Dấu ấn một doanh nhân nơi vùng cao Tây Bắc
Gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm na sạch Vietgap. |
Ấn tượng trong tôi về người đàn ông này là sự mềm dẻo trong ứng xử, “dịu êm” khi mạn đàm về những thành công; rất “dữ dội” khi nói về những dự án SXKD. Với cách trò chuyện thẳng thắn, chân tình, cho thấy trong anh có tố chất của người từng trải, của một doanh nhân hiện đại.
Ấp ủ một nỗi niềm
Cò Nòi, là một xã nghèo của huyện Mai Sơn, hạ tầng cơ sở yếu kém, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả. Vậy mà, Giám đốc Lê Xuân Hòa lại chọn nơi đây để làm “bàn đạp” cho sự khởi nghiệp của mình. Và, giờ đây anh vẫn âm thầm lao động hết mình để xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.
Vẫn biết rằng, Mai Sơn tươi đẹp là vậy, nhưng cuộc sống của người dân vẫn nghèo nàn, lạc hậu? Tại sao không biến nơi đây thành một địa danh hoành tráng, quy mô, lung linh sắc màu? Đó chính là nỗi trăn trở lâu nay khiến Giám đốc Hòa day dứt khôn nguôi.
Thế rồi, dựa vào những thay đổi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dựa vào sức và lực của người dân, của các hộ gia đình ở địa phương, ông đã mời gọi mọi người hợp nhất lại tạo sức mạnh tổng hợp để làm tiền đề cho sự ra đời của HTX Thanh Sơn; “biến” Mai Sơn thành một trong những địa phương trọng điểm kinh tế của Sơn La và vươn xa hơn nữa.
Đất mãi nở hoa...
HTX Thanh Sơn được ra đời tháng 6/2012, có chức năng kinh doanh cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản và dịch vụ, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi.
Buổi đầu hoạt động chỉ có 7 thành viên, với vốn điều lệ là 200 triệu đồng và 5ha đất canh tác là của các xã viên. Thực hiện phương châm “Nông dân thi đua SXKD giỏi - Đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo - Làm giàu bền vững”, các hộ gia đình, xã viên đã hỗ trợ, cùng nhau khám phá tiềm năng dồi dào của mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình, của từng khu vực trên địa bàn...
Từ đó, tinh thần của bà con ngày một phấn chấn, họ đến tham gia với HTX ngày một đông, làm việc siêng năng, cùng nhau chung sức xây dựng HTX, coi HTX là “ngôi nhà” thứ hai của mình. Rồi, vui hơn khi HTX “ăn nên làm ra”, trở thành nơi “đặt hàng” của hàng loạt các dự án tiềm năng như: HTX là đơn vị liên kết cung cấp giống và thu mua sản phẩm dê thịt của 100 hộ dân (xã Phiêng Pằn); cung ứng giống, vật nuôi (trâu, bò, lợn, gà, dê) cho gần 500 nhóm sở thích của 4 xã thuộc vùng 3 của huyện; tham gia Dự án ghép, cải tạo gần 60ha nhãn chín muộn và soài Đài Loan cho huyện Bắc Yên... Hơn nữa, HTX đang chuyên tâm đầu tư, phát triển giống cây trồng chủ lực có giá trị gia tăng cao mang lại hiệu quả kinh tế, (cây na dai bản địa và cây nhãn ghép có nguồn gốc Hưng Yên).
Đây là quyết định sáng suốt, mở ra hướng đi lớn cho tương lai. Bởi, khai thác thành công mặt hàng đặc sản này sẽ góp phần tô điểm cho thị trường nông sản Việt Nam thêm phần rực rỡ sắc mầu, thị trường trái cây na và nhãn thêm “nóng bỏng”, đẳng cấp hơn. Để rồi, khi được thưởng thức trái na dai, trái nhãn mang thương hiệu Thanh Sơn, chắc hẳn ta không khỏi không suýt xoa mà tán dương chất lượng, hương vị của mặt hàng nông sản “độc nhất vô nhị” này, chỉ có ở Mai Sơn mà thôi.
Mai Sơn là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, mặt bằng dân trí thấp, đời sống của bà con gặp không ít khó khăn: vốn sản xuất khan hiếm, khoa học kỹ thuật còn xa lạ, sản xuất theo kiểu “ngẫu hứng”, thiếu định hướng trong việc lựa chọn, phát triển vật nuôi, cây trồng. Ví như, trên một thửa đất bà con thường trồng nhiều loại cây (tạo thành khu vườn tạp), nên việc áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc, bảo vệ cây trồng gặp nhiều bất cập, dẫn tới hiệu quả mang lại thấp...
Vì thế, đòi hỏi Ban quản trị HTX phải có sự đầu tư nghiêm túc. Năm 2017, với kinh phí trên 2 tỷ đồng HTX đã hỗ trợ xã Phiêng Pẳn mở 10 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, thu hút gần 300 hộ dân tham gia; hỗ trợ phân bón cho 20 hộ dân để chăm bón 13ha mận hậu; giúp xã mở mới 2km đường lên khu sản xuất...;
Hay, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất (tỉa cành, tạo tán lá, thụ phấn nhân tạo) nên chất lượng, sản lượng và doanh thu của sản phẩm na, nhãn đã tăng rõ rệt. Niên vụ 2014-2015, sản lượng na tăng từ 12-15 tấn/ha, doanh thu đạt 300-350 triệu đồng/ha na; sản lượng nhãn tăng lên 15 tấn/ha, doanh thu đạt 200-250 triệu đồng/ha; Niên vụ 2015-2016, sản lượng na đạt khoảng 780 tấn. (Trước đây, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật), sản lượng na và nhãn chỉ đạt 4-5 tấn/ha, doanh thu đạt khoảng 50-60 triệu đồng/ha; niên vụ 2011-2012, sản lượng bình quân na, nhãn đạt 6 tấn/ha, doanh thu đạt 90 triệu đồng/ha;Thị trường tiêu thụ na Thanh Sơn hiện được phủ khắp các siêu thị tại Hà Nội, các chợ đầu mối ở: Sơn Tây, Gia Lâm, Long Biên, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai...
Đến nay, có thể nói phát triển cây trồng chủ lực na - nhãn đã, đang góp phần đưa Mai Sơn trở thành địa danh hấp dẫn các nhà đầu tư trên cả nước, lợi thế của Mai Sơn càng được khẳng định, thuận lợi hơn trong việc kết nối với các địa phương trong, ngoài tỉnh.
Ông Lê Xuân Hòa - Gíam đốc HTX Thanh Sơn thăm quan học hỏi kinh nghiệm trồng cam tại Bến Tre |
Điều khiến chúng ta ngỡ ngàng, sau 5 năm hình thành và phát triển, xã viên tham gia HTX đã tăng 58 người; vốn điều lệ tăng là 2,5 tỷ đồng, lớn hơn gấp nhiều lần số vốn ban đầu... Tất cả đã minh chứng cho thấy HTX Thanh Sơn đã thành công, đang phát triển bền vững. Phải chăng, đây mới chỉ là điểm khởi đầu của thành công, mỗi xã viên trên “con tàu” Thanh Sơn mà “thuyền trưởng” là Chủ tịch HĐQT- Giám đốc Lê Xuân Hòa đã xác định hướng đi của họ là tạo ra một cuộc sống no đủ hơn nữa.
Với quyết tâm đó, nhiều dự định mới sẽ được mở ra: Liên tục đầu tư cho chất lượng sản phẩm, kỹ thuật đối với các dự án mới (ghép na không hạt giống Thái Lan và dự án 5ha cam...); Sử dụng hiệu quả diện tích đất hiện có; Xây dựng sản phẩm na, nhãn sạch theo chuẩn Vietgap; Xây dựng thương hiệu cho na Thanh Sơn; Đẩy mạnh quảng bá đặc sản na Sơn La; Xây dựng Trung tâm dịch vụ thu mua chế biến và xuất khẩu nông sản để ổn định đầu ra sản phẩm.
Ngoài ra, góp phần tạo thêm sự hoàn hảo cho “bức tranh” đa diện, đa sắc màu này còn cần đến sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp ngành TW, địa phương đối với việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và vốn vay ưu đãi... để giúp HTX Thanh Sơn có điều kiện hỗ trợ các xã viên phát triển kinh tế, để nơi đây trở thành tâm điểm thu hút thể hệ trẻ tìm đến phát huy năng lực, góp phần mang lại thành công trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Dự định còn nhiều, có những điều có thể sớm thành hiện thực, có những điều cần thời gian. Tuy nhiên, với những trải nghiệm, nhiệt huyết và bản lĩnh sẵn có trong ông, tin rằng Doanh nhân - Chủ tịch HĐQT- Giám đốc Lê Xuân Hòa và HTX Thanh Sơn sẽ tiếp tục “gặt hái” nhiều thành công trên con đường hội nhập.