|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dấu chấm hỏi về tăng trưởng đột biến cho vay trong quí IV/2018 của FE Credit?

18:26 | 11/02/2019
Chia sẻ
Trong quí IV/2018, giải ngân cho vay tăng mạnh tại cả ngân hàng mẹ và FE Credit. Tuy nhiên, sự bất thường xảy ra tại FE Credit với số dư giải ngân chiếm 14,72% trong số 18,91% tăng trưởng cho vay cả năm.
 
dau cham hoi ve tang truong dot bien cho vay trong qui iv2018 cua fe credit
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Nguồn: VPBank)

Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) đã công bố báo cáo tài chính năm 2018 với lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt kỉ lục gần 9.200 tỉ đồng, tăng 13,2% so với năm 2017. Mặc dù vậy, VPBank vẫn mới chỉ hoàn thành 85% kế hoạch do các cổ đông đưa ra hồi đầu năm.

Trong đó, riêng ngân hàng mẹ mang về 5.078 tỉ đồng và lợi nhuận ghi nhận từ hai các công ty con là 4.121 tỉ đồng (chủ yếu là từ FE Credit).

Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), kết quả kinh doanh trong quí IV của VPBank đã hồi phục mạnh mẽ, chủ yếu đến từ sự tăng trưởng của FE Credit.

Theo tính toán của HSC, giải ngân cho vay tại cả ngân hàng mẹ và FE Credit đều tăng mạnh trong quí IV và điều này thể hiện đặc biệt rõ ở FE Credit. Cụ thể, giải ngân trong quí IV của FE Credit chiếm 14,72% trong số 18,91% tăng trưởng cho vay cả năm (tương đương 6.592 tỉ đồng) và 11,58% tăng trưởng các khoản cho vay được giải ngân chỉ trong tháng 12 (5.187 tỉ đồng).

Dựa trên số liệu các năm trước, HSC cho rằng việc cho vạy tập trung mạnh vào tháng 12 không phải là xu hướng thông thường. Chẳng hạn vào năm 2016, cho vay giải ngân thuần trong tháng 12 trên thực tế còn giảm và giải ngân thuần trong tháng 12/2017 cũng chỉ tăng 0,73%.

Do đó, HSC cũng đặt ra câu hỏi liệu có phải FE Credit đã thay đổi chính sách cho vay để đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 12/2018 sau 9 tháng tăng trưởng kém trước trước đó hay không? Và sự tăng trưởng này có bền vững hay không?

dau cham hoi ve tang truong dot bien cho vay trong qui iv2018 cua fe credit
Nguồn: HSC

Bên cạnh sự tăng trưởng đột biến tại FE Credit, tại ngân hàng mẹ, động lực tăng trưởng chính cũng không còn là cho vay khách hàng cá nhân. Theo đó, cơ cấu cho vay theo khách hàng và lĩnh vực đã ghi nhận sự thay đổi động lực từ khách hàng cá nhân sang khách hàng doanh nghiệp; từ cho vay hộ kinh doanh gia đình sang cho vay ngành xây dựng, bất động sản và dịch vụ tài chính vốn thường có rủi ro cao hơn.

Ngoài ra, điều này cũng có vẻ trái ngược với sự tập trung của ngân hàng vào cho vay khách hàng cá nhân trong thời gian qua bao gồm việc đưa vào phần mềm ứng dụng mới như YOLO cùng với chương trình khuyến mãi thẻ tín dụng khá rầm rộ trước đó.

dau cham hoi ve tang truong dot bien cho vay trong qui iv2018 cua fe credit
Nguồn: HSC

Bên cạnh đó, tại ngân hàng mẹ, tỉ trọng cho vay không có tài sản đảm bảo cũng đã giảm trong năm 2018 từ mức 17,3% tại thời điểm cuối năm 2017 xuống 14,5% vào cuối năm 2018. Hiện VPBank có đưa ra lí giải cụ thể của sự giảm sút này nhưng theo suy đoán của HSC, có thể chiến lược đẩy mạnh cho vay không có tài sản đảm bảo của VPBank đã làm phát sinh một số vấn đề ở khía cạnh đa dạng hóa rủi ro. VPBank có lẽ cần giảm bớt tăng trưởng tín dụng hoặc có khả năng gặp phải các rủi ro từ các khoản nợ xấu tiềm tàng.

Dự báo về kết quả kinh doanh năm 2019, HSC ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank sẽ vào khoảng 9.590 tỉ đồng, chỉ tăng trưởng 4,3% so với năm 2018. Trong đó, lợi nhuận ngân hàng mẹ ước tính tăng trưởng 5,08% đạt 5.335 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế của FE Credit ước đạt 4.227 tỉ đồng, tăng trưởng 2,61%.

Xem thêm

Quang Diệu