Đau đầu giải ngân vốn đầu tư công
Tuyến Metro TP Hồ Chí Minh chậm tiến độẢnh: PV
Thậm chí có những dự án như sân bay Long Thành tiền đã trong “kho” nhưng giải ngân hết sức chậm, dẫn đến năm 2020 khó có thể khởi công.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Việc giải ngân vốn đầu tư công đang là vấn đề “rất đau đầu cho cả Chính phủ và Quốc hội”. Nguyên nhân do vướng cả thể chế và tổ chức thực hiện. Ví dụ dự án đường sắt Metro tuyến số 1 ở TPHCM, sau khi điều chỉnh, tổng mức đầu tư cao hơn rất nhiều.
Do có nhiều việc rất lớn nên việc điều chỉnh phải rất thận trọng. Tương tự là dự án Sân bay Long Thành, dù Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt nhưng tiến độ giải ngân cũng đang rất chậm.
Được giao triển khai hàng loạt các dự án, công trình trọng điểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nói gặp rất nhiều vướng mắc do một số luật chưa thống nhất, chồng chéo, có dự án mất 3 năm mới xong khâu thủ tục.
Ông Thể đề nghị cần phải đổi mới, hoàn thiện các quy định của pháp luật để rút ngắn thời gian “thủ tục” thực hiện các dự án đầu tư xây dựng.
Ông Thể cho biết, dự án Sân bay Long Thành đã giao cho Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) lập dự án đầu tư. Do liên quan đến nhiều vấn đề nên dự án này chỉ đấu thầu trong nước. Song sẽ rất hiếm doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện tham gia đấu thầu, ngoại trừ ACV.
“Như vậy, nếu tổ chức đấu thầu, chúng ta sẽ mất một năm chuẩn bị để rồi cuối cùng cũng chỉ chọn được ACV, vì không ai cạnh tranh được, không ai qua yêu cầu “hồ sơ kinh nghiệm”. Nếu Quốc hội đồng ý giao cho ACV thực hiện dự án này sẽ rút ngắn thời gian thực hiện đến một năm”, Bộ trưởng Thể nói.
Tương tự đối với dự án đường bộ Cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, cũng mất nhiều năm để thực hiện khâu “thủ tục”. “Hiện bộ đã phát hành hồ sơ và đến nay đã có khoảng 30 doanh nghiệp trong nước tham gia. Hy vọng có thể thu hút được 50-60 nhà đầu tư. Như vậy, sớm nhất tháng 8/2020 mới có thể khởi công”, ông Thể cho biết.
Cùng chung mối quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, để tránh nguy cơ thiếu điện tăng trưởng điện năng mỗi năm phải khoảng trên 11%. Tuy nhiên từ 2016, hàng loạt dự án điện chậm tiến độ. Lý do là do chậm đổi mới về thể chế, pháp luật, không tạo điều kiện thu hút đầu tư.
Nhiều khu vực do yếu tố môi trường và các yếu tố khác về xã hội nên không triển khai được các hoạt động đầu tư điện.
Chiều 22/10, thảo luận tổ về việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: hiện nay một số quy định giữa các luật còn chồng chéo, không thống nhất nên đã gây khó khăn cho công tác triển khai trong thực tiễn.
Đơn cử như vấn đề đất đai, đang có câu chuyện phải có tiền giải phóng mặt bằng mới có đất sạch. Có đất sạch mới thu hồi, bán đấu giá. Thế nhưng, Luật Đấu thầu lại không quy định phải có ngân sách để quyết các vấn đề đất đai.
Thực tế trên đã gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng, nhất là năm 2020 hứa hẹn có nhiều dự án đầu tư. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải xem xét, thống nhất lại một số quy định giữa Luật Đấu thầu với Luật Đất đai để phủ hợp với thực tiễn phát sinh.
Từ thực tiễn công tác giám sát, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng các địa phương cũng phải xem xét lại cách điều hành, nhất là trong việc giải ngân. “Chúng tôi đi giám sát Dự án Sân bay Long Thành thấy đến nay tiêu được 1% vốn giao năm 2019. Có nghĩa là 7.000 tỷ đồng vẫn nằm trong kho, thế thì 2020 làm sao mà khởi công được”, ông Kiên nói.
Tiêu cực thi cử: Nhiều cán bộ không còn liêm sỉ
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nhận xét, việc quản lý quy hoạch, đô thị bất cập nên nhiều vấn đề phát sinh không kiểm soát được, từ chuyện nước biển dâng ngập ở TPHCM cho đến ô nhiễm không khí báo động tại Hà Nội. “Cứ ô nhiễm môi trường ở đô thị, ô nhiễm cả không khí, nguồn nước như vừa qua là người dân chịu đủ”, ông Thưởng phát biểu.
Nhắc đến vụ nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Đặng Quốc Khánh cho rằng cần quan tâm đến phản xạ trong các sự cố môi trường. “Ô nhiễm nước sạch làm đảo lộn cuộc sống của mấy triệu dân Hà Nội nhưng phản ứng, xử lý, đảm bảo cuộc sống cho dân thì cần xem lại” ông Khánh nói.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) không an tâm khi dấu hiệu đạo đức của công chức đang rất đáng báo động. “Có những người ra toà mà không còn liêm sỉ. Điều này đánh mất niềm tin của nhân dân”, bà Phong Lan nhắc tới diễn biến phiên tòa vụ gian lận thi cử ở 3 địa phương vừa qua để minh chứng cho nhận định của mình.
“Thủa chúng tôi đi học, đi thi, chỉ hơn nhau 0,5 điểm là đã không còn cơ hội. Vậy mà giờ để xảy ra gian lận nghiêm trọng như vậy, cướp đi cơ hội của bao người vậy mà những cán bộ, lãnh đạo làm sai vẫn không ăn năn, vẫn cố chối tội, chối được cái gì thì chối”, bà Lan nói và cho rằng, phải xem lại đạo đức công vụ, đạo đức của cán bộ làm quản lý vì nó đã phá vỡ những cố gắng chung trong quá trình xây dựng đất nước tốt đẹp hơn.
Về chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo, thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Hà Giang) đề nghị Nhà nước phải lên tiếng, kết hợp đấu tranh trên thực địa và ngoại giao, song phương và đa phương; vừa hợp tác vừa đấu tranh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình để phát triển.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, vấn đề Biển Đông, nhân dân cũng cần có thông tin nhanh, kịp thời để nắm bắt chia sẻ, không bị kẻ xấu lợi dụng.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) “Có những người ra toà mà không còn liêm sỉ. Điều này đánh mất niềm tin của nhân dân” (bà Phong Lan nhắc tới các vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La để minh chứng cho nhận định của mình).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Việc giải ngân vốn đầu tư công đang là vấn đề “rất đau đầu cho cả Chính phủ và Quốc hội”. Nguyên nhân do vướng cả thể chế và tổ chức thực hiện.