầu xây dựng dự án đầu tiên trong năm tới ngân sách 150 triệu USD và tiến độ dự án kéo dài từ 5 đến 7 năm, giai đoạn 1 của dự án sẽ cung cấp khoảng 1.000 căn nhà.

Trong khi đó, tại Singapore, Chính phủ đã giao một khu đất rộng 7.817 m2 gần Vịnh Marina cho công ty IOI Properties. IOI đã đệ trình giá thầu 1,5 tỷ SGD (1,1 tỷ USD) cho khu đất này và dự kiến phát triển dự án gồm 905 căn nhà, 540 phòng khách sạn và 2.000 m2 không gian thương mại.

Theo ông Wong Xian Yang, Trưởng bộ phận nghiên cứu của Cushman & Wakefield tại Singapore, với vai trò là trung tâm tài chính của Đông Nam Á, Singapore có thể sẽ được hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại của nền kinh tế toàn cầu, nhất là thị trường bán lẻ và khách sạn.

"Khi các biện pháp hạn chế đi lại dần được nới lỏng và số lượng khách du lịch tăng lên, thị trường khách sạn sẽ có khả năng bật tăng mạnh nhất", ông Wong Xian Yang nhận định.

Ngọc Anh