Đà phục hồi thị trường cá tra chỉ là tạm thời?
Thị trường tăng trở lại nhờ sức mua từ Trung Quốc - Hồng Kông
Thị trường cá tra thời gian gần đây đang có những tín hiệu tích cực về thị trường tiêu thụ. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), kể từ cuối quí III, tình hình nhập khẩu cá tra ở một số thị trường lớn đã tích cực trở lại, nhất là Trung Quốc - Hồng Kông. Nhờ đó đó, giá cá tra nguyên liệu tăng trở lại.
Cụ thể trong 9 tháng đầu năm nay, Trung Quốc - Hồng Kông và Mỹ vẫn là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp cá tra Việt Nam, chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang 133 thị trường.
Cho dù vẫn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu cá tra xuất khẩu, nhưng thực sự, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn chưa hồi phục và ổn định trở lại sau COVID-19.
Còn với thị trường Trung Quốc - Hồng Kông, kể từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10, hoạt động xuất khẩu đã tấp nập trở lại.
Theo thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn sang thị trường này, điều đặc biệt trong năm nay, kể cả dịp Lễ quốc khánh Trung Quốc (1/10), nhiều khách hàng vẫn còn đặt hàng.
Tuy nhiên, sự khởi động lạc quan này được đánh giá mới chỉ là bước đầu, trong đó phần lớn nhu cầu tập trung ở nhóm sản phẩm cá tra size lớn từ 1,1 – 1,3 kg/con.
Tới cuối tháng 10, giá cá tra nguyên liệu loại 0,7- 0,8 kg/con tại Đồng Tháp đã tăng lên mức 21.800 – 22.500 đồng/kg, tăng từ 500 – 700 đồng/kg so với tuần trước, giá cá tra bột cỡ 28 – 35 con/kg và 50 – 60 con/kg cũng tăng lên mức từ 22.000 – 24.000 đồng/kg, tăng 1.000 – 1.500 đồng/kg so với giữa tháng 10.
Giá cá tra xuất khẩu cũng tăng trở lại. Theo đó, giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu đã tăng lên mức 2,25 – 2,35 USD/kg trong tháng 1/2020.
Tuy nhiên, trong tháng 2 và 3/2020, giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu lại giảm xuống mức dưới 2,2 USD/kg và mức giá này tiếp tục được duy trì cho tới hết quí II/2020.
Bước sang qúi III/2020, giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu đã tăng lên mức từ 2,35- 2,5 USD/kg. Tới cuối tháng 10, giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu trung bình cũng đã tăng lên mức 2,65 – 2,7 USD/kg.
Trao đổi với người viết ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết do thị trường cá tra đang phục hồi chủ yếu do Trung Quốc tiêu thụ mạnh trở lại.
Tình hình COVID-19 bên Trung Quốc tương đối ổn, các hoạt động nhà hàng trở lại, nhu cầu tăng trở lại.
"Thị trường Trung Quốc rất lớn. Tuy nhiên, hiện thị trường vẫn chỉ mua dần dần chứ chưa mua ào ạt. Nhưng nếu tình hình này kéo dài thì đây sẽ là tín hiệu rất tốt đối với ngành cá tra", ông Quốc cho biết.
Mặc dù vậy, đại diện Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng đây có thể chỉ là đợt phục hồi ngắn hạn bởi tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa được được giải quyết triệt để.
Bên cạnh đó, ông Quốc cho rằng động thái mua trở lại của Trung Quốc thời gian gần đây mang tính chất dự trữ nhiều hơn bởi họ dự phòng khả năng dịch COVID-19 tái bùng phát trở lại.
"Nếu đây là hiện tượng phục hồi bình thường thì là tín hiệu khả quan. Thế nhưng nếu chỉ là động thái mua dự trữ thì triển vọng trong dài hạn rất khó lường.
Tuy nhiên trong ngắn hạn từ nay đến cuối năm, ngành cá tra vẫn có thể kì vọng rằng việc xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ nhu cầu cho các dịp lễ, tết", ông Quốc nói.
VASEP khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần thận trọng trước khi quyết định mở rộng hay gia tăng đột ngột diện tích nuôi, sản xuất cá nguyên liệu.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), nhu cầu tiêu thụ dự kiến tăng trưởng trong quí IV/2020 và năm 2021.
Xuất khẩu cá tra tại các thị trường lớn đều dưới mức sản lượng trung bình 4 năm. BSC kì vọng khi dịch COVID-19 kết thúc, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng trưởng tốt trở lại.
Các thị trường khác vẫn chưa thể phục hồi
Mặc dù ngành cá tra đón tín hiệu tốt từ thị trường Trung Quốc - Hồng Kông nhưng ở nhiều khu vực khác, việc tiêu thụ vẫn còn chậm.
Theo số liệu của VASEP, tính đến hết tháng 9, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường ASEAN – thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, đạt 102,8 triệu USD, giảm 30,3%.
Trong đó, giá trị xuất khẩu sang ba thị trường lớn nhất khu vực là Thái Lan, Singapore và Malaysia giảm lần lượt 27,4%; 1,4% và 25,8% so với cùng kì năm ngoái.
Thị trường được đánh giá là tích cực hơn cả là Singapore trong tháng 9, giá trị xuất khẩu cũng giảm 15% so với cùng kì năm 2019. Cho tới nay, hậu COVID-19, tình hình xuất khẩu cá tra sang ASEAN vẫn chưa cân bằng trở lại.
Tương tự như ASEAN, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang EU bấp bênh và nhiều tháng giảm sút.
Tổng giá trị xuất khẩu sang khu vực này đạt 98,4 triệu USD, giảm 33,8%. Trong đó, bốn thị trường nhập khẩu lớn nhất là Hà Lan và Bỉ đều giảm 27,7%; Đức giảm 35,4% và Tây Ban Nha giảm 17,2% so với cùng kì năm trước.
Theo ông Quốc mặc dù EVFTA đã hiệu lực được hơn 3 tháng nhưng vẫn chưa đủ sức kéo đối với hoạt động xuất khẩu cá tra sang EU bởi do tác động của dịch COVID-19.
"Tình hình COVID-19 khiến mua bán của mình bị hạn chế do đó việc khai khai thác lợi thế EVFTA vẫn chưa được phát huy. Nhưng đây hiệp định này sẽ là công cụ rất tốt hỗ trợ con cá tra Việt Nam tại 28 nước châu Âu bởi tại thị trường này các dòng cá trắng vẫn đang chịu thuế trong khi cá tra Việt Nam được miễn thuế", ông Quốc nói.
Hiện tại, hàng loạt nước châu Âu ban hành lênh phong tỏa trở lại nhằm ngăn chặn làn sòng COVID-19 thứ hai. Điều này đồng nghĩa sức tiêu thụ cá tra từ các nhà hàng sẽ giảm mạnh. VASEP dự báo tới cuối năm, giá trị xuất khẩu cá tra EU tiếp tục giảm.