Đại hội đồng cổ đông Eximbank năm 2016 chưa thể chốt dù thời gian gần cạn
Trước đó, vào cận ngày tiến hành ĐHĐCĐ lần thứ 3, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 8/2016, HĐQT Eximbank đã bất ngờ thông báo đến các cổ đông tạm hoãn, để thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về việc rà soát lại một số thông tin liên quan đến các ứng viên đề cử vào HĐQT Ngân hàng giai đoạn mới. Người đứng đầu Eximbank cho biết, kế hoạch tổ chức Đại hội sẽ còn phụ thuộc vào kết quả rà soát lại một số thông tin liên quan đến quyền đề cử, ứng cử của các nhóm cổ đông để báo cáo trước khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tuy nhiên, đến nay, sau gần ba tháng rưỡi, thông tin về kết quả kiểm soát thông tin nói trên vẫn chưa được tiết lộ và kế hoạch về ĐHĐCĐ thường niên 2016 của Eximbank vẫn bặt âm vô tính. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank cho hay, Ngân hàng cũng mong được tiến hành đại hội trong năm nay, nhưng vẫn phải chờ ý kiến từ cấp trên.
Trên thực tế, hiện cả thị trường chỉ còn Eximbank và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là chưa tiến hành ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, trong khi năm tài chính 2016 gần kết thúc. Năm 2015, Eximbank cũng phải trải qua ít nhất 2 lần đại hội thì mới thành công vào ngày 15/12/2015. Vì thế, lãnh đạo Eximbank kỳ vọng sẽ được tiến hành đại hội vào cuối năm nay để hoạt động của Ngân hàng ổn định và đẩy mạnh tái cấu trúc.
HĐQT Eximbank cho biết, đến một thời điểm thuận lợi hơn, thời gian triệu tập đại hội sẽ được thông báo. Trước đó, Eximbank đã 2 lần tiến hành ĐHĐCĐ thường niên, nhưng đều thất bại, do chưa tìm được sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông lớn của ngân hàng. Một thành viên HĐQT Eximbank cho biết, HĐQT Ngân hàng đang trong quá trình kiểm tra, rà soát lại một số thông tin liên quan đến quyền đề cử, ứng cử của các nhóm cổ đông để báo cáo trước khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt nhân sự đề cử, ứng cử bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 và khi nào có danh sách ứng viên, HĐQT mới có thể công bố được ngày dự kiến ĐHĐCĐ. Vẫn theo nguồn tin trên, việc rà soát lại thông tin sẽ đóng vai trò quan trọng giữa các nhóm cổ đông. Mặt khác, HĐQT Eximbank cũng xác định, việc rà soát thông tin càng rõ ràng, cụ thể, càng làm tăng khả năng thành công của ĐHĐCĐ Eximbank.
Theo nhiều nguồn thạo tin, danh sách 8 ứng viên ứng cử bổ sung thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 -2020 (sau khi ông Cao Xuân Ninh có đơn xin từ nhiệm) không có biến động nhiều so với 6 ứng viên đã ứng cử trước đó, song tới thời điểm này, HĐQT Eximbank vẫn từ chối tiết lộ danh tính cụ thể của các ứng viên và cho biết “sẽ chỉ công bố sau khi có sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước” và đó sẽ là bản danh sách chính thức trình cổ đông tại kỳ đại hội tới. Quan điểm của HĐQT Eximbank là, vấn đề nhân sự cao cấp sẽ chỉ có thể giải quyết khi nhận được sự chấp thuận của ĐHĐCĐ.
Trong một động thái khác, Eximbank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 3 quý của năm 2016. Theo đó, tính đến ngày 30/9, tổng tài sản Eximbank đạt gần 124.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế được ghi nhận ở mức 202 tỷ đồng, giảm tới 70% so cùng kỳ. Mặc dù kinh doanh của Ngân hàng vẫn bị lỗ 43 tỷ đồng, nhưng đã có những cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của Eximbank sau 9 tháng đầu năm chiếm 3,35% tổng dư nợ cho vay (tại thời điểm 6 tháng đầu năm nay tỷ lệ nợ xấu của Eximbank là 5,3%).
Theo lý giải của ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, lợi nhuận bị bào mòn do ngân hàng tăng trích dự phòng rủi ro, nhằm đảm bảo hoạt động. Eximbank cũng đã điều chỉnh giảm 44% kế hoạch lợi nhuận năm 2016, với mức trước thuế được dự kiến 400 tỷ đồng, trong khi kế hoạch trước đó là 720 tỷ đồng. Huy động vốn và dư nợ tăng lần lượt 9,7% và 4%, đạt mức 108.000 tỷ và 100.000 tỷ đồng.
Eximbank có 2 cổ đông lớn là Vietcombank (sở hữu 8,19% vốn điều lệ) Sumitomo Mitsui Banking Corporation (15% vốn điều lệ), phần còn lại là các cổ đông bên ngoài.