Đàm phán vòng 6 NAFTA khép lại, không ra được tuyên bố chung
Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ rút khỏi NAFTA? | |
NAFTA trước nguy cơ đổ vỡ |
Trưởng đoàn đàm phán của ba nước tại cuộc họp báo chung. (Nguồn: AFP) |
Tại cuộc họp báo chung sau vòng đàm phán ở thành phố Montreal này, Ngoại trưởng Canada Christia Freeland, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo đều khẳng định cam kết cần tiếp tục thảo luận về hiện đại hoá NAFTA nhằm thúc đẩy thương mại công bằng và bền vững.
Tại vòng đàm phán lần này, các bên đã hoàn tất đàm phán về chương trình chống tham nhũng, đạt được bước tiến trong một số lĩnh vực khác và quan trọng nhất là đã khởi động cuộc thảo luận về những vấn đề gây tranh cãi nhất. Ngoài ra, các bên cũng nhất trí sẽ tiến hành các vòng đàm phán tiếp theo ở Mexico City và Washington trong 2 tháng tới, tăng thêm một vòng so với kế hoạch ban đầu.
Trong vai trò nước chủ nhà, Ngoại trưởng Freeland cho biết các bên đã rất cố gắng để đạt được tiến bộ tại vòng đàm phán lần này, nhất là sau khi Canada đưa ra những sáng kiến gợi mở về tỷ lệ nội địa hoá ô tô, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư trong Chương 11 và điều khoản cho phép NAFTA tự động hết hạn sau 5 năm trừ khi các bên cùng nhất trí sẽ kéo dài.
Bà Freeland khẳng định Canada ủng hộ quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thúc đẩy thương mại tự do và công bằng; và Canada sẽ tiếp tục làm việc chủ động, tích cực với các đối tác để tìm kiếm giải pháp cùng thắng cho các bên.
Cũng theo bà Freeland, Canada muốn có một thỏa thuận tốt trong thời gian sớm nhất nhưng bên cạnh đó cũng sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản xảy ra trên tinh thần “hy vọng cho điều tốt nhất và chuẩn bị cho điều xấu nhất.”
Về phần mình, Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer xác nhận các bên đã đạt được một số tiến triển nhưng nhưng khá chậm. Theo ông, các cuộc đàm phán đa phương bao giờ cũng khó khăn và phức tạp hơn song phương, tuy nhiên, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục can dự nhằm khôi phục thương mại công bằng trong khu vực.
Ông bày tỏ hy vọng 3 nước sẽ đạt được thêm những kết quả khác trong tương lai, nhưng bên cạnh đó cũng nhấn mạnh quan ngại của Mỹ về tác động của cơ chế giải quyết tranh chấp đối với việc duy trì thương mại công bằng ở Bắc Mỹ. Ông Lighthizer cũng nhắc đến những tranh chấp thương mại gần đây giữa Mỹ và Canada, đồng thời cáo buộc Canada đang tìm cách mở cửa thị trường cho hàng hoá và dịch vụ của Trung Quốc.
Mặc dù kết quả đạt được tại vòng đàm phán lần này không như mong đợi và các bên cũng không ra được tuyên bố chung, nhưng theo ông Flavio Volpe, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Canada, đây vẫn là vòng đàm phán đem lại nhiều hy vọng nhất từ trước tới nay khi các bên đã có thể bước đầu đàm phán về những vấn đề gây tranh cãi nhất. Điều này sẽ giúp đảm bảo duy trì - thay vì phá vỡ - một trong những hiệp định thương mại đa phương tiến bộ và lâu đời nhất trên thế giới. Tất nhiên, tiến trình tái đàm phán có thể sẽ kéo dài hơn so với thời hạn chót vào tháng 3 tới nhưng điều quan trọng nhất là NAFTA vẫn sẽ được duy trì vì lợi ích của các doanh nghiệp và người dân Bắc Mỹ./.