|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đâu là ‘kẻ thù’ của thị trường chứng khoán trong bối cảnh hiện tại?

07:00 | 06/12/2022
Chia sẻ
Kinh tế trưởng của CTCP Chứng khoán SSI cho rằng thị trường chứng khoán hoạt động theo cơ chế thị trường và sẽ biến động theo những quy luật của nó. Do vậy “kẻ thù của thị trường” hay “kẻ thù của mỗi nhà đầu tư” là việc cố gắng dự đoán những quy luật của thị trường mà không tính đến những thay đổi đã, đang và sẽ xảy ra trong tương lai.

(Ảnh chụp màn hình).

Thị trường chứng khoán gần đây chứng kiến một vài "cơn địa chấn", khi tin tức về các doanh nghiệp lớn liên tục bị buộc bán giải chấp do giá cổ phiếu lao dốc. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng các mã đang biến động như NVL, PDR,... sớm được "giải cứu", tạo niềm tin cho đà hồi phục của thị trường.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang gặp nhiều yếu tố khó khăn "dồn ép", nhiều nhà đầu tư vẫn loay hoay tìm cách giải cứu tài khoản của mình.

Tại chương trình “Bí mật đồng tiền” của VTV Digital, ông Trần Tiến Dũng, nhà đầu tư có hơn 20 năm “bám sàn” đánh giá nhịp giảm nửa đầu tháng 11 của thị trường vượt ngoài dự báo và khả năng tính toán từ trước. Tuy nhiên, cú chỉnh sâu lần này cũng mở ra cơ hội lớn cho tương lai khi mà các cổ phiếu từ đáy đã "lầm lũi" đi lên 40 - 50% từ vùng đáy ngắn hạn. Thời điểm hiện tại, ông Dũng lạc quan cho rằng vẫn còn tương đối nhiều cơ hội khi xu hướng của thị trường là tăng điểm.

Chia sẻ về chiến lược giao dịch trong bối cảnh hiện tại, ông Phạm Lưu Hưng, cho rằng điều quan trọng là nhà đầu tư cần phải biết mình đang làm gì, chứ không nên vội vàng bắt đáy.

“Không riêng gì một mã cụ thể như NVL, với bất cứ cổ phiếu nào chúng ta cần biết tại sao lại bắt đáy. Nếu không có bất cứ thông tin gì hỗ trợ cho đà tăng giá của cổ phiếu thì việc mua vào chỉ giống như nhìn thấy cổ phiếu rơi và đoán rằng trời không thể mưa mãi và kiểu gì cũng có ngày nắng. Với lối suy nghĩ như vậy nhà đầu tư sau đó tiếp tục thua lỗ là chuyện bình thường”, chuyên gia nhấn mạnh.

Kinh tế trưởng của CTCP Chứng khoán SSI cho rằng thị trường chứng khoán hoạt động theo cơ chế thị trường và sẽ biến động theo những quy luật của nó, và nhiều khi những quy luật đó có sự biến đổi theo thời gian.

Do vậy “kẻ thù của thị trường” hay “kẻ thù của mỗi nhà đầu tư” là việc cố gắng dự đoán những quy luật của thị trường mà không tính đến những thay đổi đã, đang và sẽ xảy ra trong tương lai. Từ đó khiến cho những dự đoán của chúng ta thường không đúng lắm.

Chuyên gia dẫn chứng, khi bàn đến làn sóng bán giải chấp cổ phiếu của chủ doanh nghiệp lớn trong thời gian gần đây, nhà đầu tư thường có thái độ gay gắt, nhưng nếu đứng vào vị trí của họ thì ta mới hiểu được nhiều vấn đề.

“Thời gian này nếu nhìn thấy giá cổ phiếu giảm thì ngay lập tức nhà đầu tư sẽ đổ lỗi và kêu ca rằng tại sao chủ doanh nghiệp không mua lại cổ phiếu, tại sao họ không đỡ giá mà để giảm sâu như vậy. Nhưng chúng ta tính toán nhầm ở chỗ nếu đứng vào vị trí của một chủ doanh nghiệp bất kỳ, khi đứng giữa việc ưu tiên xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu và cổ phiếu, thì giải cứu trái phiếu sẽ là lựa chọn tiên quyết.

Cổ phiếu điều chỉnh thì có thể từ từ hồi phục sau đó, và khi giá cổ phiếu xuống cũng không ảnh hưởng ngay đến doanh nghiệp. Nhưng nếu trái phiếu có vấn đề, trong trường hợp vỡ nợ hay biến thành nợ xấu ở ngân hàng thì đó là rủi ro rất lớn của doanh nghiệp.

Vì vậy nếu tôi là một chủ doanh nghiệp, lựa chọn của tôi luôn luôn sẽ là xử lý các vấn đề thanh khoản liên quan đến trái phiếu trước, còn cổ phiếu sẽ giải quyết sau. Nếu chúng ta không đứng ở vị trí của chủ doanh nghiệp mà nhìn với góc nhìn nhà đầu tư trên thị trường và luôn nghĩ họ phải cứu cổ phiếu của chúng ta trước thì đó là dự đoán chủ quan mà không tính đến vấn đề của bản thân doanh nghiệp”, ông Hưng chia sẻ.

Thu Thảo

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.