Đằng sau những người phụ nữ 'thép'
Nữ tướng Deloitte Hà Thu Thanh: 'Phải lãnh đạo được bản thân mình trước khi lãnh đạo bất cứ ai' | |
Nữ tướng Pepsico Việt Nam: Thành công nhờ “thiên tính nữ” |
Shark Linh: ‘May mắn là sự chuẩn bị gặp được cơ hội’
Tại sự kiện Women’s Summit 2018 do Forbes Việt Nam tổ chức mới đây, các lãnh đạo nữ đầy tên tuổi trong nhiều ngành nghề đã cùng ngồi lại để chia sẻ quan điểm về hành trình và những khó khăn mà người phụ nữ thường gặp phải trên con đường đi đến đích sự nghiệp của mình.
"May mắn là sự chuẩn bị gặp được cơ hội", "đã làm sếp ở công ty thì về nhà không làm sếp nữa"... là những nội dung được các lãnh đạo nữ chia sẻ. |
Phụ nữ vươn lên làm lãnh đạo đã khó khăn, vậy mà bà Trần Thị Thanh Định thậm chí trở thành Phó Chủ tịch của Ericsson Vietnam – một doanh nghiệp trong ngành viễn thông, ngành mà phần lớn nhân sự là nam giới. Thời điểm mới bắt đầu gây dựng sự nghiệp, muốn tạo giá trị cho riêng mình, bà đã phải rất chăm chỉ để có chuyên môn sâu.
“Tôi học hỏi bằng cách trải nghiệm tất cả các vị trí trong những công ty mà tôi đã làm qua, bắt đầu tư vị trí thấp nhất. Khi lên làm lãnh đạo, tôi từng vướng phải rắc rối khi cố gồng mình lên, học theo cách lãnh đạo đầy mạnh mẽ của các sếp nam. Những trải nghiệm đó giúp tôi mò ra được con đường của riêng mình.
Đến nay tôi vẫn đang học hỏi và điều chỉnh bản thân để đạt các mục tiêu, kết quả không kém bất cứ lãnh đạo nam giới nào khác, nhưng bằng cách riêng của mình. Điều đó làm tôi cảm thấy rất vui vẻ và hạnh phúc”, bà Thanh Định chia sẻ.
Hiện bà Định là lãnh đạo nữ hiếm hoi của công ty Ericsson ngồi vào vị trí Phó Chủ tịch phụ trách các thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Ở vị trí tương tự tại các thị trường khác (Úc, New Zealand, Ấn Độ…) đều là nam giới. Đây là một trong những điều khiến bản thân bà cảm thấy rất tự hào và may mắn.
Bà Thái Vân Linh ("Shark" Linh), Giám đốc chiến lược và vận hành Quỹ đầu tư VinaCapital, đưa ra quan niệm rằng may mắn chính là sự chuẩn bị gặp được cơ hội. Chỉ khi mình chuẩn bị thật kỹ, có người hỏi “có ai làm được không?” thì mình mới tự tin giơ tay nói “yes”. Vì vậy, mỗi người cần chuẩn bị thật kỹ càng, chứ không thể chỉ bị động ngồi chờ cơ hội đến được.
Đàn ông cầu toàn được khen là giỏi, nhưng phụ nữ cầu toàn lại bị đánh giá là ghê gớm…
Được mệnh danh là “người đàn bà thép”, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FPT Retail, thú nhận không biết danh xưng ấy là từ đâu ra và cũng không rõ nó có nghĩa tích cực hay tiêu cực. Không quan tâm vào những phán xét bên ngoài, bà chỉ tập trung vào công việc mình làm.
“Để quyết định đưa ra được tôn trọng thì bản thân người lãnh đạo phải có tâm, chân thành. Mặc dù trong công việc tôi là người khó tính, đòi hỏi cao ở nhân viên, nhưng mình chân thành. Những người đi theo mình họ phải chấp nhận cái tính khó của mình, hoặc mình phải đảm bảo quyền lợi của họ - trong trường hợp đó họ sẽ hiểu và gắn bó lâu dài với mình” bà Điệp nêu quan điểm.
Từ danh xưng “người đàn bà thép” của bà Điệp, bà Thái Vân Linh chỉ ra một thực trạng hiện nay trong công việc, khi nam giới khó tính người ta thường nhận xét là họ xuất sắc, nhưng phụ nữ mà khó thì họ sẽ đánh giá người phụ nữ đó là quá ghê gớm, chủ động.
Và theo lời "Shark" Linh: “Khuôn mẫu đó phần nào hình thành từ cách ta nuôi dạy những đứa trẻ. Nếu mua quà cho bé trai thường mọi người sẽ có xu hướng mua bộ xếp hình hoặc lắp ráp với màu chủ đạo là màu xanh; nhưng nếu mua quà cho bé gái nhiều người mặc định phải mua búp bê… Khuôn mẫu này có thể thay đổi hay không bắt đầu từ bây giờ thông qua cách các bạn nuôi dạy những đứa trẻ, để những phụ nữ trong tương lai không cần phải nghe những nhận định như vậy nữa”.
Sau một người phụ nữ thành đạt là ai?
Không phải lần đầu, bà Thái Vân Linh khẳng định, hậu phương vững chắc của bà chính là chồng mình. Với bà, chọn chồng chính là một trong những quyết định quan trọng nhất, là hợp tác lớn nhất trong sự nghiệp của mình.
“Chồng là người hỗ trợ để Linh có được sự nghiệp như ngày hôm nay, nếu không có anh ấy Linh cũng không ngồi được ở đây”, nữ lãnh đạo Quỹ VinaCapital nói với đôi mắt biết cười khi nhắc đến hậu phương vững chắc của mình.
Bà cho rằng, giữa vợ chồng, hai người phải cùng cần nhau chứ không phải là ai cần hi sinh cho ai. Nếu một trong hai người có cảm giác đang phải hi sinh thì cũng cần nói ra ngay, hai bên phải luôn chia sẻ, cởi mở với nhau thì sự gắn kết mới được vui vẻ, lâu dài.
“Quan điểm của Linh là phải hỏi chồng, nhiều chuyện mình đều bảo phải về hỏi chồng đã. Đương nhiên mình có thể quyết định, nhưng cuối ngày mình nên hỏi ý kiến của chồng. Người phụ nữ hiện đại không nên cứ tự đi những hướng mà mình muốn đi, nếu như vậy mình sẽ dễ bỏ qua những mối quan hệ khác trong cuộc sống”, bà Linh nói.
Là một người vô cùng tham công tiếc việc khi từng ôm máy tính chỉ sau hai ngày sinh con, bà Điệp được hỏi là làm sao để cân bằng công việc và cuộc sống? người phụ nữ có thể thành công cả trong công việc và cuộc sống gia đình được không?
Đáp lại bằng một so sánh vô cùng hài hước, Chủ tịch HĐQT FPT Retail cho rằng, nếu nói sau lưng một người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ âm thầm hi sinh, thì sau lưng một người phụ nữ thành đạt là cả một nhóm người âm thầm hi sinh chứ không chỉ là một người, đó là chồng con, cha mẹ…
Bà nhận xét: “Hầu hết người phụ nữ đã đạt được một vị trí trọng trách nào đó trong công việc thì đều tham công tiếc việc chứ không riêng mình tôi. Theo tôi, cân bằng được hay không tùy thuộc vào quan điểm và thời điểm. Tức là ở thời điểm ấy thì việc nào làm cho mình quan tâm hơn, làm mình hạnh phúc hơn thì mình sẽ hơi nghiêng về phía đó một chút”.
Ba bí quyết cân bằng công việc và gia đình của lãnh đạo FPT Retail chính là: Nếu được thì chọn chồng cùng công ty vì như vậy họ sẽ hiểu áp lực công việc của bạn ra sao và họ có thể dễ thông cảm; Đã làm sếp ở công ty thì về nhà không làm sếp nữa, mọi chuyện ở nhà nên để chồng quyết hết; Không có nhiều thời gian dành cho con thì nên biến sở thích của con thành sở thích của mình, như vậy nếu đi theo con thì bản thân mình cũng được thư giãn, đồng thời kéo gần khoảng cách giữa mẹ và con…