|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Đại gia' hậu xuất khẩu lao động

10:10 | 24/08/2019
Chia sẻ
Nhiều thanh niên ở miền Tây sau khi đi xuất khẩu lao động trở về đã học hỏi được nhiều kĩ năng và trở thành “đại gia”.
avatar_1566608100301

Người lao động Đồng Tháp tìm hiểu thông tin XKLĐ tại trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh này Phú Thuận

Gửi về nhà hàng trăm triệu đồng/năm

Ông Bùi Thành Nhơn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đồng Tháp, cho biết giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Đồng Tháp ra chỉ tiêu xuất khẩu lao động (XKLĐ) 4.000 người, nhưng thống kê đến cuối tháng 7.2019, địa phương đã đưa hơn 5.000 người đi XKLĐ, nâng tổng số XKLĐ từ năm 2014 đến nay lên trên 7.000 người; trong đó sang Nhật Bản gần 5.000 người, còn lại là Hàn Quốc, Đài Loan... 

Trung bình mỗi năm, những người đi XKLĐ ở Đồng Tháp gửi về cho gia đình khoảng 1.500 tỉ đồng. Số gia đình có 2 - 3 con đi lao động ở nước ngoài ngày càng tăng lên. Diện mạo vùng quê nghèo có nhiều thay đổi nhờ những ngôi nhà khang trang do người đi XKLĐ gửi tiền về xây dựng ngày càng nhiều. 

Đơn cử gia đình ông Hồ Văn Cường (ở ấp An Bình, xã Mỹ An Hưng A, H.Lấp Vò, Đồng Tháp) có 2 con trai là Hồ Huỳnh Thy, Hồ Trọng Nhân đang làm việc tại Nhật Bản. Đều đặn mỗi tháng, 2 người con gửi về cho gia đình gần 50 triệu đồng. 

Từ số tiền các con gửi về, vợ chồng ông xây được căn nhà hơn 1 tỉ đồng. Hiện tại, người con trai còn lại của ông đang học ngoại ngữ để tiếp tục sang Nhật làm việc. “Con trai lớn từ Nhật Bản trở về tác phong chững chạc, nhanh nhẹn, lễ phép nên tôi quyết định cho con trai út đi Nhật Bản theo gương 2 anh”, ông Cường chia sẻ.

Gia đình bà Huỳnh Thị Mum (ở ấp Hòa Định, xã Tịnh Thới, H.Lai Vung, Đồng Tháp) có đến 10 con, cháu đi XKLĐ tại Nhật Bản; trong đó có 3 con ruột và 1 người con rể. Trong quá trình tham gia XKLĐ, người con gái thứ ba của bà là Trịnh Thị Kiều (26 tuổi) đã nên duyên vợ chồng với anh bạn đồng nghiệp Natsume YuYa người Nhật Bản.

Ông Bùi Thành Nhơn cho biết ngoài thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đồng Tháp đang đẩy mạnh xúc tiến, tìm hiểu để đưa lao động của tỉnh sang làm việc tại Ba Lan, Đức, Bồ Đào Nha, Romania… 

Theo ông Nhơn, mục tiêu lớn nhất của tỉnh trong chương trình XKLĐ, ngoài lợi ích kinh tế mà bản thân và gia đình được hưởng, người lao động sẽ được nâng cao trình độ mọi mặt để mang tác phong công nghiệp, cách quản lý và ý thức kỷ luật... về áp dụng tại quê hương; trở thành nguồn lao động chất lượng cao của tỉnh để thu hút đầu tư sau này. 

“Nếu một gia đình 4 nhân khẩu có 1 ha đất làm ruộng thì chỉ đủ sống, lúa cũ đổi lúa mới. Nhưng chỉ cần 1 người trong số đó sang Nhật Bản lao động, mỗi tháng gửi về 20 triệu đồng thì chắc chắn sẽ không còn nghèo”, ông Nhơn nói.

'Đại gia' hậu xuất khẩu lao động - Ảnh 2.

Anh Bùi Thanh Phương (H.Ba Tri, Bến Tre) dùng đồng vốn kiếm được đầu tư vào nông nghiệp và hiện có thu nhập tiền tỉ mỗi nămẢNH: BẮC BÌNH

Trở về làm “ông chủ, bà chủ”

Điều đáng mừng là sau thời gian lao động ở nước ngoài, những người tham gia XKLĐ ở ĐBSCL trở về quê với “hành trang” là số tiền công lao động khá lớn cùng những kiến thức, kinh nghiệm quản lý, ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp học hỏi được từ xứ người để gầy dựng cuộc sống cho mình và gia đình. 

Như trường hợp anh Bùi Thanh Phương (35 tuổi, ngụ xã An Ngãi Trung, H.Ba Tri, Bến Tre). Năm 2013, anh Phương từ Nhật Bản trở về quê, mang hết số tiền 900 triệu đồng dành dụm được trong 3 năm làm công nhân tại xứ người để thuê hơn 1 ha đất trồng đậu phộng và làm nhà xưởng sản xuất nấm rơm theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch.

Nếu một gia đình 4 nhân khẩu có 1 ha đất làm ruộng thì chỉ đủ sống, lúa cũ đổi lúa mới. Nhưng chỉ cần 1 người trong số đó sang Nhật Bản lao động, mỗi tháng gửi về 20 triệu đồng thì chắc chắn sẽ không còn nghèo

Ông Bùi Thành Nhơn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đồng Tháp


“Trước khi đi, tôi đã học làm nấm rơm nhưng vì vốn liếng không có đành phải gián đoạn. Qua Nhật làm công nhân, mỗi lúc rảnh rỗi, tôi bắt xe buýt xuống các làng quê để xem và học cách làm nông nghiệp của người dân bản xứ. 

Tôi bất ngờ lắm vì đất đai làm nông nghiệp bên nước bạn không nhiều, nhưng họ làm chuyên canh, trồng cái gì ra cái đó theo từng vùng, từng khu vực, đặc biệt là luôn canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ. Nghĩ đến đất đai phì nhiêu của quê mình, tôi đã ấp ủ nhiều khát vọng”, anh Phương chia sẻ. 

Từ 1 ha đất thuê ban đầu, đến nay anh Phương đã thuê mướn thêm hơn 3 ha để làm nấm và trồng đậu phộng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại địa phương. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ hết các chi phí, anh Phương thu lời gần 1 tỉ đồng và được người dân địa phương gọi là “đại gia” hậu XKLĐ.

Tương tự, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của anh Phạm Văn Hải (27 tuổi, ngụ ấp 3, xã Châu Bình, H.Giồng Trôm, Bến Tre) cũng hiệu quả không kém. Mỗi năm, chỉ với 800 m2 trồng dưa lưới, anh Hải thu lời gần 300 triệu đồng.

Ông Hồ Xuân Sơn, cán bộ LĐ-TB-XH xã An Ngãi Trung (H.Ba Tri, Bến Tre), cho biết từ năm 2015 đến nay, mỗi năm địa phương có hơn 35 thanh niên đi XKLĐ tại Nhật Bản và Hàn Quốc; sau đó về quê “khởi nghiệp” và gặt hái thành công trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thương mại, dịch vụ… 

Ông Nguyễn Thành Thưởng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bến Tre, cho biết khẩu hiệu về XKLĐ của tỉnh này là: “Đi học nghề về làm chủ, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là bắt đầu khởi nghiệp”.

Trong năm 2018, tỉnh Vĩnh Long đưa được hơn 1.600 thanh niên đi lao động ở nước ngoài (chủ yếu là Nhật Bản và Hàn Quốc), đứng thứ nhì trong khu vực ĐBSCL (sau Đồng Tháp). Còn tại Bến Tre, năm 2018 có tổng cộng 1.008 người đi XKLĐ, tăng hơn 200 người so với chỉ tiêu kế hoạch. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã có 793 người đi, chiếm gần 70% kế hoạch năm 2019. Trong khi đó, năm 2018, tỉnh Bạc Liêu chỉ đề ra kế hoạch XKLĐ 300 người; thực tế đưa được 339 người. Từ đầu năm 2019 đến nay đã đưa được 215 lao động, vượt kế hoạch đề ra. Tỉnh Cà Mau đặt chỉ tiêu XKLĐ năm 2018 là 100 người, nhưng chỉ đưa được 66 người. Năm 2019, tỉnh ra chỉ tiêu XKLĐ 400 người, nhưng từ đầu năm đến nay có 457 người đăng ký và thực tế chỉ mới XK được 113 lao động.



Thanh niên

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.