|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dấu chấm hỏi về đà suy yếu kéo dài của đồng yen

06:55 | 21/05/2024
Chia sẻ
Nhật Bản có thể sẽ chứng kiến sự thay đổi trong chính sách tiền tệ, giúp vực lại đồng nội tệ nước này sau khoảng 3 năm suy yếu. Đồng yen yếu phản ánh tình trạng kinh tế Nhật Bản trì trệ.

Kiểm tiền mệnh giá 10.000 yen tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/ TTXVN

Về cơ bản, tỷ giá hối đoái thường tăng giảm nhiều lần theo chu kỳ kinh doanh, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao đồng yen Nhật lại khó thoát khỏi tình trạng suy yếu? Bối cảnh chính là bản thân cơ cấu kinh tế của Nhật Bản đã suy yếu mà Chính phủ và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng khó có giải pháp nào ngăn chặn điều đó trừ khi họ thực hiện các biện pháp hỗ trợ đồng yen trong ngắn hạn nhưng luôn mang lại cảm giác về tác dụng của nó chỉ ở một giai đoạn hoặc một thời điểm nhất định.

Có hai yếu tố kinh tế cơ bản có tác động lớn đến tỷ giá đồng yen, đó là chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ, chênh lệch cung cầu. Về yếu tố chênh lệch lãi suất, nếu lãi suất ở Mỹ cao hơn ở Nhật, tiền của nhà đầu tư sẽ dễ dàng chảy từ đồng yen sang đồng USD hơn. Điều này cũng dễ hiểu khi lãi suất của một loại tiền tệ càng cao thì lợi nhuận có thể thu được như mong đợi càng lớn. Cũng vì lý do đó mà tiền cá nhân được đổ dồn sang các tài sản ngoại tệ mạnh hơn đồng nội tệ.

Trên thực tế, nếu so sánh hai biểu đồ về tỷ giá đồng yen và chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ, sẽ không khó để nhận thấy chúng có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau. Hiện nay lãi suất ở Mỹ cao hơn ở Nhật nên nếu chênh lệch lãi suất thu hẹp thì chắc chắn đà mất giá của đồng yen sẽ chững lại.

Tuy nhiên, lãi suất của Nhật Bản sẽ không tăng đáng kể trừ khi nền kinh tế Nhật Bản lấy lại sức mạnh. Mặt khác, điều kiện lý tưởng là lãi suất Mỹ giảm giúp kìm hãm sự mất giá của đồng yen, nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh và môi trường kinh doanh tại Mỹ chưa sẵn sàng để hạ lãi suất ngay lập tức.

Một yếu tố cơ bản khác là khoảng cách cung-cầu, đã trở thành một yếu tố thuận lợi cho sự mất giá của đồng yen. Theo số liệu thống kê thương mại của Bộ Tài chính Nhật Bản, đã xuất hiện thâm hụt thương mại trong 4 năm trong vòng 5 năm gần nhất, tính hết tài khóa 2023, với lượng nhập khẩu liên quan đến bán đồng yen lớn hơn xuất khẩu liên quan đến mua đồng yen. Đặc biệt, trong ba năm qua, khoản thâm hụt thương mại đã lên tới hơn 5.000 tỷ yen (32 tỷ USD).

Thương mại của Nhật Bản với đặc trưng là nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu thô, sau đó chế biến thành các sản phẩm chất lượng cao và xuất khẩu ra nước ngoài. Nguyên nhân thâm hụt thương mại trở nên khá thường xuyên là do ngành xuất khẩu - "xương sống" của nền kinh tế Nhật Bản, đang suy yếu và việc tiếp tục di dời các cơ sở sản xuất ra nước ngoài.

Thâm hụt thương mai tiếp diễn không chỉ trong lĩnh vực hàng hóa mà còn trong lĩnh vực dịch vụ. Hoạt động bán đồng yen đang tăng nhanh khi các công ty công nghệ thông tin (CNTT) khổng lồ của Mỹ chuyển lợi nhuận kiếm được từ việc cung cấp dịch vụ tại Nhật Bản về nước. Trong khi đó, lượng khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản tăng mạnh giúp thúc đẩy việc mua đồng yen để sử dụng cho các chuyến du lịch đến Nhật Bản cũng tăng nhưng con số này không đủ để bù đắp lại tình trạng bán tháo đồng yen.

Các giải pháp về việc làm và tăng lương ở Nhật Bản và Mỹ

Chuyên gia Tohide Kiuchi của Viện nghiên cứu Nomura đưa ra dự báo, xu hướng giảm giá của đồng yen thực sự chững lại chỉ có thể diễn ra sau mùa Thu này, khi Nhật Bản và Mỹ có thể cùng lúc triển khai các động thái chính sách tiền tệ. Điểm mấu chốt là những thay đổi về yếu tố chênh lệch lãi suất.

Tại Nhật Bản, nếu mức tăng lương lớn được quyết định trong đàm phán lương mùa Xuân được chuyển hóa vào giá dịch vụ từ mùa Hè trở đi, có khả năng BoJ sẽ tính đến phương án tăng lãi suất bổ sung 0,2 điểm phần trăm hoặc 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách tiền tệ tháng Chín. Điều kiện cần là các số liệu thống kê về tăng lương lao động hàng tháng cho tháng Sáu và tháng Bảy sẽ là căn cứ đánh giá xu hướng tiền lương tổng thể, được công bố vào tháng Tám và tháng Chín.

Mặt khác, tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng có thể bắt đầu hạ lãi suất bắt đầu từ mùa Thu này. Áp lực lạm phát đang dần giảm bớt trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ dần đi vào quỹ đạo vững chắc hơn và ngày càng có nhiều ý kiến trên thị trường về việc giảm dần lãi suất. Số liệu thống kê việc làm trong tháng Tư của Mỹ công bố vào ngày 3/5 cũng thấp hơn kỳ vọng của thị trường và thị trường một lần nữa lại xuất hiện đồn đoán rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Chín.

Chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ vẫn còn lớn, nhưng nếu việc BoJ tăng lãi suất và Fed cắt giảm lãi suất xảy ra cùng lúc thì, quan điểm của thị trường về chênh lệch lãi suất có thể thay đổi đáng kể. Vì thế các chỉ số việc làm, tiền lương và giá cả sẽ được công bố tại hai nước này vào tháng Tám và tháng Chín chắc chắn sẽ thu hút nhiều sự chú ý hơn.

Tuy nhiên, từ nay cho đến lúc đó, “cách duy nhất để tồn tại là thông qua các tuyên bố của Chính phủ và Ngân hàng trung ương Nhật Bản để giữ cho đồng yen không bị mất giá và nỗ lực giữ ổn định thông qua can thiệp ngoại hối bằng cách mua lại đồng yen và bán ra đồng USD”, ông Tohide Kiuchi cho biết. Chừng nào các yếu tố cơ bản của tỷ giá đồng yen như chênh lệch lãi suất và chênh lệch cung-cầu còn nghiêng về việc bán tháo đồng yen, thì giá trị đồng yen chắc chắn sẽ còn bấp bênh.

Giới chuyên gia tài chính Nhật Bản dự báo, Chính phủ Nhật Bản và BoJ dường như đã quyết định can thiệp với việc mua đồng yen quy mô lớn để đảm bảo tỷ giá không vượt mốc 160 yen đổi 1 USD. Theo ông Koji Fukaya thuộc Market Risk Advisory, vì lý do này, dư luận tin rằng xu hướng giảm giá của đồng yen dao động quanh mức 150 yen đổi 1 USD có thể sẽ tiếp tục cho đến mùa Hè, tức là cho đến khi những thay đổi trong chính sách tiền tệ ở Nhật Bản và Mỹ trở nên rõ ràng hơn.

Rủi ro đầu tư ngoại tệ của các cá nhân

Việc đồng yen duy trì ở mức thấp khiến cho hoạt động đầu tư ngoại tệ của cá nhân đang tăng với tốc độ chưa từng có. Theo kết quả về tình hình đầu tư chứng khoán nước ngoài do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố, số lượng mua ròng chứng khoán nước ngoài của các quỹ tín thác đầu tư tập trung vào các cá nhân đã vượt 4.000 tỷ yen (25,7 tỷ USD) trong quý I/2024 sau khi NISA mới (hệ thống đầu tư miễn thuế được đưa ra để hỗ trợ và thúc đẩy việc quản lý tài chính cá nhân ở Nhật Bản) được triển khai, quy mô tương đương với số lượng mua ròng của cả năm 2023.

Sự suy yếu kéo dài của đồng yen hiện đang hút tiền của nhiều cá nhân vào đầu tư ngoại tệ. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn rủi ro đối với các nhà đầu tư cá nhân khi đồng yen rục rịch tăng trở lại. Bởi vì nếu đồng yen tăng giá mạnh, tổn thất ngoại hối sẽ tăng lên, dẫn đến khả năng xóa sạch lợi nhuận kiếm được từ cổ phiếu và trái phiếu nước ngoài. Cho dù đồng yen mạnh hay đồng yen yếu, phương pháp đầu tư tốt nhất là tích lũy đều đặn một số tiền nhất định trong tài khoản cá nhân.

Phạm Tuân

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.