Đại chiến công nghệ Mỹ - Trung
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11-2 đã ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu chính quyền Mỹ tăng cường ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tiếp lửa cho cuộc chiến chiếm lĩnh ngôi đầu trong lĩnh vực này với Trung Quốc.
Ưu tiên tối đa
Các chuyên gia AI, giới học giả và nhiều nhân vật nội các Mỹ từ lâu đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump ưu tiên mạnh cho phát triển AI. Mùa xuân năm 2018, lo ngại Mỹ sẽ bị Trung Quốc và các quốc gia khác lấn lướt, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ là James Mattis đã gửi một bản ghi nhớ tới Nhà Trắng đề nghị tổng thống xây dựng một chiến lược quốc gia về AI.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc nay đã từ chức, song đề xuất khẩn thiết của ông đã được Tổng thống Trump thực hiện thông qua sắc lệnh hành pháp gọi là "Sáng kiến AI của Mỹ". Sắc lệnh này kêu gọi dành tối đa tài nguyên của chính phủ liên bang cho mục tiêu thúc đẩy sáng tạo trong lĩnh vực AI. Tuyên bố từ Nhà Trắng nêu rõ: "Người Mỹ đã hưởng rất nhiều lợi ích nhờ các nỗ lực tiên phong đi đầu trong phát triển AI. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc đua đổi mới công nghệ AI tăng tốc khắp thế giới, chúng ta không thể ngồi yên và tưởng rằng vị trí thống lĩnh không thể lung lay".
Theo báo The New York Times (Mỹ), "Sáng kiến AI của Mỹ" chưa được như nhiều người kỳ vọng. Sắc lệnh tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện con đường tiếp cận các dịch vụ điện toán đám mây và dữ liệu cần thiết để xây dựng các hệ thống AI; đồng thời thúc đẩy hợp tác với các cường quốc bên ngoài.
Tuyên bố từ Nhà Trắng không đề cập Trung Quốc song kêu gọi xây dựng "một kế hoạch hành động để bảo vệ lợi thế của Mỹ trong AI cũng như các công nghệ thiết yếu với những lợi ích an ninh kinh tế quốc gia trước các đối thủ cạnh tranh chiến lược". Dù vậy, sắc lệnh không đả động tới các quỹ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển AI. Bên cạnh đó, chính quyền không nêu rõ về cách thức lên kế hoạch để những chính sách mới đi vào hiệu lực.
Trong khi các "gã khổng lồ" công nghệ của Mỹ như Google và Amazon đang dẫn đầu trong thế giới AI, nhiều chuyên gia không khỏi lo ngại Trung Quốc có thể vượt mặt Mỹ ở việc phát triển các công nghệ tăng cường sức mạnh cho những hệ thống giám sát và vũ khí tự động, cũng như ôtô không người lái và hàng loạt dịch vụ internet quy mô lớn.
Hồi tháng 7-2017, Trung Quốc để lộ kế hoạch chinh phục vị trí thống lĩnh thế giới trong lĩnh vực AI nhằm tạo ra một nền công nghệ trị giá 150 tỉ USD cho nền kinh tế vào năm 2030. Hai thành phố của nước này đã cam kết đầu tư 7 tỉ USD cho nỗ lực đầy tham vọng đó. Các chính phủ khác cũng bắt đầu tung ra những gói đầu tư lớn; trong đó có Hàn Quốc, Anh, Pháp và Canada.
Robot trí tuệ nhân tạo tại Hội nghị Internet thế giới - sự kiện công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, ở Ô Trấn, tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc năm 2018. Ảnh: THE NEWYORK TIMES |
Tăng tốc
Tại Mỹ, Bộ Quốc phòng cũng sốt sắng tăng tốc trong nỗ lực nắm bắt AI, luân chuyển 75 triệu USD trong ngân sách thường niên cho một văn phòng mới chịu trách nhiệm phát triển công nghệ của tương lai này.
Các cơ quan chính phủ khác cũng tiến hành những dự án lớn về AI. Tuy vậy, nhiều chuyên gia AI lo ngại những tài năng hàng đầu nước Mỹ khó cưỡng được sức hút từ các công ty lớn như Google và Amazon, sẽ dứt áo khỏi các cơ quan nhà nước.
Hồi năm ngoái, lo ngại này càng trở nên rõ rệt hơn khi Google rút khỏi một dự án xây dựng AI cho Lầu Năm Góc sau khi các nhân viên chống đối việc công nghệ họ đang xây dựng có thể bị sử dụng vào mục đích sát thương! Các công ty như Google cũng đang mở rộng hoạt động tại Trung Quốc, Pháp và Canada.
Theo báo The Washington Post (Mỹ), khi quyết định chuyển đổi từ một công xưởng khổng lồ của thế giới sang xã hội tiêu dùng kết nối, Trung Quốc đã sa vào cuộc đối đầu do Mỹ dẫn dắt nhằm vào những chính sách thương mại.
Washington lo ngại sự thống lĩnh những công nghệ mới nhất, như viễn thông 5G, robot và AI từ một Trung Quốc đang trỗi dậy sẽ tràn lan những hoạt động mờ ám vượt ra ngoài biên giới nước này tới nhiều quốc gia khác. Theo giới chuyên gia, đối với các lãnh đạo Trung Quốc, tụt lại phía sau trong cuộc đua công nghệ đồng nghĩa với tiến trình của một thế kỷ bẽ bàng nữa dưới tay phương Tây.
"Gót chân Achilles" của Trung Quốc Trong vụ Giám đốc tài chính Huawei Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Chu) bị bắt giữ hồi tháng 12-2018 tại Canada theo yêu cầu của Mỹ, nhiều người ở Trung Quốc cho rằng sự việc này đã củng cố mối nghi ngại về ý định "khuất phục Bắc Kinh" của Washington. Khi xung đột ngày càng khoét sâu, cả Trung Quốc và Mỹ đều đang nhận ra rằng sự phụ thuộc lẫn nhau, đã hình thành qua nhiều thập kỷ, không dễ rũ bỏ. Hơn 90% chip bán dẫn mà nước này dựa vào đó để nâng cấp công nghệ cho nền kinh tế đều phải nhập khẩu, chủ yếu từ Mỹ hoặc các công ty do Mỹ sở hữu. Phía Mỹ đã tận dụng điểm yếu này của Trung Quốc bằng cách tăng cường áp chế các tập đoàn công nghệ nước này như từ chối bán chip cao cấp cho Tập đoàn ZTE, ngăn trở những thương vụ mua bán sản phẩm 5G của Huawei. Trong khi Washington và Bắc Kinh vẫn đang rốt ráo tìm kiếm một thỏa thuận thương mại trước hạn chót "đình chiến thuế quan" vào ngày 1-3 tới, một thách thức được cho là gay go hơn nhiều đối với 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là tìm kiếm một "tạm ước" trong cuộc đua công nghệ. Trên hết, vấn đề này được tháo gỡ ra sao sẽ định đoạt liệu thế giới sẽ một lần nữa bị đóng băng trong những khối thù địch của một cuộc chiến tranh lạnh mới, theo nhận định của Tổng Biên tập trang The WorldPost thuộc Viện Nghiên cứu Berggruen (Mỹ) Nathan Gardels. |