Đại chúng hóa tại Chứng khoán APEC (APS): Sau một con sóng thêm vạn cổ đông
Lịch sử hoạt động của Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (Chứng khoán APEC, mã: APS) gắn liền với tên tuổi của vị thuyền trưởng công ty là ông Nguyễn Đỗ Lăng. Ông Lăng sinh năm 1974, từng trải qua nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao của công ty chứng khoán này như Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và hiện giờ là Tổng Giám đốc công ty.
Với quy định tách bạch vị trí chủ tịch và TGĐ, chiếc ghế chủ tịch của Chứng khoán APEC hiện thuộc về ông Phạm Duy Hưng, sinh năm 1979. Ông Hưng đã có nhiều năm gắn bó với Chứng khoán APEC trên nhiều vị trí khác nhau.
Trở lại với Chứng khoán APEC, công ty được thành lập vào tháng 12/2006 với vốn điều lệ 60 tỷ đồng. Đây cũng là thời điểm làn sóng thành lập công ty chứng khoán nở rộ tại Việt Nam. 6 cổ đông sáng lập của Chứng khoán APEC là Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank, tên gọi mới MSB, góp vốn 11%), 4 cá nhân cùng với tỷ lệ sở hữu 18% gồm ông Nguyễn Đỗ Lăng, ông Nguyễn Anh Tú, ông Nguyễn Duy Khanh và ông Dương Song Hà, cổ đông Hà Ngọc Anh nắm giữ 17%.
Sau đó Chứng khoán APEC tăng vốn điều lệ lên 260 tỷ đồng vào tháng 3/2008. Ngày 19/4/2010, 26 triệu cổ phiếu APS chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Thời điểm lên sàn, Chứng khoán APEC có 937 cổ đông trong đó có 915 cá nhân trong nước, 7 tổ chức trong nước và 15 cá nhân nước ngoài. Hai cổ đông lớn tại công ty là Ngân hàng TMCP Hàng Hải (7,62%) và ông Nguyễn Đỗ Lăng (26,63%).
Cũng trong năm 2010, Chứng khoán APEC tăng vốn lên 390 tỷ đồng và giữ trong nhiều năm sau đó. So với các đơn vị khác trong ngành, quy mô vốn của Chứng khoán APEC khá khiêm tốn.
Quy mô vốn vừa và nhỏ, hoạt động kinh doanh không nhiều điểm nổi bật, thị phần môi giới hạn chế, cái tên “Chứng khoán APEC” được thị trường biết đến một cách rộng rãi, thậm chí có thể nói khá mờ nhạt trên thị trường. Số lượng cổ đông của công ty dao động trong khoảng 1.000 – 2.000 cổ đông trong nhiều năm.
Nhưng khi thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào con sóng tăng mạnh nhất lịch sử năm 2021, cái tên Chứng khoán APEC được thị trường chú ý khi cổ phiếu APS tăng giá phi mã, lọt nhóm những cổ phiếu có thị giá cao nhất trong ngành chứng khoán.
Trong năm 2021, Chứng khoán APEC thực hiện hai đợt tăng vốn liên tiếp. Trong tháng 7, công ty chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 với giá 10.000 đồng/cp đưa vốn điều lệ tăng từ 390 tỷ đồng lên 780 tỷ đồng. Trong tháng 11, công ty phát hành ESOP 1,1 triệu cp và chào bán riêng lẻ 3,9 triệu cp tăng vốn điều lệ lên 830 tỷ đồng.
Năm 2022, công ty tiếp tục có kế hoạch tăng vốn lên 1.660 tỷ đồng thông qua việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, Chứng khoán APEC đã rút hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng do diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi, ảnh hưởng đến việc phát hành và lợi ích của cổ đông.
Sau khi bất thành năm 2022, Chứng khoán APEC trình cổ đông phương án phát hành riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu trong năm 2023 với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Nếu có thể thực hiện, có thể nói rằng ông Nguyễn Đỗ Lăng đã khá thành công trong việc nâng quy mô của Chứng khoán APEC, tận dụng giai đoạn thuận lợi của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo dõi hoạt động của Chứng khoán APEC, cùng với đà tăng giá phi mã của cổ phiếu, số lượng cổ đông đồng hành của công ty cũng tăng gấp bội. Theo dữ liệu được phóng viên tổng hợp, số lượng cổ đông tại thời điểm cổ phiếu APS giao dịch èo uột cuối năm 2020 là 1.306 cổ đông (ngày 22/10/2020), lên lên 2.450 cổ đông ngày 15/3/2021.
Sau nhịp tăng giá phi mã đẩy thị giá cổ phiếu APS gấp 15 lần, lượng cổ đông Chứng khoán APEC tăng lên 10.803 người vào ngày 15/10/2021 khi công ty chốt quyền tham dự đại hội cổ đông bất thường. Đây chính là đại hội dạy sóng cộng đồng đầu tư khi lãnh đạo và cổ đông đồng thanh hô “gồng lãi”.
Sang đến mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, số cổ đông của Chứng khoán APEC tiếp tục tăng lên mức kỷ lục là 16.486 cổ đông. Quy mô cổ đông này còn nhiều hơn một số công ty chứng khoán lớn với vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng.
Cập nhật mới đây nhất khi Chứng khoán APEC chốt quyền tham dự đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, số lượng cổ đông của công ty là 14.266.
Cũng bởi cơ cấu cổ đông bị pha loãng, trong hai kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 và 2023, Chứng khoán APEC không thể tổ chức đại hội ngay trong lần đầu do không đủ túc số (50%). Đại hội chỉ được tiến hành trong lần thứ hai khi đủ điều kiện (trên 33%).