Đất Đông Anh cao nhất 180 triệu đồng/m2, sốt thật hay ảo?
Chủ yếu là giao dịch giữa các nhà đầu tư
Từ cuối năm 2016, đất Đông Anh lên cơn sốt khi Hà Nội chính thức công bố Đồ án Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài. Thông tin huyện này sẽ lên quận vào năm 2020, đặc biệt, khi nhiều siêu dự án dự kiến xây dựng tại khu vực này như dự án Thành phố thông minh tại Hải Bối, Vĩnh Ngọc; dự án công viên Kim Quy tại Ngọc Chi, Vĩnh Ngọc; dự án Khu công nghệ thông tin tập trung, dự án Trung tâm triển lãm quốc gia… cũng khiến giá đất Đông Anh "nhảy múa".
Sau khi cầu Nhật Tân thông xe, văn phòng nhà đất đoạn dưới chân cầu mọc lên nhan nhản, đây cũng là khu vực được cho là có giá đất cao nhất hiện nay ở Đông Anh. Ảnh: L.T. |
Giá đất tại nhiều con ngõ rộng tầm 3m dọc trục đường Võ Nguyên Giáp, đoạn thuộc xã Vĩnh Ngọc lên đến 50 triệu đồng/m2, một số ngõ nhỏ hơn giá đất cũng có thể lên đến 30 triệu đồng/m2.
Một số khu vực xa hơn như Bắc Hồng, giá đất hiện tại cũng có thể lên đến 10-12 triệu đồng/m2, cao gấp 4 lần so với thời điểm sốt đất Đông Anh giai đoạn 2008.
Thị trấn Đông Anh có giá đất khoảng 100-120 triệu đồng/m2, hay khu vực Tiên Dương, giá đất thổ cư tại mặt đường lớn giao động ở khoảng 30-35 triệu đồng/m2. Tại Võng La, 2 năm trở lại đây, giá đất cũng có dấu hiệu tăng xấp xỉ 30%, một lô đất mặt tiền 40 m2 đang được rao bán với giá 680 triệu đồng/m2, tức khoảng 17 triệu đồng/m2. Trong khi năm 2016-2017, những lô đất tương tự chỉ có giá khoảng 12 triệu đồng/m2.
Trước đó, kể từ khi có thông tin xây cầu Nhật Tân và thời điểm cây cầu này chính thức thông xe, giá đất tại nhiều khu vực thuộc địa phận huyện Đông Anh tăng mạnh. Điển hình, một số lô đất mặt đường dọc trục đường Võ Nguyên Giáp, dưới chân cầu Nhật Tân lên đến 100-180 triệu đồng/m2. Mức giá này tương đương với giá đất thổ cư tại nhiều tuyến phố lớn nội thành Hà Nội.
Những giao dịch đất ở thành công, đặc biệt là tại khu vực có giá đất cao, hiện nay ở Đông Anh chủ yếu là giao dịch giữa các nhà đầu tư. Ảnh. L.T. |
Tuy nhiên, theo lời nhân viên môi giới bất động sản tại Đông Anh, hiện giao dịch đất tại khu vực này, đặc biệt là giao dịch các lô đất có giá trên 30 triệu đồng/m2, chủ yếu là giữa các nhà đầu tư với nhau, trong khi người dân không có nó nhu cầu bán nhiều. “Với nhu cầu mua ở thực, khách thường sẽ chọn các khu vực Bắc Hồng, Tiên Dương… nơi giá đất chỉ khoảng 15-30 triệu đồng/m2”, nhân viên môi giới tên Huyền nói với Người Đồng Hành.
Cẩn trọng trước nguy cơ thổi giá, tạo sốt
Một vài năm gần đây, giá đất các khu vực vùng ven Hà Nội, các huyện có quy hoạch lên quận, các địa phương có các siêu dự án đều có xu hướng tăng, thậm chí có nơi tăng tới 50%, chẳng hạn Hoài Đức, Gia Lâm hay Đông Anh.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận tư vấn và nghiên cứu CBRE, nhận định việc sốt đất nền quanh các siêu dự án là điều dễ hiểu và cũng là điều chấp nhận được của thị trường bất động sản, tuy nhiên cần xem xét mức tăng giá của các lô đất trước và trong thời điểm có dự án.
“Nếu đất nền thực sự tăng ở mức cao thì cũng cần xem xét, cẩn trọng nguy cơ sốt ảo”, bà An nói.
Đất Đông Anh, theo lời nhiều nhân viên môi giới, có nơi tăng 2 triệu đồng/m2 chỉ trong vài tuần. “Trước và sau Tết, một lô đất 50 m2 tăng 2 giá, từ chỗ mua 34 triệu đồng/m2 đến chỗ bán lại 36 triệu đồng/m2 là chuyện không hiếm”,
Những nhân viên này cũng thừa nhận giao dịch hiện tại tại các khu vực có giá đất cao chủ yếu là giao dịch của các nhà đầu tư. “Tại nhiều mảnh đất, khi mua, họ chỉ mua với giá 30 triệu đồng/m2 nhưng chỉ sau đó vài tuần, họ định giá lô đất lên đến 35 triệu đồng/m2. Hiện giao dịch ở thực vẫn có nhưng không nhiều. Nhiều nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi, họ cứ ôm đất rồi để đấy, vì có niềm tin đất kiểu gì cũng tăng giá”, một môi giới nói.
Trước đó, khi giá đất Hoài Đức rục rịch tăng, ông Nguyễn Văn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam từng cảnh báo nhà đầu tư cẩn trọng với các hệ luỵ nhãn tiền, trong đó, ông lấy ví dụ về sốt đất Đông Anh.
“Tại Đông Anh, khi thị trường sốt nóng với thông tin xây dựng cầu, nâng cấp hạ tầng giao thông và đầu tư phát triển chuyển đổi thành đô thị trung tâm của thành phố, giá đất tăng rất cao, tạo sốt. Song qua nhiều năm, các dự án vẫn chưa đi vào thực tế nên các nhà đầu tư ôm đất hiện gặp rất nhiều khó khăn”, ông Đính từng trả lời Người Đồng Hành.
Theo ông Đính, mức giá bất động sản “đón đầu quy hoạch” thường không đảm bảo tính chắc chắn. Người mua, nhà đầu tư cần xem xét kỹ quy hoạch hạ tầng, chú trọng tính pháp lý, quy hoạch phát triển toàn vùng trước khi mua, bán.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/