Đắk Nông xin mở rộng vùng khai thác bôxít
Sản phẩm alumin tại Nhà máy alumin Nhân Cơ đang được đóng bao, đưa đi xuất khẩu - Ảnh: TRUNG TÂN
Trong văn bản đề xuất với Bộ Công thương, Đắk Nông cho rằng từ hiệu quả bước đầu của dự án alumin Nhân Cơ nên cần mở rộng thêm các nhà máy khác để tạo đà phát triển cho địa phương.
Ông Nguyễn Bốn, chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đề nghị Bộ Công thương tham mưu Thủ tướng cho phép xây dựng sản phẩm alumin - nhôm trở thành sản phẩm chiến lược quốc gia.
Theo đó, Đắk Nông muốn trở thành trung tâm công nghệ, khai thác bôxit - nhôm, luyện kim màu của Việt Nam, điều mà ông Bốn cho rằng phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đắk Nông đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Trước mắt, dựa trên kết quả của hai dự án thí điểm là Nhân Cơ và Tân Rai, Đắk Nông và Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV) đề nghị nâng công suất tối đa hai dự án lên 4 triệu tấn/năm.
Khu khai thác quặng của nhà máy alumin Nhân Cơ được cấp phép có diện tích hơn 3.000ha, trữ lượng 150 triệu tấn (30 năm) theo tỉnh Đắk Nông, TKV là không đủ đáp ứng sự phát triển - Ảnh: TRUNG TÂN
Tỉnh này cũng đề nghị xây dựng thêm 1 môđun tại Nhà máy alumin Nhân Cơ để nâng công suất thiết kế lên 1,3 triệu tấn/năm để đáp ứng đủ nguyên liệu cung ứng cho nhà máy điện phân nhôm (Nhà máy Trần Hồng Quân) công suất 450.000 tấn/năm.
Về lâu dài, Đắk Nông đề nghị Chính phủ xem xét cho mở mới các dự án alumin trên địa bàn tỉnh theo quyết định phê duyệt phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng bôxit giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ ngày 19-7-2016.
UBND tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị Chính phủ bổ sung dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân vào báo cáo tổng kết các dự án bôxít của Tây Nguyên để đảm bảo sự đầy đủ, phát triển đồng bộ từ khai thác quặng thô đến sản xuất thành phẩm.
Ông Nguyễn Bốn cho biết Khu công nghiệp Nhân Cơ được xây dựng để phục vụ nền công nghiệp phụ trợ nhưng đến nay chỉ một dự án Trần Hồng Quân đã hầu như lấp đầy.
Vì thế địa phương này đề nghị cho xây dựng thêm Khu công nghiệp Nhân Cơ 2 (diện tích 400ha) theo hình tức "đổi quặng lấy công trình", đề xuất Chính phủ bổ sung khu công nghiệp này vào quy hoạch tổng thể khác khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020.
Ngoài ra, Đắk Nông cũng đề nghị cho phát triển đường sắt đa dụng và đường cao tốc kết nối các tỉnh Tây Nguyên với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để phục vụ việc vận chuyển hàng hóa, nhất là alumin, các sản phẩm nông nghiệp đi chế biến, xuất khẩu.
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn cũng cho biết nhu cầu mở đường bay lưỡng dụng Nhân Cơ và đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành sẽ tạo động lực rất lớn cho sự phát triển địa phương.
Về hình thức đầu tư, ông Bốn cho rằng khi được bổ sung quy hoạch tỉnh sẽ kêu gọi theo hình thức ODA, PPP, BOT hoặc hình thức phù hợp khác gắn liền với quyền khai thác khoáng sản alumin…