|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Danh sách nữ tướng quyền lực ngành ngân hàng có sự góp mặt của nhiều gương mặt mới

09:01 | 08/03/2022
Chia sẻ
Năm 2021, ngành ngân hàng đã chứng kiến nhiều thay đổi trong nhân sự cấp cao, bên cạnh những "nữ tướng" kỳ cựu của ngành đã có sự góp mặt của nhiều gương mặt nữ doanh nhân trẻ. Sự thay đổi này tập trung ở một số ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa đang trong quá trình tái cấu trúc.

Bà Bùi Thị Thanh Hương - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc dân 

Danh sách nữ tướng quyền lực ngành ngân hàng có sự  góp mặt của nhiều gương mặt mới - Ảnh 1.

Bà Bùi Thị Thanh Hương - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng NCB. (Ảnh: NCB).

Bà Bùi Thị Thanh Hương sinh năm 1980, tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân năm 2001, nhận chứng chỉ Kiểm toán viên độc lập năm 2005 (CPA - Bộ Tài chính), tốt nghiệp thạc sỹ loại giỏi ngành Quản trị kinh doanh tại Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về quản lý (CFVG) năm 2012 và được cấp chứng chỉ Kế toán viên công chứng Úc năm 2014 (CPA Úc).

Bà Hương đã có kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực kiểm toán - tài chính ngân hàng - quản lý điều hành doanh nghiệp.

Trước khi gia nhập NCB, bà Bùi Thị Thanh Hương là Tổng Giám đốc Sun Group và từng nắm giữ các vị trí quản lý trong lĩnh vực quản trị chiến lược tại các tổ chức tài chính ngân hàng lớn như: Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính - chiến lược TPBank; Phó Giám đốc phụ trách khối tài chính/kế toán trưởng SeABank.

Sau đó, NCB cũng bổ nhiệm loạt nhân sự cấp cao là nữ như bà Dương Thị Lệ Hà đảm nhận vị trí quyền Tổng Giám đốc thay cho ông Phạm Thế Hiệp; bà Nguyễn Thị Thùy Dương, bà Hoàng Thu Trang làm Phó Tổng Giám đốc. 

Năm 2021, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của NCB đạt 2,3 tỷ đồng, giảm 38,2% so với cùng kỳ. Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 73.700 tỷ đồng, giảm đến 15.817 tỷ đồng, tương đương giảm 17,7% so với cuối năm trước.

Bà Trần Thị Thu Hằng - Chủ Tịch HĐQT KienlongBank 

Danh sách nữ tướng quyền lực ngành ngân hàng có sự  góp mặt của nhiều gương mặt mới - Ảnh 2.

Bà Trần Thị Thu Hằng - Chủ Tịch HĐQT KienlongBank. (Ảnh: Kienlongbank).

Bà Trần Thị Thu Hằng (sinh năm 1985), Phó Chủ tịch HĐQT, giữ chức danh Chủ tịch HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2018 – 2022. Bà Hằng hiện là nữ chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam hiện nay.

Bà Trần Thị Thu Hằng tốt nghiệp Thạc sỹ Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Trong giai đoạn 2011 - 2018, bà Hằng từng làm trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp lớn của LienVietPostBank, Giám đốc quan hệ khách hàng doanh nghiệp lớn cấp 3 tại Maritime Bank (nay là MSB).

Bà đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc điều hành Sunshine Group từ tháng 3/2019 khi 34 tuổi. Ngoài ra, bà Hằng còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư SIPT, trụ sở đặt tại Sunshine Center.

Bà Trần Thị Thu Hằng gia nhập KienlongBank với chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT từ đầu tháng 2/2021.

Năm 2021 KienlongBank ghi nhận hơn 1.010 tỷ đồng tổng lợi nhuận trước thuế và hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của KienlongBank tăng 46% so với đầu năm lên mức hơn 83.822 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 10% lên hơn 38.387 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 22,3% so với đầu năm khi đạt 51.397 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngân hàng giảm xuống dưới 2%.

Bà Lương Thị Cẩm Tú - Chủ tịch HĐQT Eximbank

Danh sách nữ tướng quyền lực ngành ngân hàng có sự  góp mặt của nhiều gương mặt mới - Ảnh 3.

Bà Lương Thị Cẩm Tú - Chủ tịch HĐQT Eximbank. (Ảnh: Zing News).

Chiều 17/2, Hội đồng Quản trị mới của Eximbank đã thống nhất bầu bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên HĐQT giữ chức chủ tịch ngân hàng nhiệm kỳ VII (2020-2025).

Đây là lần thứ hai bà Tú ngồi ghế chủ tịch Eximbank, trước đó, bà đã được HĐQT nhiệm kỳ trước của Eximbank bầu vào vị trí này hồi tháng 3/2019 thay cho ông Lê Minh Quốc. Tuy nhiên, đến tháng 5, HĐQT ngân hàng đã thông qua việc chấm dứt hiệu lực nghị quyết bầu bà Tú làm chủ tịch.

Bà Lương Thị Cẩm Tú sinh năm 1980, có trình độ Cử nhân Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Văn Lang và Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Griggs.

Bà từng đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) từ tháng 4/2015 - tháng 3/2018. Trước khi làm Tổng giám đốc Nam A Bank, bà Tú từng có thời gian dài gắn bó với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) dưới vai trò lãnh đạo.

Vào tháng 4/2018, bà Tú trúng cử vào HĐQT Eximbank tại ĐHĐCĐ thường niên của Eximbank và cũng là người duy nhất được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận  bầu bổ sung vào HĐQT ngân hàng trong thời điểm đó.

Năm 2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 của Eximbank đạt 1.205 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2020.

Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của Eximbank đạt 165.832 tỷ đồng, tăng 3,4% so với đầu năm. Trong đó, dự nợ cho vay khách hàng tăng 13,8% lên 114.675 tỷ đồng; dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng 6,8% lên 1.367 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, số dư tiền gửi khách hàng trong năm 2021 đã tăng 2,6% lên 137.374 tỷ đồng. Trong năm, chất lượng cho vay có sự cải thiện khi dư nợ xấu đã giảm 11,3%, kéo tỷ lệ nợ xấu từ mức 2,52% xuống 1,96%.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng Giám đốc Sacombank

Nhìn lại tình hình kinh doanh các ngân hàng trong tay các 'nữ tướng' - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm. (Ảnh: Sacombank).

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm sinh năm 1973, có trình độ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vào tháng 7/2017.

Bà là một trong số ít phụ nữ đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Bà Diễm bắt đầu công tác tại Sacombank từ năm 2002, từng đảm nhiệm các công việc thuộc mảng kế toán, tín dụng, dịch vụ khách hàng, khách hàng doanh nghiệp, kiểm tra kiểm soát nội bộ, xử lí nợ và đã có 11 năm ở vai trò quản lí, điều hành.

Trước khi đứng đầu Ban điều hành ngân hàng, bà Diễm là Phó Tổng Giám đốc phụ trách thu hồi nợ, một trong những hoạt động trọng yếu đang được Sacombank tập trung thực hiện theo định hướng của Đề án tái cơ ngân hàng sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Trong những năm điều hành của bà Diễm, kết quả kinh doanh của Sacombank có những chuyển biến rõ rệt, giúp ngân hàng vượt qua khó khăn sau giai đoạn tái cơ cấu.

Tăng trưởng lợi nhuận của Sacombank trong khoảng thời gian này luôn đạt hai chữ số. So với năm 2016, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ngân hàng đã gấp hàng chục lần với 4.400 tỷ đồng.

Madame Nguyễn Thị Nga - Phó Chủ tịch HĐQT thường trực SeABank 

Danh sách nữ tướng quyền lực ngành ngân hàng có sự  góp mặt của nhiều gương mặt mới - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Chủ tịch HĐQT thường trực SeABank. (Ảnh: Zing News).

Bà Nguyễn Thị Nga sinh năm 1955, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Bà từng học qua nhiều lớp kinh tế ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Australia và là người Việt Nam đầu tiên được mời học ở George Town (Mỹ), do quĩ tài trợ của bà Hillary Clinton dành riêng cho các nhà lãnh đạo tập đoàn kinh tế.

Bà Nga hiện đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT thường trực của SeABank. Cũng tại đây, bà Lê Thu Thuỷ, con gái bà Nga, giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Trước đó, bà từng có 10 năm giữ chức Chủ tịch tại ngân hàng này.

Năm 2021, SeABank đạt lợi nhuận trước thuế 3.268 tỷ đồng, vượt 135% kế hoạch đã đề ra. Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của SeABank tăng 31.456 tỷ đồng so với năm 2020, đạt 211.663 tỷ đồng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 129.800 tỷ đồng. Tổng huy động vốn từ khách hàng đạt 128.838 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch HĐQT HDBank

Danh sách nữ tướng quyền lực ngành ngân hàng có sự  góp mặt của nhiều gương mặt mới - Ảnh 6.

Bà Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch HĐQT HDBank.

Bà Lê Thị Băng Tâm sinh năm 1947 tại ở Phú Yên, hiện đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank). Bà cũng là Chủ tịch HĐQT của CTCP sữa Việt Nam - Vinamilk.

Nữ Chủ tịch HDBank tốt nghiệp khóa học Quản lí kinh tế cao cấp tại Liên Xô và hoàn thành bằng Tiến sĩ Kinh tế chuyên ngành tài chính tín dụng tại đây. Ngoài ra bà cũng sở hữu Chứng chỉ Tài chính quốc tế tại Đại học North University London.

Bà rất thành công trong lĩnh vực quản lí tài chính và ngân sách quốc gia và đặc biệt thành công trong công tác tài chính đối ngoại. Bà từng là Cục trưởng, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trung ương (Bộ Tài chính); Thứ trưởng, Ủy viên Ban cán sự Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); Tư vấn cấp cao cho một số tổ chức tài chính nước ngoài.

Bà Tâm tham gia HDBank từ năm 2010 và có đóng góp lớn trong việc quản trị ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế, dẫn dắt HDBank tham gia vào các dự án quốc tế của World Bank, ADB, các dự án lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.

Năm 2021, HDBank báo lãi trước thuế đạt 8.070 tỷ đồng, tăng 39% và hoàn thành 111% kế hoạch. Tại 31/12/2021, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng đạt hơn 374.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Vốn chủ sở hữu đạt 30.790 tỷ, tăng 25% giúp hệ số an toàn vốn CAR (chuẩn Basel II) đạt trên 14%.

Bà Thái Hương - Chủ tịch Ngân hàng Bắc Á

Danh sách nữ tướng quyền lực ngành ngân hàng có sự  góp mặt của nhiều gương mặt mới - Ảnh 7.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Ngân hàng Bắc Á. (Ảnh: Bac A Bank).

Bà Thái Hương sinh năm 1958 tại Nghệ An, là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank). Ngoài ngân hàng, bà còn tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất sữa bò từ năm 2009 gắn liền với thương hiệu sữa TH True Milk.

Mắc dù khá kín tiếng với báo chí nhưng bà Hương được xem là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất của giới tài chính Việt Nam.

Năm 2021, Bac A Bank lãi trước thuế 908 tỷ đồng, tăng 23,6% so với 2020 và hoàn thành 100% kế hoạch đề ra. 

Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của Bac A Bank tăng 2,2% so với đầu năm lên 119.792 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 6,5% lên 84.598 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ mức 0,79% xuống 0,77%.

Tháng 3, Ngân hàng TMCP Bắc Á đã chính thức niêm yết 708,5 triệu cổ phiếu trên sàn HNX với mã chứng khoán BAB, đánh dấu một mốc quan trọng trong hoạt động của ngân hàng.

Diệp Bình