|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đại gia ngành điện Trường Thành Group mang theo gì lên HOSE?

12:35 | 26/08/2020
Chia sẻ
Thành lập năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu vỏn vẹn 50 tỉ đồng, Trường Thành Group hiện đã có vốn điều lệ 1.350 tỉ đồng và đang có kế hoạch tăng vốn lên 1.600 tỉ đồng trong năm 2020.

CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành (Trường Thành Group) mới đây đã được Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) chấp thuận niêm yết 135 triệu cổ phiếu với với mã cố phiếu là TTA. 

Mức giá tham chiếu dự kiến trong ngày đầu tiên giao dịch là 18.000 đồng/cp, tương đương giá trị vốn hóa của Trường Thành Group là 2.430 tỉ đồng. Đây là mức vốn hoá thuộc nhóm lớn nhất trong số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đang niêm yết.

Công ty gia đình liên tục tăng vốn 

Trường Thành Group được thành lập vào ngày 5/9/2008 tại Yên Bái với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh điện.

Khi mới thành lập, vốn điều lệ ban đầu của Trường Thành Group chỉ vọn vẹn 50 tỉ đồng. Sau hơn một thập kỉ, vốn điều lệ của công ty đã lên tới 1.350 tỉ đồng vào năm 2019.

Chân dung đại gia ngành điện Trường Thành Group sắp niêm yết trên HOSE - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp

Không dừng lại ở đó, mới đây công ty vừa công bố kế hoạch tăng vốn lên 1.600 tỉ đồng trong năm 2020 thông qua chào bán 25 triệu cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược.

Theo Trường Thành Group, số tiền thu được từ đợt chào bán dùng để bổ sung nguồn vốn và đầu tư cho dự án điện mặt trời Hồ Núi Một - một trong những dự án trọng tâm trong thời gian tới.

Tính đến 7/8/2020, danh sách cổ đông lớn của Trường Thành Group bao gồm Công ty TNHH Xây dựng Trường Thành - cổ đông lớn nhất nắm giữ 31,9 triệu cổ phiếu TTA, tương đương 23,63% vốn điều lệ công ty.

Theo sau là ông Trần Huy Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Trường Thành Group hiện sở hữu 23,26 % vốn điều lệ. Ông Đức đồng thời thành viên trong ban lãnh đạo của hai công ty có liên quan đến Trường Thành Group là CTCP Phong điện Phương Mai và Công ty TNHH Xây dựng Trường Thành.

Các cổ đông lớn khác là bà Nguyễn Thị Ngọc, vợ ông Đức nắm giữ 11,63% vốn điều lệ và em trai ông Đức - ông Trần Huy Thiệu, thành viên HĐQT công ty nắm giữ 6,52%.

Còn tại Công ty TNHH Xây dựng Trường Thành, theo danh sách cổ đông cập nhật gần nhất ngày 23/10/2017, công ty cũng do các cổ đông nắm giữ phần lớn vốn góp. Trong đó, ông Trần Huy Đức góp 55,9% (179 tỉ đồng); bà Nguyễn Thị Ngọc góp 4,7% (15 tỉ đồng), Trần Huy Thiệu 22,6% (72 tỉ đồng). 

Chân dung Trường Thành Group - đại gia ngành điện sắp niêm yết trên HOSE - Ảnh 2.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp

Chủ đầu tư các dự án điện hàng nghìn tỉ

Dự án đầu tay của Trường Thành Group là thủy điện Ngòi Hút 2 - dự án điện năng đầu tiên của công ty với công suất 48 MW, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng. Cùng năm 2015, sau khi thủy điện Ngòi Hút 2 đi vào vận hành thương mại, công ty tiếp tục đầu tư vào dự án thủy điện Ngòi hút 2A, với tổng giá trị đầu tư 292 tỉ đồng. 

Chân dung đại gia ngành điện Trường Thành Group sắp niêm yết trên HOSE - Ảnh 5.

Nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ tăng trung bình khoảng 8,2% trong 20 năm tới (Nguồn: Qui hoạch điện VII điều chỉnh)

Đến năm 2018, doanh nghiệp chính thức lấn sân sang lĩnh vực điện mặt trời thông qua đầu tư trang trại điện mặt trời hồ Bầu Ngứ công suất 62 MWp, tổng mức đầu tư lên đến 1.457 tỉ đồng. Nhà máy điện mặt trời chính thức hòa vào lưới điện quốc gia từ quí IV/2019.

Như vậy tính tới thời điểm hiện tại, Trường Thành Group sở hữu ba nhà máy đang phát điện thương mại. Ngoài ra, đại gia ngành điện tại Yên Bái cũng đang đầu tư vào nhà máy Thủy điện Pá Hu, công suất 26 MW dự kiến vận hành quí III/2020 và nhà máy điện mặt trời Hồ Núi Một 1 công suất 50 MWp, dự kiến vận hành quí IV/2020.

Nhằm mở rộng và đang hóa loại hình kinh doanh, công ty cũng đang liên kết với CTCP Phong điện Phương Mai đầu tư vào dự án điện gió Phương Mai 1, công suất khoảng 30 MW với tổng mức đầu tư khoảng 1.576 tỉ đồng. Nhà máy dự kiến đạt tại Khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định và đưa vào vận hành trong nửa đầu năm 2021.

Chưa đến lúc "hái quả", cạn tiền mặt

Về tình hình kinh doanh, Trường Thành Group cho biết doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện chiếm 95 - 99% tổng doanh thu của công ty. Giai đoạn 2017 - 2019, doanh thu và lợi nhuận giảm dần qua các năm.

Chân dung Trường Thành Group - đại gia ngành điện sắp niêm yết trên HOSE - Ảnh 3.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ BCTC của Trường Thành Group

Cụ thể, năm 2019, Trường Thành ghi nhận doanh thu thuần 269 tỉ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện năm 2018. Giá vốn cùng với chi phí tài chính tăng cao đã kéo giảm lãi sau thuế 18%, còn 75 tỉ đồng. Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sỡ hữu (ROE) đạt 5,52%.

So với CTCP Điện Gia Lai (GEG) - doanh nghiệp vận hành các nhà máy thủy điện và cũng đang đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo có vốn hoá 3.500 tỉ đồng, ROE của Trường Thành Group chỉ bằng 1/2.

Chân dung đại gia ngành điện Trường Thành Group sắp niêm yết trên HOSE - Ảnh 4.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp

Mới đây, công ty vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh bán niên với doanh thu thuần gần 170 tỉ đồng, tăng 59% so với cùng kì năm trước. Lãi sau thuế tăng 91%, lên 42 tỉ đồng.

Năm 2020, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 450 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 140 tỉ đồng, lần lượt tăng 67% và 86% so với thực hiện năm 2019.

Như vậy, sau nửa đầu năm, Trường Thành mới chỉ thực hiện 37% chỉ tiêu doanh thu và 30% lợi nhuận cả năm.

Kết quả trên của công ty được ghi nhận trong bối cảnh hiện tượng elnino dẫn đến tình trạng thiếu hụt lượng nước đối với các nhà máy thủy điện trong nửa đầu năm, đồng thời nhà máy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ trong giai đoạn trên cũng chỉ chạy được 60% công suất do tình trạng quá tải đường dây truyền tải điện tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận.

Theo Trường Thành Group, việc nhà máy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ chạy 100% công suất từ ngày 29/6 và hai dự án nhà máy thủy điện Pá Hu, nhà máy điện mặt trời Hồ Núi Một đi vào vận hành trong năm 2020 được kì vọng giúp doanh thu và lợi nhuận trong nửa cuối năm tăng trưởng cao hơn so với nửa đầu năm và đảm bảo hoàn thành kế hoạch cả năm.

Đại gia ngành điện Trường Thành Group mang theo gì lên HOSE? - Ảnh 6.

Nguồn: BCTC Trường Thành Group được Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt kiểm toán

Tính đến cuối quí II, qui mô tài sản của Trường Thành Group đạt 4.113 tỉ đồng, tăng 5% so với hồi đầu năm. Dù vậy, các tài sản ngắn hạn có tính thanh khoản cao chỉ chiếm chưa đến 7% tổng giá trị tài sản, đạt 273 tỉ đồng. Đáng chú ý, tiền và tương đương tiền vỏn vẹn 1,4 tỉ đồng cho thấy doanh nghiệp đang cạn vốn kinh doanh.

Trong khi đó, Công ty đã huy động tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 2.335 tỉ đồng, gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu để tài trợ vốn cho các dự án thủy điện Ngòi Hút 2A, thủy điện Ngòi Hút 2, nhà máy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ…

Việc thiếu hụt nguồn vốn, Trường Thành Group dự kiến chào bán 25 triệu cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, tăng vốn điều lệ lên 1.600 tỉ đồng ngay trong năm nay.

Thu Thảo

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.